Deepfake tràn lan mạng xã hội
"Tôi là Suharto, tổng thống thứ hai của Indonesia", Đài CNN trích dẫn nội dung từ một đoạn video dài 3 phút thu hút 4,7 triệu lượt xem trên mạng xã hội X, đồng thời lan truyền sang TikTok, Facebook và YouTube.
Ông Suharto đã lãnh đạo Indonesia hơn ba thập kỷ và đoạn video trên là thông điệp ông gửi đến cử tri Indonesia cho cuộc bầu cử tổng thống nước này ngày 14-2 sắp tới.
Tuy nhiên, ông Suharto thực ra đã qua đời năm 2008, hưởng thọ 86 tuổi.
Video trên do công nghệ deepfake từ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra, bằng cách sao chép khuôn mặt và giọng nói của ông Suharto.
Mặc dù trông khá thuyết phục vào lúc đầu, nhưng người đàn ông trong đoạn video không phải là cựu tổng thống Indonesia.
"Đoạn video này được thực hiện để nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của lá phiếu trong cuộc bỏ phiếu sắp tới", Đài CNN dẫn lời Erwin Aksa, phó chủ tịch Golkar, một trong những đảng chính trị lớn nhất và lâu đời nhất ở Indonesia.
Bằng cách làm sống lại hình ảnh của một nhà lãnh đạo đã qua đời, thông điệp của Golkar rất rõ ràng: mượn hình ảnh ông Suharto để khuyến khích cử tri ủng hộ đảng mình.
Tuy nhiên, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích việc dùng hình ảnh và giọng nói của người đã khuất, đặc biệt là để tuyên truyền chính trị.
Sau nhiều chỉ trích từ công chúng Indonesia, nhóm vận động tranh cử của Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto cũng thừa nhận đã sử dụng phần mềm AI để tạo ra hình ảnh "hoạt hình đáng yêu" của nhà lãnh đạo này nên trên Tiktok, nhằm thu hút các cử tri trẻ tuổi.
Tại quốc gia có tỉ lệ sử dụng Internet thuộc loại cao nhất thế giới, mạng internet đóng vai trò rất lớn trong chính trị ở Indonesia. Hầu hết các đảng phái và chính trị gia đều duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trên mạng xã hội để thu hút người theo dõi và tạo ảnh hưởng.
"Deepfake có thể ảnh hưởng lớn đến một cuộc bầu cử, trong đó có cách thức thực hiện tranh cử, cũng như kết quả. Mối nguy nằm ở tốc độ lan truyền của nó. Một sản phẩm deepfake có thể dễ dàng đạt hàng triệu lượt tiếp cận chỉ trong vài giây, gây ảnh hưởng và thao túng (hàng triệu) cử tri", Golda Benjamin, giám đốc chiến dịch châu Á - Thái Bình Dương tại Access Now, một tổ chức phi lợi nhuận về quyền kỹ thuật số của Mỹ, cho biết.
Có khoảng 114 triệu cử tri Indonesia ở độ tuổi 40 trở xuống, chiếm phần lớn số phiếu bầu.
Nghi vấn dùng tiền mua phiếu
Trở về nhà sau khi mua sắm, bà nội trợ Suharti sống ở Indonesia được một nhóm thành viên đảng chính trị tiếp cận, đưa cho bà 100.000 rupiah (6,3 USD) và một chiếc áo phông, đồng thời yêu cầu bà bỏ phiếu cho ứng cử viên của họ ngày 14-2 tới.
"Họ bảo tôi bỏ phiếu cho ứng cử viên nào đó nhưng tôi vẫn không biết mình sẽ bỏ phiếu cho ai", bà Suharti chia sẻ với Hãng tin AFP.
Cử tri, ứng cử viên và tình nguyện viên các chiến dịch chia sẻ với AFP rằng họ chứng kiến quà tặng miễn phí và phong bì chứa tiền mặt được phân phát trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, cùng với bầu cử quốc hội và bầu cử địa phương.
Một người tên Andri nói anh nhận được một số ứng cử viên tranh cử vào quốc hội tiếp cận vì có vai trò trong một câu lạc bộ những người hâm bộ bóng đá ở Jakarta, đề nghị anh phân phát tiền và hàng hóa để thu hút cử tri. Anh đã nhận làm việc này.
"Tôi thường bắt đầu (phân phát tiền) cho những người thân thiết nhất trước tiên, sau đó đến những người trong khu xóm - anh Andri nói - Tôi đã phân phát hàng trăm, thậm chí hàng nghìn phong bì, tùy theo số lượng ứng viên đưa cho tôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận