Cuộc tổng tuyển cử tại Indonesia diễn ra ngày 17-4 đi kèm nhiều ngụ ý quan trọng về tiến trình dân chủ ở quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á. Cuộc bầu cử ở Indonesia được cả thế giới chú ý, không chỉ vì đó là quốc gia có dân số đông thứ 4 toàn cầu (gần 270 triệu người), và cũng là nước có đông người theo đạo Hồi nhất (229 triệu). Thêm nữa, quốc gia vạn đảo chiếm giữ một vị trí chiến lược kết nối Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khiến cho bất cứ sự chuyển hướng chính sách đối ngoại nào cũng sẽ dẫn tới những điều chỉnh bắt buộc với các nước lớn. Trên một bình diện khác, nền kinh tế Indonesia lớn thứ 17 thế giới, lớn nhất Đông Nam Á, và được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới vào năm 2030, dù GDP bình quân đầu người còn khiêm tốn, vào khoảng 3.600 USD/năm. Ông Jokowi (phải) và ứng viên phó tổng thống của ông, Maruf Amin. Ảnh: Reuters Nền dân chủ lớn nhất Đông Nam Á Riêng số cử tri hợp cách ở Indonesia, khoảng 190 triệu người, đông bằng dân số gộp lại của hai nước đông dân nhì và ba khu vực là Philippines và Việt Nam, khiến cuộc tổng tuyển cử ở đây là sự kiện bỏ phiếu của nền dân chủ lớn nhất khu vực, với hai địch thủ chính tạo thành cuộc tái đấu: tổng thống mãn nhiệm Jokowi và cựu tướng quân đội Prabowo Subianto, người từng bị ông Jokowi đánh bại trong cuộc bầu cử năm 2014. Hãng tin Singapore Channel News Asia (CNA) ngày 13-4 bình luận về cuộc bầu cử: “Lần trước, ông Jokowi giành chiến thắng sít sao trước ông Prabowo trong một cuộc bầu cử nóng bỏng. Lần này, các cuộc thăm dò chính trị liên tục cho thấy ông Jokowi dẫn trước khá xa, với một số ý kiến cho rằng tổng thống đương nhiệm sẽ vượt mặt đối thủ với khoảng cách hai chữ số. Việc ông Jokowi dẫn đầu trong các cuộc thăm dò chẳng gây ngạc nhiên. Trong khi cả Jokowi và Prabowo cùng tranh cử trong cuộc bầu cử năm 2014 với tư cách là ứng cử viên chưa có thành tích chính trị gì đáng kể ở tầm mức quốc gia, thì giờ ông Jokowi nắm lợi thế là tổng thống đương nhiệm với những thành tựu cụ thể trong 5 năm qua”. Theo dõi rất sát cuộc bầu cử, chiều 16-4, CNA tiếp tục bình luận: “Các cuộc thăm dò ý kiến vào tháng 1 của Công ty nghiên cứu và tư vấn Roy Morgan có trụ sở tại Úc đã dự đoán một chiến thắng lớn cho Joko Widodo (Jokowi) đương nhiệm với lợi thế khoảng 20 điểm phần trăm so với đối thủ. Song, một số cuộc thăm dò gần đây cho thấy khoảng cách đang thu hẹp. Một cuộc thăm dò của Litbang Kompas thực hiện từ 22-2 đến 5-3 cho thấy Widodo có khả năng giành được 49,2% số phiếu bầu, so với 37,4% của Prabowo”. Rõ ràng, cuộc bầu cử này, giống như các cuộc bầu cử “hậu Suharto” (nhà độc tài cai trị Indonesia suốt 30 năm, cho đến 1998), ngày càng thực tế và minh bạch, không còn là trò hề độc diễn nữa khi có sự tranh đua khá sòng phẳng giữa các ứng viên. Cử tri chọn ai, để làm gì? CNA đã phân tích kỹ cục diện chính trường Indonesia, trong đó không chỉ nhấn mạnh vào bảng thành tích của ông Jokowi, dù ông đã khá thành công và vì thế được lòng dân trong 5 năm qua. CNA nhắc nhiều tới vấn đề “các nhóm dễ bị tổn thương và bất mãn với nền kinh tế” trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông tổng thống. Dẫn lời Viện nghiên cứu SMERU - một tổ chức độc lập và uy tín ở Indonesia, CNA viết: “90 triệu người Indonesia vẫn sống ở ngưỡng nghèo. Các nhóm cận nghèo này rất dễ bị tổn thương bởi lạm phát hoặc suy thoái kinh tế. Nhiều công nhân và tiểu thương bày tỏ sự thất vọng với quy mô đầu tư vào cơ sở hạ tầng và lợi ích hữu hình cho người dân trên đường phố”. Trong khi những nhận định tổng quát là tốt cho ông Jokowi, người dân Indonesia vẫn cần nhiều hơn thế. “Điều quan trọng là nhận thức của công chúng về thực trạng nền kinh tế - CNA lưu ý - Mặc dù ông Jokowi đã kiểm soát được lạm phát, nhận thức của một tỉ lệ lớn những người được phỏng vấn ở Indonesia là chính phủ đã không làm tốt công việc của họ”. Dù đã có 5 năm hoạch định và thực thi cẩn trọng các chính sách, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, có vẻ như mức độ đắc nhân tâm của đương kim tổng thống vẫn chưa cao: “Ông dễ lâm vào thế hạ phong ở các tỉnh có dân số đô thị lớn, dày đặc - Nam Sulawesi, Banten, Tây Java và Jakarta - nơi mà việc huy động cử tri đơn giản hơn… Điều này đồng nghĩa trừ khi ông Jokowi giành chiến thắng thật rõ ràng, ông ta có thể gặp rắc rối về tính chính danh của mình”. Cựu tướng Prabowo tất nhiên hiểu điều đó, nên khi vận động tranh cử, ông này đã đưa ra rất nhiều cam kết thiết thực mang tính quốc kế dân sinh, ví dụ như lời hứa sẽ giảm giá điện trong 100 ngày đầu tiên làm tổng thống nếu ông đắc cử. Đối ngoại Nếu như góc nhìn từ Singapore, thông qua CNA, chủ yếu tập trung vào nghị trình bầu cử của các ứng viên, thì một láng giềng khác của Indonesia, Malaysia, lại quan tâm nhiều hơn tới chính sách đối ngoại, trong đó có một vấn đề từ lâu đã gai góc giữa hai quốc gia chia sẻ nhiều nền tảng chung này: người nhập cư và lao động từ Indonesia sang Malaysia. Báo Malaysia New Sraits Times ngày 16-4 cảnh báo: “Có lẽ không quốc gia nào mà số phận của họ lại tác động ngay lập tức đến chúng ta như Indonesia. Chúng ta đối mặt nhau qua dãy núi đóng vai trò biên giới chung trên đảo Borneo hoặc qua eo biển Malacca giữa bán đảo Malaysia và đảo Sumatra. Mỗi ngày, hàng ngàn người Malaysia và Indonesia vượt qua các đường biên giới đó bằng đường hàng không, đường biển hoặc đường bộ. Các ngành xây dựng và đồn điền của chúng ta sẽ thế nào nếu không có hàng triệu công nhân Indonesia đông đảo ở đây?... Người Malaysia nên chú ý nhiều hơn nữa đến những gì đang diễn ra ở Indonesia, đặc biệt là cuộc bầu cử sắp tới”. Từ góc nhìn thứ ba, sáng 17-4, trang mạng MSN của Úc đăng bài bình luận dẫn lời giáo sư Colin Brown của Đại học Griffith: “Đó là câu hỏi về việc hiểu biết hàng xóm của bạn. Nếu bạn muốn có một mối quan hệ tốt với ai đó, bạn cần biết đôi điều về họ”. Theo giáo sư Brown, “Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo, đang dẫn đầu nhiều cuộc thăm dò trước, là đồng minh của Úc trong nhiều vấn đề, bao gồm vấn đề kiểm soát biên giới, trong khi đối thủ của ông, ông Prapowo Subianto chưa có thành tích biểu trong vai trò một nhà lãnh đạo chính trị, song lại bày tỏ cách tiếp cận dân tộc chủ nghĩa. Một trong những khẩu hiệu mà ông đã sử dụng trong chiến dịch tranh cử là “Làm cho Indonesia lại vĩ đại”. Ông ấy giống (Tổng thống Mỹ) Trump ở một số khía cạnh. Đã có dự báo rằng doanh nhân triệu phú này có thể chỉnh sửa hiệp định thương mại với Úc nếu đắc cử”. Tờ Bưu Điện Hoa Nam 15-4-2019 thì đặt tựa “Ai sẽ thắng giữa Joko Widodo và Prabowo Subianto?”. Tờ báo của Hong Kong (Trung Quốc) mô tả tình hình: “Jokowi đã tăng cường đầu tư từ Trung Quốc và Nhật Bản cho những chi tiêu cơ sở hạ tầng đầy tham vọng, trị giá ước tính 327 tỉ USD. Indonesia hiện sở hữu cổ phần đa số trong một số doanh nghiệp kiểm soát các nguồn tài nguyên của họ, như Freeport-McMoran, hãng điều hành mỏ Grasberg ở Papua - mỏ vàng lớn nhất thế giới và mỏ đồng lớn thứ hai thế giới”. Những chi tiết trong chính sách đối ngoại thời Jokowi cũng đã cho thấy ông là người quyết đoán và thực sự khẳng định vị thế nước lớn của Indonesia. Một ví dụ: năm 2017, Indonesia đổi tên một phần biển Đông thành biển Bắc Natuna để phản đối các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, đồng thời bắt giữ nhiều tàu nước ngoài để hạn chế đánh bắt cá bất hợp pháp.■ Phong trào golput Những khẩu hiệu chống đối cuộc bầu cử của phong trào Golput. Sự trưởng thành dần dần của nền dân chủ ở Indonesia còn thể hiện qua một phong trào khá mới mẻ nhưng đang lan tỏa nhanh trong cuộc bầu cử lần này: phong trào golput, vốn kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử và tuyên bố cả hai ứng viên tổng thống chủ chốt đều bất tài và chỉ tìm cách giữ nguyên trạng những bất công xã hội. Nhà lãnh đạo phong trào, Haris Azhar, nói rất nhiều những vấn đề trọng đại hơn hẳn của đất nước đã không được hai ứng viên nêu ra và thảo luận trong khi tranh cử, bao gồm nhân quyền, nền pháp trị, công bằng xã hội, và tình trạng phá hoại môi trường. Azhar cũng kêu gọi “một con đường khác” cho chính trị Indonesia và nói hai ứng viên đều không xứng đáng: Prabowo là một cựu tướng lãnh thời độc tài Suharto, trong khi Jokowi đã nhượng bộ quá nhiều giới ăn trên ngồi chốc trong xã hội và duy trì tình trạng bảo thủ bài ngoại trong 5 năm cầm quyền. Những người golput về cơ bản là người trẻ, dân thành thị, và có học, theo trang tin Úc ABC News. Trong khi một lượng lớn cử tri Indonesia (ước tính có thể tới 30-40%) sẽ không bỏ phiếu, con số đó không phải là toàn bộ những người từ chối bỏ phiếu vì lý do chính trị, mà có thể chỉ vì… lười. Cũng từ trong phong trào golput, một chiến dịch giễu nhại các chiến dịch tranh cử - chủ yếu trên mạng xã hội - ra đời và bất ngờ trở thành một diễn đàn giáo dục chính trị quan trọng cho cử tri. Người dùng mạng xã hội thách thức nhau tìm hiểu các nghị trình của ứng viên và đòi hỏi chi tiết nếu các tuyên bố của ứng viên quá mơ hồ. (L.P). Tags: Dân chủHồi giáoJokowiBầu cử Indonesia
Tin tức thế giới 26-11: Mỹ lần đầu xác nhận cho Ukraine dùng tên lửa ATACMS bắn sâu vào Nga BÌNH AN 26/11/2024 Ông Biden và ông Macron chuẩn bị công bố thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel - Hezbollah; EU khởi kiện lên WTO việc Trung Quốc về thuế.
Bộ Tư pháp Mỹ hủy bỏ mọi vụ án liên bang chống lại ông Trump THANH BÌNH 26/11/2024 Công tố viên đặc biệt Jack Smith đã hủy bỏ hai vụ án hình sự liên bang chống lại ông Trump.
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.