TTCT - Số tiền gây quỹ kỷ lục, cuộc đua gay cấn chưa từng thấy, và cả nước Mỹ có lẽ cũng chưa bao giờ chia rẽ như vậy, khi chỉ còn hai tuần nữa cuộc bầu cử tổng thống sẽ chính thức diễn ra. Ảnh: NewsweekBà Kamala Harris đã gây quỹ được hơn 1 tỉ USD kể từ khi tham gia tranh cử. Đây là con số kỷ lục: chưa ứng viên nào trong lịch sử chỉ trong vòng 80 ngày có thể đạt đến con số này - tương đương số tiền ông Biden quyên góp được cả mùa bầu cử 2020. 1 tỉ USD này cũng vượt xa 853 triệu USD mà ông Trump vận động được trong cả năm 2024.Số tiền trên bao gồm cả chiến dịch của bà cũng như các cơ quan của Đảng Dân chủ, nhưng chưa bao gồm tiền cho các ủy ban PAC (vốn không bị giới hạn về số tiền đóng góp). Nhưng chiến dịch của bà Harris vẫn lo lắng và không muốn quảng bá quá con số đó vì sợ khiến phe Dân chủ chủ quan và không tiếp tục quyên góp hay đi bỏ phiếu, đặc biệt khi bầu cử đã vào giai đoạn nước rút. Phe Harris cũng lo khi các ủy ban PAC của phe Cộng hòa có sự trợ giúp của nhiều tỉ phú máu mặt.Cuộc đua sát sao nhất lịch sửTrong hai tháng 7 và 8, số tiền bà Harris gây quỹ được đều gấp đôi ông Trump. Bà thu hút được 361 triệu USD trong tháng 8 so với 130 triệu USD của ông Trump. Trong tháng 7, các con số là 310 triệu USD so với 139 triệu USD. Nhờ đó, bà Harris đã đạt được mốc 1 tỉ USD trong chưa đầy 80 ngày kể từ khi thay thế ông Biden vào 21-7. Riêng tuần đầu tiên chính thức tranh cử, bà Harris đã thu hút được 200 triệu USD, còn nhiều hơn số mà ông Biden gây quỹ được 6 tháng trước đó cộng lại.Nhưng ưu thế về tiền bạc chưa thể hiện thành kết quả thăm dò. Hầu hết khảo sát hiện cho thấy cuộc đua tổng thống Mỹ năm nay có thể sẽ là sát sao nhất trong lịch sử. Theo trang chuyên tổng hợp thống kê bầu cử Mỹ FiveThirtyEight, khả năng thắng cử của bà Harris hiện là 55%, so với 45% của ông Trump.Thăm dò ở các bang chiến trường đặc biệt sát sao, thậm chí ngay ở các bang "bức tường xanh" (tức lẽ ra là thành trì của phe Dân chủ), như Michigan, Wisconsin và Pennsylvania. Thăm dò tuần trước của Đại học Quinnipiac cho thấy bà Harris đang kém 2-3 điểm phần trăm so với ông Trump ở Wisconsin và Michigan, dù có lợi thế sát sao 1 điểm trên toàn quốc. Ở Pennsylvania (19 phiếu đại cử tri), bà Harris đang có lợi thế 3 điểm phần trăm. Cựu tổng thống Barack Obama tuần trước đã tới bang chiến trường này để vận động cho bà.Nghịch lý là đã xuất hiện lo lắng rằng việc bà gây quỹ được nhiều lúc này có thể dẫn tới cạn nguồn lực vào những thời điểm cuối, tức giai đoạn nước rút khốc liệt. "Chưa bao giờ cuộc đua đại cử tri lại sát sao tới những phút cuối như vậy, điều này cho thấy sự hào hứng của cử tri và tiền gây quỹ vẫn chưa đủ là điều bảo đảm", The Washington Post trích lời người đại diện đội ngũ tranh cử bà Harris. Việc ông Obama xuất hiện cũng xuất phát từ các thăm dò cho thấy bà không được sự ủng hộ nhiều từ cử tri nam giới da đen như phe Dân chủ kỳ vọng. Phe Dân chủ đã phải cử những đại diện nam giới gốc Phi quan trọng như huyền thoại bóng rổ Magic Johnson hay nghị sĩ kỳ cựu James Clyburn đi tranh cử cho bà.Ảnh: AxiosBà Harris chững lại?Phe Dân chủ cũng lo ngại khi bà Harris không xuất hiện trên nhiều mặt trận cùng lúc như ông Trump trong mấy tuần vừa rồi. "Tôi lo lắng về số lượng người bỏ phiếu ở Detroit" - Jamal Simmons, cựu giám đốc truyền thông của bà Harris, nói với Politico. "Chúng ta vẫn thiếu quan tâm tới những thành phố như Detroit… và bà Harris chưa làm được nhiều để thay đổi điều này" - Scott Holiday, giám đốc điều hành của Detroit Action, tổ chức vận động người bỏ phiếu, nói.David Axelrod, cựu cố vấn chiến lược của ông Obama, nói với Axios: "Harris có bước tiến vững chắc trong khoảng 10 ngày sau tranh luận (10-9), nhưng giờ mọi thứ đang chững lại". Theo ông, bà Harris đã "khởi động rất tốt, tiếp tục qua đại hội đảng và tranh luận. Nhưng với các chiến dịch này thì mỗi cột mốc vượt qua được chỉ là khởi đầu cho cột mốc tiếp theo. Ta cần nâng cấp chiến dịch và điều chỉnh chiến lược liên tục". James Carville, chiến lược gia từng giúp Bill Clinton thắng cử năm 1992, cũng nói bà Harris "cần quyết liệt hơn".Theo The Economist, dù bà Kamala Harris đang dẫn trước 3-4 điểm trong thăm dò toàn quốc, các kết quả này không ý nghĩa nhiều trong bầu cử tổng thống. Bầu cử Mỹ không được quyết định bởi phổ thông đầu phiếu, mà bởi phiếu đại cử tri, nên thường sẽ chỉ tập trung vào 6-7 bang chiến trường thật sự.Năm 2020, chiến thắng của ông Joe Biden cuối cùng được quyết định bởi 311.000 lá phiếu ở 6 bang chiến trường. Ông thắng ở Georgia với chênh lệch 0,2% phiếu bầu, Arizona 0,3%, Wisconsin 0,6%, Pennsylvania 1,2%, Nevada 2,4% và Michigan 2,8%. Ông thua ở North Carolina 1,3%. Tất cả các bang này cũng là bang chiến địa của năm nay và khoảng cách hiện có thể còn sít sao hơn.Kịch bản chiến thắng của bà Harris - giành được 270 phiếu đại cử tri - sẽ gồm "bức tường xanh" Michigan, Pennsylvania và Wisconsin với khoảng 44 phiếu. Các bang này bỏ phiếu cho phe Dân chủ ở 5/6 cuộc bầu cử gần đây nhất. Nếu bà Harris giành được cả ba bang này và quận thứ 2 của bang Nebraska, bà có thể thua tất cả các bang chiến trường còn lại mà vẫn chiến thắng. Bang Pennsylvania với 19 phiếu đại cử tri là quan trọng nhất và có ý nghĩa quyết định. Các cuộc thăm dò đều coi đây là bang buộc phải thắng với cả hai ứng viên, và tỉ lệ ủng hộ hai ứng viên ở đây đang là 50-50.Các cử tri ở vùng Pennsylvania và Vành đai gỉ sét (Rust Belt) thường là người lớn tuổi, da trắng, nông thôn và không học cao. Bà Harris vẫn có thể bỏ qua Michigan (15 phiếu đại cử tri) và vẫn thắng nếu thắng lợi ở vành đai Mặt trời (các bang phía nam như Arizona, Georgia, North Carolina). Các bang này vốn thường ủng hộ phe Cộng hòa, nhưng năm 2020 cả Arizona và Georgia đều bỏ phiếu cho ông Biden.Việc bà Harris vẫn có thể cạnh tranh được ở vành đai Mặt trời (Sun Belt) cho thấy cuộc đua đã thay đổi thế nào kể từ khi ông Biden rút lui hồi tháng 7. Ông Trump dù vẫn có khả năng thắng cao ở đây, nhưng khả năng chiến thắng của phe Dân chủ ở các bang này đã tăng từ 20% lên 40% từ khi bà Harris lãnh ấn. Ở bốn bang còn lại, bà Harris giúp phe Dân chủ tăng khả năng thắng thêm 25 điểm phần trăm. Với cuộc đua sát sao như thế này, chỉ một thay đổi nhỏ có thể thay đổi hoàn toàn kết cục.Ảnh: USA TodaySai số lớn của thăm dòTheo thăm dò công bố hôm 11-10 của Wall Street Journal, cử tri ở 7 bang chiến trường đánh giá ông Trump có khả năng điều hành các vấn đề kinh tế và biên giới tốt hơn bà Harris. Thăm dò cho thấy bà Harris dẫn với khoảng cách mong manh ở Arizona, Michigan, Wisconsin và Georgia. Ông Trump trong khi đó dẫn rất sát ở Nevada, North Carolina và Pennsylvania. Trừ Nevada, nơi ông Trump dẫn 5 điểm, không bang nào có khoảng cách lớn hơn 2 điểm phần trăm (trong phạm vi sai số của thăm dò).Cử tri độc lập hiện cũng đang cân bằng với 40% ủng hộ bà Harris và 39% cho ông Trump, một yếu tố khác cho thấy cuộc đua sẽ còn rất quyết liệt. "Mọi thứ đều rất sát sao cho tới những ngày cuối. Ba tuần cuối cùng sẽ mang tính quyết định" - theo David Lee, nhà thăm dò của phe Cộng hòa.Về chuyện kinh tế - chủ đề quan trọng nhất với cử tri, ông Trump đang có lợi thế 10 điểm hơn bà Harris. Ông cũng dẫn 16 điểm trong vấn đề về nhập cư và an ninh biên giới. Nhưng việc lợi thế đó chưa chuyển thành điểm số vượt lên trong thăm dò là dấu hỏi lớn. Bà Harris có lợi thế nhất về vấn đề quyền phá thai của phụ nữ - hơn ông Trump 16 điểm. Đây cũng là chủ đề từng giúp phe Dân chủ chiến thắng bầu cử giữa kỳ hồi 2022.Năm 2016, FiveThirtyEight đã tổng hợp số liệu cho thấy thăm dò từ 1968 tới 2012 đều có sai số tầm 2 điểm phần trăm. Năm 2016, tính toán của AAPOR cho thấy các thăm dò toàn quốc sai số khoảng 2,2 điểm, nhưng thăm dò ở các bang thì lệch tới 5,1 điểm. Tới năm 2020, thăm dò toàn quốc sai khoảng 4,5 điểm, trong khi các thăm dò cấp bang lệch khoảng 5,1 điểm. Điều đó đồng nghĩa với khoảng cách chênh lệch dưới 2-3 điểm phần trăm, khi tính thêm sai số, các kết quả thăm dò không còn nhiều ý nghĩa.Ví dụ, Erza Klein của The New York Times cho rằng sai số khiến thăm dò hoàn toàn có thể đếm thiếu tầm 3 điểm ủng hộ ông Trump ở Michigan và lại đếm quá tầm 3 điểm ủng hộ ở Wisconsin. Như các năm 2016 và 2020, thăm dò cấp bang thường đếm thiếu cử tri ủng hộ ông Trump, trong khi lại đếm quá số ủng hộ bà Hillary Clinton (khoảng 3 điểm năm 2016) và ông Joe Biden (khoảng 4,3 điểm năm 2020).Các hãng thăm dò hiện tìm mọi cách để né sai lầm của những năm đó. Họ hiện hỏi kỹ cử tri xem họ có nhớ từng bầu cho ai năm 2020 không để đếm tốt hơn số người ủng hộ ông Trump. Nhưng theo Klein, hiện giờ tốt nhất nên lờ các thăm dò đi vì "chẳng làm được gì nữa, và các thăm dò kia cũng chẳng giúp gì đâu".■ Một tuần trước cuộc tranh luận hồi tháng 9, bà Harris dẫn ông Trump 3 điểm phần trăm. Ông Trump được cho là đã tranh cử rất tệ, rồi lại thêm một vụ ám sát hụt ông nữa, rồi FED cắt giảm lãi suất 0,5%, rồi Israel tấn công Lebanon, rồi hồ sơ vụ 6-1-2021 của công tố viên Jack Smith…, nhưng sau tất cả, bà Harris vẫn đang dẫn 3 điểm phần trăm. Tags: Bầu cử tổng thống MỹĐảng Dân chủMỸPhó Tổng thống Mỹ Kamala HarrisDonald Trump
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Cờ đỏ sao vàng, mũ cối và tình cảm dành cho Bác Hồ tại Cộng hòa Dominica DUY LINH 22/11/2024 Người dân Cộng hòa Dominica, với những chiếc mũ cối cùng cờ đỏ sao vàng, đã xuất hiện tại công viên Hồ Chí Minh để chào đón các vị khách quý ngày 21-11.
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...