10/06/2024 19:05 GMT+7

Bầu cử Nghị viện châu Âu: 'Cuộc đảo chính' của chính trường Pháp?

Kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, nhiều khả năng dẫn tới sự thay đổi ngoạn mục trong lịch sử chính trị Pháp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự bỏ phiếu Nghị viện châu Âu ngày 9-6 - Ảnh: AFP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự bỏ phiếu Nghị viện châu Âu ngày 9-6 - Ảnh: AFP

Ngày 10-6, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết cuộc bỏ phiếu sớm, do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi sau màn thua đau trước đảng cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, sẽ là cuộc bầu cử lập pháp có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nước Pháp.

Theo cập nhật của Hãng tin AFP sáng 10-6 (giờ Việt Nam), các đảng cực hữu đã đạt được những thắng lợi đáng kể trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào ngày 9-6.

Ngay trong đêm 9-6, Tổng thống Macron đã tuyên bố giải thể Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm, sau khi Đảng Mặt trận quốc gia do bà Marine Le Pen lãnh đạo theo đường lối cực hữu đánh bại liên minh ôn hòa của ông trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Trước quyết định trên, Tổng thống Macron cho biết ông tin tưởng người Pháp sẽ đưa ra sự lựa chọn đúng đắn cho bản thân họ và thế hệ tương lai trong cuộc bầu cử sớm này, theo Đài France 24. 

Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cảm thấy khó hiểu và cho rằng quyết định ngày 10-6 của Tổng thống Macron giống như một "cuộc đảo chính". Bà Hidalgo nhận định việc tổ chức bầu cử ngay trước thềm Olympic Paris 2024 là một nước đi "đáng lo ngại".

Cuộc bầu cử lập pháp sớm sẽ diễn ra vào ngày 30-6 tới - chưa đầy một tháng trước khi Olympic Paris 2024 chính thức khai mạc.

Trong khi quyết định của Tổng thống Pháp khiến những người ủng hộ ông Macron vô cùng hoang mang thì những người đứng về phía Đảng Mặt trận quốc gia lại ăn mừng.

"Chúng tôi không nghĩ điều này sẽ xảy ra ngay sau cuộc bầu cử của Nghị viện châu Âu, ngay cả khi chúng tôi muốn nó xảy ra", Phó chủ tịch Đảng Mặt trận quốc gia Sebastien Chenu nói với Đài RTL (Pháp).

"Được ăn cả, ngã về không"

Quyết định bất ngờ của Tổng thống Macron giống như một canh bạc đối với tương lai chính trị của ông. Nó có thể khiến Đảng Mặt trận quốc gia của bà Marine Le Pen nắm quyền sau nhiều năm đứng bên lề, đồng nghĩa với sức ảnh hưởng của Tổng thống Macron sẽ suy giảm trong ba năm còn lại của nhiệm kỳ.

Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin thân cận với Tổng thống Pháp tiết lộ ông Macron hy vọng giành được sự ủng hộ của những cử tri đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bầu cử hôm 9-6. Ngoài ra, Bộ Nội vụ Pháp cho biết tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu cùng ngày 9-6 chiếm khoảng 52%.

Nguồn tin trên cũng cho biết phe ông Macron sẵn sàng chấp nhận rủi ro với quyết định táo bạo này.

Giới phân tích quốc tế cho rằng ông Macron sử dụng chiến thuật kêu gọi bầu cử nhanh chóng nhằm cố gắng thay đổi cục diện chính trị bất lợi hiện tại.

Theo cách này, Đảng Mặt trận quốc gia sẽ phải bước vào cuộc bầu cử sớm hơn dự kiến và không đủ thời gian để thực hiện các chiến dịch bầu cử hiệu quả.

Từ đó ông Macron có thể "chuyển bại thành thắng" trước khi Đảng Mặt trận quốc gia kịp chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc bầu cử tiếp theo.

Kết quả cuối cùng vẫn là một ẩn số

Tuy lợi thế đang nghiêng về phe cánh hữu nhưng các nhà phân tích cho rằng còn quá sớm để dự báo kết quả chính xác. Kết quả cuối cùng có thể phụ thuộc vào mức độ kiên quyết của các cử tri phe trung dung và cánh tả trong việc kìm hãm phạm vi quyền lực của phe cánh hữu.

Trong kịch bản Đảng Mặt trận quốc gia chiếm được đa số phiếu bầu, ông Macron vẫn sẽ giữ chức vụ tổng thống và chỉ đạo các chính sách liên quan đến quốc phòng và đối ngoại.

Thế nhưng Tổng thống Pháp sẽ mất quyền tổ chức các chương trình nghị sự trong nước về các vấn đề như kinh tế và an ninh, theo Hãng tin Reuters.

Tuy nhiên Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho biết xác suất Đảng Mặt trận quốc gia chiếm được đa số phiếu bầu rất thấp. Công ty này dự báo "quốc hội treo" (hung parliament) là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất.

Theo trang thông tin chính thức của Quốc hội Anh, quốc hội treo là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng không có bất kỳ một đảng chính trị nào giành được đa số trong quốc hội sau cuộc bầu cử.

Châu Âu ở ngã ba đườngChâu Âu ở ngã ba đường

TTCT - Gần 450 triệu cử tri thuộc 27 quốc gia châu Âu hiệp nhất (EU) sẽ đi bầu đại diện của mình ở Nghị viện châu Âu (EP) vào cuối tuần này trong bối cảnh tiếng bom đạn từ cuộc chiến Ukraine đang vọng về.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên