30/05/2009 08:06 GMT+7

Bầu cử nghị viện châu Âu có gì lạ?

QUẾ VIÊN
QUẾ VIÊN

TT - Từ ngày 4 tới 7-6, 375 triệu cử tri trên tổng số 492 triệu dân tại 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ đi bầu 736 đại biểu nghị viện châu Âu, thường được gọi tắt là EP, có nhiệm kỳ năm năm.

2ZDB4IHR.jpgPhóng to
Nghị viện châu Âu - Ảnh: AFP

Kỳ bầu cử EP đầu tiên năm 1979 đã thu hút 63% cử tri EU, đến năm 2004 con số này chỉ còn 46%. Thăm dò của Viện nghiên cứu Eurobarometer cho thấy sẽ chỉ có khoảng 34% cử tri đi bầu vào tháng sáu. 53% người được hỏi cho biết họ không quan tâm đến cuộc bầu cử và 62% nói họ chẳng có lý do gì để đi bầu.

Bản thân EP đã chi 27 triệu USD từ tiền dân đóng thuế để quảng cáo cho kỳ bầu cử, thậm chí thuê hẳn một công ty quan hệ công chúng của Đức, là nước được bầu nhiều đại biểu nhất tính theo dân số, làm công tác tuyên truyền. Thông điệp họ gửi tới các cử tri là “It’s your choice” (Đó là sự lựa chọn của chính bạn), “If you don’t vote, don’t complain” (Nếu bạn không đi bầu thì (sau này) đừng có than phiền).

Tuy mang danh là nghị viện nhưng EP không có quyền lập pháp, quyền hạn này thuộc về Ủy ban châu Âu gồm các thành viên do các nước trong liên minh bổ nhiệm. Quyền thông qua thì thuộc về Hội đồng bộ trưởng châu Âu.

Các nước EU vẫn áp dụng luật riêng do quốc hội trong nước soạn thảo và thông qua. Luật chung của khối chỉ là những sắc luật có tính chung chung như quy cách nhãn hàng hóa, thai phụ phải được nghỉ hộ sản 14 tuần, cước phí điện thoại di động tối đa mà người sử dụng phải trả khi dùng chế độ roaming, các cuộc điện đàm và email phải được lưu giữ hai năm nhằm phát hiện và ngăn chặn các hành vi khủng bố...

Nhiều người dân EU, nhất là những nước giàu có mà ít dân tại Tây và Bắc Âu, xem EP như một cỗ máy tiêu tiền khổng lồ. Chỉ nội chi phí cho hàng ngàn nhân viên chuyên chở các thùng tài liệu qua lại giữa hai trụ sở tại Brussels và Strasbourg cùng tiền bảo trì hai tòa nhà bề thế này mỗi năm đã ngốn khoảng 200 triệu euro của người nộp thuế, chưa kể tới lương bổng và chi phí di chuyển nhiều lần trong năm của hàng ngàn đại biểu và viên chức trong nghị viện.

Trong xã luận viết trên báo Berlingske ngày 21-5, giáo sư sử học Lars Hovbakke Soerensen, Đại học Aarhus, bày tỏ sự lo ngại về thái độ lơ là, thậm chí hoài nghi của nhiều người trẻ về sự tồn tại của khối EU. Theo ông, những ai đã phải trải qua Thế chiến thứ hai hay cuộc chiến tranh lạnh đều hiểu rằng nền hòa bình và sự ổn định của châu Âu không tự nhiên mà có, và chỉ nội chuyện các nước cùng ngồi lại làm việc với nhau là đã có thể xem như đạt được mục đích rồi.

QUẾ VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên