Bầu cử Pháp: Khi đa số im lặng lên tiếng

DANH ĐỨC 13/07/2024 13:54 GMT+7

TTCT - Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vừa kết thúc hôm chủ nhật vừa rồi cho thấy dân tình Pháp cuối cùng phản ứng thế nào trước đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN) mà từ 30 hơn năm qua đã trở thành một thế lực chính trị có trọng lượng, song cũng đầy đe dọa.

Mặt trận Bình dân mới ra đời chưa đầy một tháng. Ảnh: CNN

Mặt trận Bình dân mới ra đời chưa đầy một tháng. Ảnh: CNN

Thật vậy, tuy cuối cùng ở vòng hai, RN chỉ về ba với 140 ghế trong Quốc hội, sau liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP), về đầu với 189 ghế, và cả liên minh Đồng hành của Tổng thống Emmanuel Macron với 168 ghế, song đảng cực hữu này cũng đã có lúc cho thấy tính lấn lướt mạnh mẽ.

Hai ngày trước vòng hai, đảng này còn được cho là có thể dẫn đầu với từ 170 tới 210 ghế đại biểu, theo Le Point 5-7. Đang dẫn đầu ở vòng một với 33,1% số phiếu hôm 30-6, làm thế nào mà chỉ một tuần sau, RN lại đã bị hạ đo ván ở vòng hai? 

Phải chăng thắng lợi của RN ở vòng một đã khiến một phần xã hội Pháp rùng mình nhận ra và nhớ lại những lời đe dọa từ chiêu bài tranh cử mang tính dân tộc chủ nghĩa của thủ lĩnh RN là bà Marine Le Pen và lãnh đạo mới trẻ trung của đảng này Jordan Bardella, không khác gì những đe dọa từ ứng cử viên Jean-Marie Le Pen, cha đẻ của đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) tiền thân của RN, đồng thời cũng là cha bà Le Pen: an ninh, bài ngoại, chống nhập cư, bản sắc, việc làm hay trợ giúp xã hội...

Mảnh đất màu mỡ của đảng dân tộc

Còn nhớ, những đợt nhập cư của người lao động Algérie vào năm 1946, rồi đợt hồi hương cả triệu người Pháp "chân đen" - cách gọi người Pháp sinh sống ở thuộc địa Algérie - vào năm 1962 đã dẫn đến tình trạng dư thừa lao động, nhất là sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 1973, làm trầm trọng bài toán chỗ ở. 

Giải pháp là những chung cư tiền thuê phải chăng (HLM) cùng những "thành phố để ngủ" (villes dortoirs) ở ngoại ô xa, kiểu như ở Fresnes, mà người viết bài đã quen thuộc vào thời đó.

Riết rồi hình thành những thành phố ổ chuột - bidonville. Tình hình bất an ở các khu ngoại ô Pháp từ thập niên 1980 đã được rất nhiều nhà nghiên cứu phân tích. Jean-Pierre Grandinb trong "Bạo lực đô thị, khủng hoảng ngoại ô ở Pháp" đã tạm kết luận: 

"Sự kết hợp nhiều yếu tố khác nhau như nghèo đói, thất nghiệp, thất học, thiếu hội nhập... đã khiến các khu dân cư có hoàn cảnh khó khăn trở thành những khu vực rối loạn xã hội, những khu phố dành cho người nhập cư mà ở đó hoành hành đủ kiểu phạm pháp. Các đại diện của Nhà nước như cảnh sát hoặc lính cứu hỏa, cũng như các bác sĩ, thường xuyên thấy mình không thể can thiệp được gì, thậm chí còn trở thành đối tượng của các cuộc tấn công tập thể".

Những lần qua lại nước Pháp trong thập niên 1990 và sau đó, ít nhiều cho phép tôi thấy "thế nào là lễ độ". Vụ bạo lực đô thị được ghi chép đầu tiên nổ ra vào ngày 15-9-1979 tại Vaulx-en-Velin (ngoại ô Lyon), sau khi cảnh sát đuổi bắt một thanh niên ăn trộm xe hơi kết thúc bằng việc thanh niên này bị dồn tới lan can đã tự cắt mạch máu, nhật báo Libération 27-10-2006 nhớ lại trong bài "30 năm bạo lực đô thị". 

Một phóng viên của Đài Fr3 Rhône Alpes thử giải thích: "Có thể đưa ra nhiều lý giải xã hội học. 40% người Bắc Phi sống chật như nêm ở khu vực này, sự phân biệt chủng tộc bắt nguồn từ đó, sự phạm pháp của các băng đảng lớn. Song, cũng cần phải nhấn mạnh đến sự lạnh lùng của cảnh sát trong hoạt động truy lùng tội phạm".

Ảnh: Euronews

Ảnh: Euronews

Xã hội Pháp giật mình

Bối cảnh bất an trên chính là mảnh đất màu mỡ cho các đảng cực hữu như FN khai sinh, rồi sau này RN lớn mạnh, mà thắng lợi ở vòng một bầu cử quốc hội vừa qua có lẽ là đỉnh điểm. Giáo sư Yann Algan của Trường Cao học kinh tế (HEC) lẫy lừng cho rằng sự giận dữ và sợ hãi đã tác động lên lá phiếu, theo tờ Midi Libre 4-7.

Trước thắng lợi của RN ở cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hôm 9-6 dẫn đến việc Tổng thống Macron loan báo giải tán quốc hội ngay tối hôm đó, lãnh tụ các đảng cánh tả, chủ yếu là Đảng Môi trường, Nước Pháp bất khuất, Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội, Cánh tả Cộng hòa và Xã hội chủ nghĩa, Đảng Chống tư bản mới, Cánh tả Xã hội chủ nghĩa sinh thái, đã quyết định tự tập hợp với nhau ngày 10-6 trong Mặt trận Bình dân mới.

Một phản ứng bởi "giật mình" lẫn "rùng mình" lo sợ, sau đó đã được phản ánh lên tâm trạng tương tự nơi cử tri Pháp, khi họ đổ về bỏ phiếu cho liên minh cánh tả mà cách đây một tháng còn chưa tồn tại. 

Tâm trạng này có thể được xem là "phản xạ có điều kiện" của một nền dân chủ đã trưởng thành. Cử tri Pháp, bất luận tả hay hữu, trước sự nổi lên của phe cực hữu ở vòng một, đã quyết định bằng lá phiếu của mình rằng họ muốn duy trì một nước Pháp không đi tới những thái cực cực đoan.

Chương trình của liên minh cánh tả đúng với "bảng hiệu" Mặt trận Bình dân mới với những điểm nhấn mạnh chuyện "cơm áo, gạo tiền", theo kênh BFMTV 7-7: 

(1) Thuế thu nhập từng bước, gồm 14 cấp thay vì 5 như hiện nay, mà chủ yếu là những ai lương tháng dưới 4.000 euro sẽ đóng thuế ít hơn, còn trên đó đóng nhiều hơn; 

(2) Thay thuế tài sản bất động sản (IFI) bằng thuế tương trợ tài sản (ISF) nhắm đến các khối tài sản lớn trên thị trường tài chánh và ở nước ngoài; 

(3) Bỏ mức thuế 30% "khoán" mặc định đánh trên các thu nhập tài chánh, thay bằng mức thuế đánh trên từng mức thu nhập, kèm theo là quy định về đóng góp xã hội; 

(4) Nâng cao thuế thừa kế…■

NFP đã giành được 182 ghế ở Quốc hội Pháp, trở thành nhóm lớn nhất trong quốc hội 577 ghế. Liên minh Đồng hành đang cầm quyền thắng 163 ghế. RN và các đồng minh được 143 ghế. Dù vậy, NFP vẫn còn cách rất xa số 289 ghế đa số tuyệt đối, đồng nghĩa nước Pháp rơi vào tình trạng quốc hội treo. Hiện khả năng NFP bắt tay với Đồng hành đã được nói tới.

Một vấn đề nữa là khả năng đoàn kết của NFP, khi liên minh này quá nhiều phe phái. Họ đã chọn cái tên Mặt trận Bình dân mới để phản ánh một liên minh tương tự, Mặt trận Bình dân, cũng từng chặn được phe cực hữu lên nắm quyền ở Pháp vào năm 1936.

Tuy nhiên, Mặt trận Bình dân của 90 năm trước cũng chỉ tồn tại được 3 năm. Sau bầu cử, mỗi đảng trong liên minh NFP đã ăn mừng riêng ở trụ sở của họ. Hai nhân vật cộm cán nhất của liên minh, ông Jean-Luc Mélenchon (Nước Pháp bất khuất) và ông Raphael Glucksmann (Quảng trường Nhân dân) nói chung không ưa nhau.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận