Bầu cử ở Anh và Pháp: Các đảng cầm quyền tan tác

DANH ĐỨC 06/07/2024 07:36 GMT+7

TTCT - Vòng một cuộc bầu cử lập pháp ở Pháp tuần rồi báo trước một Hạ viện gồm ba bên, dẫn đầu là Đảng Tập hợp quốc gia (NR) cực hữu, trong khi liên minh cầm quyền về chót. Ở Anh, bầu cử sớm ngày 4-7 cũng đã có chiến thắng cho Đảng Lao động.

Cả hai ông Macron (trái) và Sunak đều đang gây mất lòng quần chúng ghê gớm. Ảnh: Reuters

Cả hai ông Macron (trái) và Sunak đều đang gây mất lòng quần chúng ghê gớm. Ảnh: Reuters

Thất bại của chính phủ đương quyền ở cả hai bên eo biển Manche diễn ra sau các quyết định bầu cử sớm của hai nhà lãnh đạo Emmanuel Macron ở Pháp và Rishi Sunak ở Anh

Cuộc bỏ phiếu bầu Nghị viện châu Âu của Pháp hôm 8 và 9-6 đã khiến liên minh Phục hưng cầm quyền đại bại trước NR và cả Mặt trận Bình dân mới (NFP), buộc Tổng thống Macron phải giải tán Quốc hội. 

Còn ở Anh, sau thất bại của Đảng Bảo thủ cầm quyền ở các cuộc bầu cử địa phương hôm 2-5, Thủ tướng Sunak cũng yêu cầu tổ chức sớm cuộc bầu cử ngày 4-7, thay vì đợi tới hết nhiệm kỳ vào đầu năm 2025.

Đảng Bảo thủ đại bại vì sao?

Các cuộc bầu cử địa phương hôm 2-5 ở Anh là thất bại nặng nề đối với Đảng Bảo thủ. Đảng này mất tới 474 ghế nghị viên cấp thành phố, chỉ giữ được 515 ghế, trong khi Đảng Lao động do ông Keir Starmer lãnh đạo lại giành tới 1.158 ghế, còn Đảng Tự do dân chủ do ông Edward Dave lãnh đạo cũng giành được 522 ghế, hơn đảng cầm quyền 7 ghế. 

Thất bại ở cuộc bầu cử này là thử thách cuối cùng trước cuộc tổng tuyển cử, xác nhận những gì mà các cuộc thăm dò đã báo trước 18 tháng qua, theo Le Monde 5-5. Theo tờ báo này, "bất chấp những nỗ lực của Thủ tướng Rishi Sunak nhằm lấy lại uy tín, Đảng Bảo thủ vẫn chưa hồi phục sau những bê bối thời Boris Johnson và nhiệm kỳ thảm khốc của Liz Truss".

Còn nhớ ông Johnson "đổ" hôm 6-9-2022, sau một loạt tai tiếng vì ăn nhậu trong đại dịch, khi mọi người đều đang phải giãn cách xã hội. Bà Truss còn thảm hơn và phải từ chức vào ngày 20-10-2022, chỉ nắm quyền được 49 ngày. 

Ông Sunak, vốn từng tranh chức chủ tịch đảng với bà Truss và thua sát nút, lại ra tranh cử và đắc cử vào ngày 24-10-2022, rồi làm thủ tướng đến nay. CNBC 25-10-2022 bình luận: "Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak... đảm nhận một trong những vai trò đáng lo ngại nhất trong lịch sử nước Anh hiện đại".

"Ông cựu bộ trưởng tài chính sẽ được giao nhiệm vụ khắc phục mấy cuộc khủng hoảng cùng lúc, bao gồm lạm phát tăng vọt, chi phí năng lượng cao hơn, tình trạng bất ổn công nghiệp và nền kinh tế bị tàn phá nặng nề".

Thật nhanh chóng, dân Anh đã "chê" ông Sunak. Chỉ ba tháng sau khi ông nhậm chức, hôm 23-1-2023, tỉ lệ tán thành ông chỉ còn 26%, trong khi tỉ lệ không tán thành đã lên tới 56%. Từ đó, tỉ lệ không tán thành cứ tăng lên, đến đỉnh điểm là 69% ngày 20-5. Hai ngày sau, ông Sunak tuyên bố tuyển cử trước thời hạn, bởi một lẽ đơn giản: ông không hy vọng gì uy tín của mình sẽ tăng trở lại.

Hãng thăm dò dư luận Pew Research nhận xét: "Tỉ lệ 19% ủng hộ Đảng Bảo thủ là mức thấp nhất từng ghi nhận trong lịch sử giám sát chính trị thường kỳ của chúng tôi, tính từ năm 1978". Kết quả này thể hiện qua cuộc bầu cử địa phương hôm 2-5, khi Đảng Bảo thủ thất thủ toàn tập.

Dân sinh, dân sinh và dân sinh

Tờ Financial Times (FT) 15-2 đã cảnh báo rằng cuộc suy thoái của nước Anh, vốn được các nhà kinh tế mô tả là "kỹ thuật" và "nông", trong bối cảnh chính trị tàn khốc trước tổng tuyển cử, sẽ không chỉ là "kỹ thuật" và "nông". 

Tệ hơn, với cử tri, nó đã được đặt cho cái tên "cuộc suy thoái của Rishi". Số liệu thống kê cho thấy kinh tế Anh đã sụt giảm trong hai quý liên tiếp vào nửa cuối năm ngoái, và suy thoái còn có thể đeo bám ông Sunak ít nhất đến tháng 5, khi số liệu GDP quý 1-2024 được công bố.

Thủ tướng "bóng tối" Đảng Lao động Reeve tất nhiên không bỏ lỡ cơ hội tấn công đối thủ: "Những dữ liệu này là tin tức đáng lo ngại với các gia đình đang gặp khó khăn để kiếm sống và cho cả hoạt động kinh doanh". (Ở Anh theo truyền thống, phe đối lập có sẵn một nội các "trong bóng tối", cũng đầy đủ ban bệ để soi mói và dò xét các bộ ban ngành của chính phủ cầm quyền).

Vấn đề còn ở chỗ, theo khảo sát của Pew Research, chỉ có 22% người Anh nghĩ rằng kinh tế đất nước đang ổn định, trong khi tới 78% cho rằng kinh tế lụn bại. Trên một bình diện khác, tới 60% người Anh tỏ ý không hài lòng về nền dân chủ hiện nay, so với 39% tỏ ý hài lòng.

Ở Pháp, vòng đầu tiên của cuộc bầu cử lập pháp diễn ra vào ngày 29 và 30-6 có tỉ lệ tham gia bỏ phiếu là 66,7%, hay gần 33 triệu cử tri, vượt xa con số 47,5% năm 2022. NR và các đảng đồng minh dẫn đầu với 33,1% số phiếu. 

NFP, vốn tập hợp các đảng cánh tả, giành được 28% số phiếu. Liên minh của tổng thống chỉ được 20%, còn lại là Đảng Cộng hòa được 6,5%, và các đảng cánh hữu khác được 3,7%. Tổng cộng, 39 đại biểu RN và các đồng minh, 32 đại biểu NFP, và chỉ 2 người của đảng cầm quyền đã đắc cử ngay vòng một.

Trên một bình diện khác, kết quả vòng một cho thấy RN của chính trị gia mới 28 tuổi Jordan Bardella nay trở thành lực lượng chính trị hàng đầu nước Pháp, xếp trên NFP, và bỏ xa đảng của Tổng thống Macron. 

Nhân vật có thể trở thành thủ tướng Pháp tương lai Bardella, trong thư ngỏ gửi người dân Pháp, đã biểu dương việc các cử tri tham gia bỏ phiếu với tỉ lệ cao "lịch sử". Ông cũng không quên "dằn mặt" đối thủ chính của mình, kình địch ý thức hệ NFP: 

"Trong thực tế, NFP là liên minh tồi tệ nhất tập hợp cánh tả cực đoan sau lưng Jean-Luc Mélenchon, tạo thành mối đe dọa với sự tồn tại của nước Pháp...; họ vốn muốn mở rộng nhập cư". Ông Bardella hô hào "không thể giao phó vận mệnh của nước Pháp" cho cánh tả cực đoan.

Về cơ bản, ông đã lặp lại "y chang" những khẩu hiệu của phe cực hữu lâu nay: suy thoái trật tự công cộng chưa từng có, suy giảm chưa từng có các quyền tự do và giá trị chung, chà đạp lên quyền sở hữu tư nhân, tăng mạnh thuế đánh vào người Pháp lao động, nạn chiếm ngụ chỗ ở, xét lại cuộc chiến chống chủ nghĩa ly khai Hồi giáo, đồng lõa với người phản đối văn hóa và các nguyên tắc của Cộng hòa Pháp, mà đầu tiên là chủ nghĩa thế tục…

Với chiêu bài như trên, RN đang có ưu thế lớn trước vòng hai. Hôm 30-6, kênh truyền hình Thượng viện Pháp (Public Senat) dự báo: "59% cử tri dự đoán chiến thắng cho RN". Trong khi đó, tờ Le Parisien 1-7 chạy tít mô tả đảng cầm quyền: "Không còn người lãnh đạo nữa, không còn học thuyết nữa: Hỗn loạn tạp âm trong phe sùng bái ông Macron về chiến lược cho vòng hai của cuộc bầu cử lập pháp".■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận