Ông Nurul Islam Mohamed Yusoff, lãnh đạo trẻ của Đảng Hồi giáo PAS, bước ra từ xe đi vận động tranh cử - Ảnh: LÊ NAM
Đảo Langkawi là nơi mà liên minh cầm quyền Barisan Nasional (BN - Mặt trận quốc gia) của Thủ tướng Najib Razak và liên minh đối lập Pakatan Harapan (PH - Liên minh Hi vọng) chọn làm chiến địa cuối cùng. Đây là nơi mà ông Mahathir Mohamad khi còn tại vị bằng các chính sách của mình biến làng chài trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của Malaysia, hằng năm thu hút hơn 2 triệu lượt du khách quốc tế và nội địa.
Truyền hình chống Facebook
Theo kế hoạch, đúng 22h đêm 8-5, chính trị gia 92 tuổi Mahathir Mohamad sẽ xuất hiện trực tuyến trên trang Facebook của mình để cảm ơn cử tri ủng hộ ông cũng như PH, đồng thời kêu gọi, hiệu triệu người dân Malaysia bỏ phiếu cho PH vào hôm nay (9-5). Bà Marina Mahathir, con gái lớn ông Mahathir, kỳ vọng buổi livestream này sẽ thu hút được 10 triệu lượt người theo dõi.
Ăn miếng trả miếng, cùng thời điểm này, Thủ tướng Najib Razak xuất hiện trên tất cả các đài truyền hình để phát biểu nhắc nhở mọi người đi bầu vào ngày 9-5 và đừng quên bầu cho Đảng BN của ông. Để làm loãng sự thu hút của những người ủng hộ PH và ông Mahathir, hôm 7-5 Đảng BN đã truyền đi thông báo vào lúc 20h ngày 8-5 ngay tại quảng trường có tượng con đại bàng biểu trưng của đảo Langkawi, ông Najib Razak cho mời rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của Malaysia đến để tổ chức một buổi hòa nhạc cực lớn miễn phí mang tên "Koncert Langkawi Hebat 2018". BN còn tổ chức rút thăm trúng thưởng với hàng loạt giải thưởng có giá trị như xe máy, ôtô, phiếu mua hàng...
Những ngày này ở Kuala Lumpur có thể rất dễ dàng thấy các bảng quảng cáo điện tử đã bị chiếm lĩnh bởi hình ảnh Thủ tướng Najib Razak mặc áo vest màu xám nhạt tươi cười và lời nhắn ngắn gọn bằng ba thứ tiếng Bahasa, tiếng Anh, tiếng Hoa cùng nội dung: hãy bỏ phiếu. Các quảng cáo trên YouTube, các website có lượng truy cập lớn cũng đầy những quảng cáo với hình ảnh, thông tin của ông Najib Razak và BN. Các chuyên gia chính trị nhận định đảng nào thành công trên mặt trận truyền thông trực tuyến sẽ có nhiều điểm cộng vào cuối ngày 9-5.
2.333 ứng viên
Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 của Malaysia (GE14) diễn ra ngày 9-5 đồng thời để tìm ra thủ tướng thứ 7 của quốc gia này. Đây được đánh giá là một trong những cuộc bầu cử có tính cạnh tranh lớn nhất trong lịch sử Malaysia, đồng thời là cuộc bầu cử có số lượng ứng cử viên kỷ lục lên tới 2.333 người.
Cả 222 thành viên trong Dewan Rakyat (Hạ viện) là những đại biểu được bầu từ các khu vực bầu cử liên bang theo quy định của Ủy ban bầu cử. Các đảng hoặc liên minh cần đạt 112 ghế tại quốc hội để đủ đại đa số. Liên minh cầm quyền BN của Thủ tướng Najib Razak và liên minh đối lập PH của cựu thủ tướng Mahathir Mohamad sẽ là những đối thủ cạnh tranh chính.
Càng về cuối càng kịch tính
Một khảo sát do Trung tâm nghiên cứu ý kiến Merdeka (Malaysia) công bố hôm 7-5 cho thấy so với thời điểm bắt đầu cuộc vận động tranh cử (ngày 28-4), lực lượng cử tri người Mã ủng hộ PH đã tăng từ 20% lên 27,8%, trong khi cử tri ủng hộ BN giảm 1,8%.
Dưới con mắt quan sát của một nhà báo theo dõi chính trị lâu năm, nhà bình luận Đông Nam Á Karim Raslan cho rằng BN đang bị mất dần sự vượt trội, nhất là sau khi PH có sự tham gia của ông Mahathir Mohamad: "Nhiều tháng trước có thể nói là chẳng ai quan tâm đến cuộc bầu cử này, vì thực sự BN có quá nhiều ưu thế, nhưng khi Đảng Hồi giáo PAS tách ra khỏi liên minh PH đứng thành thế lực chính trị độc lập cùng sự tham gia và quay lại chính trường rồi làm chủ tịch PH của ông Mahathir Mohamad, nay cuộc chiến đã thực sự khác".
Theo nhà báo Karim Raslan, BN dường như vội vàng, luống cuống triển khai các kế hoạch nhằm cứu vãn hoặc lôi kéo trở lại các cử tri đang có vẻ lung lay, thậm chí là quay lưng lại với họ. "BN vẫn có thể thắng sau cuộc tổng tuyển cử này nhưng họ sẽ mất khá nhiều ghế trong quốc hội và mất luôn thế áp đảo vốn có" - ông Karim nhận định.
Theo các nhà quan sát chính trị, trong hôm nay (9-5) trận chiến quan trọng nhất của BN và PH sẽ diễn ra ở các điểm bỏ phiếu tại Kedah, Johor và Sabah. Ở ba bang này đảng nào giành được nhiều ghế trong Quốc hội sẽ chiếm được thế thượng phong và quyết định chiến thắng.
Kẻ "phá bĩnh" PAS
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 8-5, ông Nurul Islam Mohamed Yusoff - một trong những lãnh đạo trẻ (sinh năm 1983) của Đảng Hồi giáo PAS - cho biết sở dĩ PAS tách ra khỏi liên minh với PH trở thành thế lực riêng là vì trong liên minh trước đây với PH nhiều quyết định được đưa ra mà không tôn trọng ý kiến của PAS. Hơn nữa việc tách ra cũng giúp họ quyết định được nơi nào có lợi thế để vận động giành ghế trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 này chứ không chờ quyết định phân bổ của liên minh.
"Chúng tôi đặt mục tiêu rõ ràng: đạt ít nhất 40 ghế trong tổng số 222 ghế ở Quốc hội để có thể chủ động thương lượng với một trong hai liên minh thắng chiếm đa số" - ông Nurul Islam Mohamed Yusoff tự tin khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận