TTCT - Kết quả bầu cử ở Thái Lan cho thấy cử tri đã ngán ngẩm với cánh quân đội cầm quyền, và cả những định chế lâu đời khác. Hàng chục ngàn người đã xuống đường hôm thứ hai 15-5 mừng thắng lợi của Đảng Tiến bước (PLP). Hiệu trưởng Trường Luật của Viện Học giả châu Á (CAS) Jade Donavanik ngỏ ý: "Giờ là lúc để Thái Lan tiến về phía trước, hướng tới một chương mới". Nhưng "chương mới" này chưa chắc sẽ thuận buồm xuôi mái. Đài tưởng niệm Dân chủ giữa thủ đô Bangkok hôm thứ hai chật kín người khi dân chúng tụ tập ăn mừng chiến thắng của PLP do ông Pita Limjaroenrat lãnh đạo trong cuộc bầu cử hôm chủ nhật 14-5. Cuộc bầu cử đã thu hút khoảng 39,5 triệu cử tri đi bầu, tương đương 75,22% số cử tri đăng ký. Ông Pita đã uy nghi đến dự cuộc tuần hành trên một đoàn xe để cảm ơn cử tri. Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC), sau khi kiểm phiếu hoàn tất, đã tuyên bố thắng lợi thuộc về PLP.Liên minh không phải là toán cộngKết quả chung cuộc do EC công bố cho thấy sự so kè khó chịu giữa hai đảng dẫn đầu cuộc bầu cử: PLP của ông Pita Limjaroenrat giành được 152 ghế Hạ viện, trong khi Đảng Pheu Thai của bà Paetongtarn Shinawatra giành được 141 ghế. Éo le ở chỗ 152 ghế vẫn còn cách rất xa số ghế cần thiết ở Hạ viện để đứng ra cầm quyền: 251, nên PLP sẽ phải liên minh với các đảng khác. Ngay sau khi có kết quả, ông Pita Limjaroenrat cho biết đã trao đổi với thủ lĩnh Pheu Thai và 4 đảng khác - Thai Sang Thai, Prachachat, Sereeruamthai và Pheu Thaam, để bàn chuyện thành lập liên minh cầm quyền. Liên minh 6 đảng này quy ra thành 310 ghế trong Hạ viện.Ông Pita (áo sơ mi trắng, bên phải) có thể trở thành Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: Getty ImagesChuyện liên minh là vấn đề mà ở đâu cũng vậy, từ Âu sang Á, đều rắc rối như nhau. Thực tế cho thấy các liên minh cầm quyền ít khi nào suôn sẻ - chỉ là những cuộc hôn nhân không vì tình, mà vì lợi. Các lợi ích riêng lẻ ghế này, ghế nọ, bộ này, bộ kia, luôn trong ham muốn tăng thêm chớ hiếm khi tự nguyện bớt đi, nên nguy cơ xung đột là thường trực.Quy mô liên minh càng lớn, yêu sách và tự ái càng nhiều. Tỉ như Pheu Thai của bà Paetongtarn, chỉ thua PLP có 9 ghế, sẽ khó yêu cầu họ nhường nhịn, nhất là với một số ghế then chốt, mà càng then chốt ở Thái Lan, như quốc phòng, an ninh, hay thông tin truyền thông. Thành ra, chuyện ông Pita nói tự ông sẽ giữ ghế bộ trưởng quốc phòng là "khó nghe" với các đảng muốn tham gia liên minh, khiến một thượng nghị sĩ thuộc cánh quân đội đang nắm toàn bộ Thượng viện lên tiếng ngay và trực diện: "Kiểu tính toán đó không lọt đâu!".Đó là chưa nói tới chuyện đảng về nhì Pheu Thai còn đang nuôi tham vọng gầy dựng lại "triều đại Shinawatra", với bà Paetongtarn sẽ kế tục các cựu thủ tướng - cha bà Thaksin Shinawatra và dì ruột Yingluck Shinawatra. Cách biệt 9 ghế mong manh đồng nghĩa Pheu Thai cũng có thể tính toán tự vận động để đứng ra thành lập chính phủ sẽ luôn là cám dỗ "ly khai" sắp tới.Bà Paetongtarn là con gái út ông Thaksin. Ảnh: The Straits TimesPheu Thai và thế lực ShinawatraTrước cuộc bầu cử vừa qua, người ta thường chú ý đến hai nhóm thế lực đối đầu trong chính trường Thái. Một bên là nhóm lãnh đạo cầm quyền và cựu tướng lĩnh Prayut Chan-o-cha, người đã ra tái tranh cử. Bên kia là Pheu Thai của gia tộc Shinawatra, với người kế tục Paethongtarn.Tuy nhiên, lần này Pheu Thai đã gặp nhiều khó khăn hơn hẳn so với thời ông Thaksin hay bà Yingluck. Dù gia tộc Shinawatra rất nổi tiếng ở vùng đông bắc Thái Lan và được tầng lớp trung lưu đông đảo ủng hộ, nhưng thay đổi về luật pháp bầu cử qua thời chính quyền quân sự khiến cho khả năng gia tộc này trở lại nắm quyền gần như bất khả.Sau cuộc đảo chánh năm 2014 và cuộc nổi loạn năm 2019, các tướng lĩnh Thái đã sửa hiến pháp để đảm bảo cho họ đa số vĩnh viễn ở Thượng viện (250 ghế hoàn toàn do quân đội bổ nhiệm), khiến bất kỳ thủ tướng nào cũng khó thể lên nắm quyền nếu không có sự hậu thuẫn của các viên tướng. Thể thức thông qua thủ tướng sẽ là Thượng viện (250 ghế) và Hạ viện (500 ghế) cùng bỏ phiếu, nếu được tổng số quá bán (376 phiếu), thì ứng viên được thông qua.Quân đội Thái chính là thế lực đã trực tiếp lẫn gián tiếp lật đổ cả ông Thaksin năm 2006 và bà Yingluck năm 2014. 5 năm sau, Pheu Thai từng giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử 2019. Nhưng đối thủ không đội trời chung của họ, Đảng Palang Pracharath do quân đội hậu thuẫn, đã tập hợp được lực lượng để ngăn chặn Pheu Thai lên cầm quyền.Có lẽ cũng vì hiểu rõ tình thế đó, qua thứ hai 15-5, Pheu Thai ra tuyên bố nói họ sẽ không lập một liên minh cạnh tranh với PLP và sẽ để yên cho đảng này đứng ra thương lượng với tư cách đảng nòng cốt trong chính phủ mới. Pheu Thai cũng nói họ sẽ chấp nhận lời mời của PLP tham gia chính phủ mới. Đây tất nhiên chỉ là thỏa hiệp "chờ thời" để lách những áp chế của cánh quân đội mà Pheu Thai ắt phải chịu nếu "ra mặt lãnh đạo".Giới tướng lĩnh và quân đội Thái Lan vẫn có vai trò rất lớn trên chính trường. Ảnh: Foreign BriefVai trò của quân độiCó thể nói kết quả cuộc bầu cử hôm chủ nhật 14-5 nằm ngoài tính toán của Thủ tướng Prayut. Đảng quốc gia Thái Thống nhất (UTN) do ông Prayut làm chủ tịch chỉ giành được 36 ghế, trong khi Đảng Bhumjaithai lại giành được đến 70 ghế. Số là cả hai đảng này đều xuất hiện sau khi đảng gốc của ông Prayut là Palang Pracharath tan rã. 40 chính trị gia bất đồng với ông Prayut đã rời khỏi Palang Pracharath để gia nhập Bhumjaithai, còn ông Prayut thì cho "đàn em" là một cựu thứ trưởng của ông đứng ra thành lập UTN, sau đó ông gia nhập sau, rồi đương nhiên lên làm chủ tịch, và tháng 3 vừa rồi được đề cử làm ứng cử viên thủ tướng của đảng mới này.Những lá phiếu cho thấy uy tín của ông Prayut và quân đội nói chung giảm sút như thế nào. Ngay sau khi có kết quả chính thức, một người thân cận của chính tướng Prayut, Thanakorn Wangboonkongchana thậm chí đã tuyên bố tướng Prayut nên từ bỏ chính trị. Tờ Nikkei của Nhật Bản gọi cuộc bầu cử hôm chủ nhật ở Thái Lan là cuộc trưng cầu ý dân về vai trò của quân đội, và kết quả thì nay đã rõ.Muốn hay không, xã hội Thái đã phải nếm ba cuộc đảo chánh quân sự kể từ năm 1990 (1991, 2006 và 2014). Mỗi lần như thế, xã hội Thái lại "đi giựt lùi" về một số phương diện. Tình cảnh đó khiến người dân Thái không khỏi thắc mắc: Quân đội can dự vô chính trị để làm gì? Xã hội Thái được gì?Ông Pita trẻ trung và có học vấn rất cao. Ảnh: Agenzia NovaKhó khăn cho ông PitaPita Limjaroenrat, người về nhứt trong cuộc bầu cử, theo nguyên tắc "người thắng lấy hết tất cả", được các ứng viên khác "nhường" đứng ra lãnh nhiệm vụ thủ tướng, có một thành tích biểu không hề tầm thường: học hành ở Thammasat, Harvard, và MIT, được bình chọn ở trong top 10 nam doanh nhân trẻ thành đạt nhất Thái Lan năm 2019, giám đốc điều hành tập đoàn doanh số 300 triệu đô la mỗi năm Agrifood khi mới 25 tuổi (tiếp quản từ người cha qua đời), rồi giám đốc điều hành Grab Thái Lan.Nếu Pheu Thai làm như họ đã nói, và ông Pita tranh thủ được 4 đảng nhỏ khác, thì PLP sẽ có khoảng 310 phiếu ở Hạ viện, dù cánh cửa quyết định vẫn là Thượng viện. Mới nhất, thứ ba 16-5, nhật báo The Nation đăng tin "Đảng Bhumjaithai đã tuyên bố sẽ tôn trọng sự ủy quyền của cử tri và để đảng giành được nhiều ghế nhất thành lập chính phủ. Tuyên bố cũng cho biết lãnh đạo đảng này Anutin Charnvirakul không bình luận gì trái với truyền thông".Vấn đề với ông Pita là ở chỗ đang có tin đồn Bhumjaithai, về thứ ba trong cuộc bầu cử, đang cân nhắc lựa chọn liên minh khác với Pheu Thai. Tin đồn này hoàn toàn có căn cứ nếu biết ông Anutin là bộ trưởng y tế công cộng sắp mãn nhiệm trong nội các của ông Prayut, và đảng của ông là một đảng chứa chấp các chính trị gia từng thân Prayut, nhưng nay đã ly khai. Xem ra, hành trình của ông Pita sẽ còn rất nhiều cam go.Khó khăn còn nằm ở nghị trình "cải cách quân đội" khi ông Pita vận động tranh cử (mà thật trớ trêu, cũng có thể là nguyên nhân quan trọng giúp ông thắng cử). Ông Pita đã có "truyền thống" chống quân đội khi còn ở đảng "Hướng đến tương lai", nơi ông vận động đòi hạn chế quyền lực của quân đội trong nền chính trị, phi tập trung hóa bộ máy hành chính, và cải thiện bình đẳng xã hội và kinh tế. Hôm thứ hai vừa rồi, trong cuộc diễu hành mừng thắng lợi, ông Pita đã không quên "chọc ghẹo" tướng Prayut bằng cách hát bài Trả lại hạnh phúc cho Thái Lan, bài hát được tướng Prayut khoe là đã sáng tác sau khi lật đổ chính phủ hồi năm 2014. Ông Pita hát xong còn nói đây sẽ là lần cuối cùng mọi người nghe bài hát này!Chưa hết, ông Pita còn "dám" hứa sửa luật khi quân, cụ thể là điều 112 Bộ luật Hình sự, từ lâu đã bị cho là công cụ để bóp nghẹt tự do ngôn luận ở Thái Lan. Còn về đường lối phát triển, tháng 7-2019, 4 tháng sau khi đắc cử Hạ viện, tân dân biểu Pita ra mắt bằng bài diễn văn "Lý thuyết 5 nút bấm", kêu gọi chính phủ tập trung vào các chính sách nông nghiệp: quyền sở hữu đất đai, nợ của nông dân, cần sa (Thái Lan cho phép từ 2018), du lịch nông nghiệp, và tài nguyên nước. Các ý tưởng của ông nghị trẻ măng này nghe thuyết phục đến mức không ít dân biểu khác trong Hạ viện đã đổi phe để theo về với Pita trong cuộc bầu cử vừa rồi.Phía quân đội trả lời ngay hôm thứ ba 16-5 khi 5 tướng quân đội và cảnh sát hàng đầu đang là thượng nghị sĩ nói sắp tới họ sẽ không bỏ phiếu cho ông Pita. Tên và chức vụ của các vị này lần lượt là: tướng Sanitchanok Sangkhachan, bí thư thường trực Bộ Quốc phòng; Tổng tư lệnh tối cao Chalermpol Srisawat; Tư lệnh Lục quân Narongpan Jitkaewthae; Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Choengchai Chomchoengpaet; và Tư lệnh Không quân Alongkorn Vannarot. 5 ông này đã nói vậy, thì 245 ông nghị kia chưa chắc mấy người dám trái ý họ.Vĩ thanhThái Lan, trong xấp xỉ 100 năm, đang chờ thủ tướng thứ 30 - tức trung bình mỗi thủ tướng tại vị 3 năm hơn. Họ vẫn còn đang đâu đó trên lưng chừng đường dân chủ. Nhưng cuộc bầu cử này một lần nữa đã thể hiện cử tri lựa chọn sự thay đổi. Tinh thần và thái độ phản biện lẫn nhau cũng rất sôi nổi trên chính trường. Giới tinh hoa, trong ý nghĩa trí tuệ và văn hóa, chớ không chỉ tiền của, cũng hừng hực khí thế cải cách, dám nghĩ, dám nói, dám làm. Mới bầu cử năm 2019 đó, mà nay đã có thể đọc những nghiên cứu như "Xây dựng hiến pháp và hậu quả của nó: Biến phiếu bầu thành ghế quốc hội trong cuộc bầu cử năm 2019 của Thái Lan" dày 305 trang, chỉ rõ những mưu mô trong soạn thảo hiến pháp của các tướng lĩnh như thế nào. Quả thật đó là một hành trình không dễ dàng, nhưng có đi, thì mới tới. ■ Tướng Tư lệnh Lục quân Thái Lan Narongpan Jitkaewthae vừa có chuyến thăm Mỹ từ ngày 15 tới 18-5, ngay lúc có kết quả bầu cử. Trước khi lên đường, ông đã ra tuyên bố đảm bảo "Sẽ không có đảo chánh. Đối với tôi, từ ngữ này rất tiêu cực, nên được xóa đi trong từ điển". Ông Narongpan dị ứng là phải: 100 năm qua, Thái Lan đã 12 lần đảo chánh, gần nhất là năm 2014. Cần biết, viên tướng tư lệnh lục quân này còn kiêm chức phó tổng tham mưu trưởng, nên lời đảm bảo không có đảo chánh của ông, hy vọng là có trọng lượng, nếu ông giữ lời.Nhưng không đảo chánh không có nghĩa là thông qua cho ông Pita. Amorn Wanichwiwatana, tiến sĩ Đại học Oxford, giáo sư Đại học Chulalongkorn, nguyên thành viên ban soạn thảo hiến pháp, đã "dằn mặt" Pita trên The Nation 16-5 bằng bài viết "Suy nghĩ của một người soạn hiến pháp về hậu bầu cử". Bài báo viết: "Đây sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng với Pita, khi đảng của ông có tới "300 chính sách" nhằm "chấm dứt chế độ độc tài", và thực tế là các thượng nghị sĩ không có nhiệm vụ bỏ phiếu cho ông ta. Hiến pháp không hề quy định như vậy". Giáo sư chính trị này lên lớp không chỉ Pita, và nói lên một chân lý ngàn đời: "Vẫn còn quá sớm để Thái Lan đột ngột biến thành một nước như Mỹ hay Anh. Có một điều chắc chắn là người Thái chưa sẵn sàng cư xử như các công dân Anh hay Mỹ". Tags: Bầu cử Thái LanThủ đô BangkokSơ mi trắngThủ tướng Thái LanTỉ phú Pita LimjaroenratTầng lớp trung lưuĐông Bắc Thái LanỨng cử viênĐảng Pheu Thai
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Sáng nay 20 độ C, người dân TP.HCM khoác áo ấm ra đường LÊ PHAN 23/12/2024 Sáng nay 23-12, thời tiết TP.HCM lạnh, nhiệt độ giảm mạnh, người dân cảm nhận được cái lạnh rõ rệt dù trời có nắng.
Quyền lực của tỉ phú Elon Musk lớn cỡ nào? DUY LINH 23/12/2024 Sự kết hợp giữa tỉ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những cơn sóng làm chao đảo chính trường Mỹ.
Xe buýt lao qua đường tông xe máy và xe đạp, hai người nhập viện MINH HÒA 23/12/2024 Sáng 23-12, xe buýt chạy trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ lao qua làn đường ngược lại tông xe máy và xe đạp.
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng mạnh lên thành bão số 10 CHÍ TUỆ 23/12/2024 Dự báo trong ngày hôm nay (23-12), áp thấp nhiệt đới ở phía nam Biển Đông mạnh lên thành bão, cơn bão số 10 trong năm 2024.