Bầu cử Đức: Mong đợi của một người trẻ

JULIAN HUESMANN 04/10/2021 20:05 GMT+7

TTCT - Cuộc bầu cử trọng đại mở ra kỷ nguyên “hậu Merkel” ở Đức vừa kết thúc vào đầu tuần này, nhưng những thương lượng để hình thành một chính phủ mới dự kiến sẽ còn kéo dài.

Kết quả gửi về từ 299 đơn vị bầu cử ở Đức ngày 28-9 là Đảng Dân chủ xã hội (SPD) về nhất với 25,7% tổng số phiếu. 

Về nhì là Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU), Đảng Trung hữu của Thủ tướng Angela Merkel, với 24,1%. 

 
 Từ trái sang: bà Baerbock (Đảng Xanh), ông Scholz (SPD) và ông Laschet (CDU)

Kết quả này đồng nghĩa ta sẽ chưa biết được ai là thủ tướng tiếp theo của Đức. Cả SPU và CDU đều tuyên bố đã bắt đầu các cuộc thương lượng để có được quá bán trong Quốc hội (Bundestag) nhằm thành lập chính phủ. 

Kết quả sít sao đồng nghĩa hai đảng nhỏ hơn, Đảng Xanh với 14,8% và Đảng Dân chủ tự do (FDP) 11,5%, sẽ có tiếng nói quan trọng trong việc thành lập và cơ cấu chính phủ mới. (Đảng Cực hữu AfD năm nay kiếm được ít phiếu hơn, 10,3%, nhưng đằng nào thì tất cả các đảng phái trong Bundestag đều đã khẳng định là sẽ “bo xì” đảng này). 

Bà Merkel, đã làm thủ tướng 16 năm, giờ sẽ ở lại cho tới khi các cuộc thương lượng ngã ngũ, dự kiến là nhiều tháng nữa. Còn nhớ hồi tháng 9-2017, từng mất tới 5 tháng “ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”, nước Đức mới có một chính phủ mới.

Với nền kinh tế đầu tàu châu Âu và một trong những quốc gia già nhất thế giới, lớp người trẻ 18 - 30 tuổi là nhóm cử tri nhỏ nhất và cũng nhiều âu lo nhất về tương lai. Giới trẻ Đức chúng tôi nghĩ sao về cuộc bầu cử và đòi hỏi chính giới xử lý những vấn đề gì?

Người già làm chính trị cho người già

Như ở các nước khác, đại dịch đã làm lộ hàng loạt vấn đề trong xã hội Đức đòi hỏi nhà nước phải hành động, cải cách và đầu tư. 

Danh sách rất dài: thiếu hụt nhân viên điều dưỡng, yếu kém trong số hóa thủ tục hành chính, chậm chạp trong cải tiến công nghệ, bất lực trong cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu, rồi những bất an liên quan đến giáo dục đào tạo, thâm hụt ngân sách do chi tiêu công tăng vì khủng hoảng COVID-19, hỗ trợ tái thiết miền tây nước Đức bị lũ lụt tàn phá nghiêm trọng gần đây, tình trạng giá thuê nhà và bất động sản tăng mạnh ở các thành phố lớn, cho tới cả chính sách ngoại giao trong bối cảnh địa chính trị bất ổn ở Afghanistan, đều là những vấn đề tôi quan tâm trong cuộc bầu cử này.

Đối với giới trẻ Đức, những người dưới 30 tuổi như tôi, chúng tôi âu lo nhiều nhất về các vấn đề giáo dục, kinh tế - tài chính, và hơn hết là khủng hoảng khí hậu. 

Các câu hỏi của giới trẻ là: Tôi sẽ có cơ hội được đào tạo hay học cao hơn không? Liệu tôi có kiếm được một công việc ổn định và có thu nhập đủ để sống thoải mái không? Việc xây hay mua nhà riêng trong tương lai có còn khả thi? Và cuối cùng là câu hỏi quan trọng nhất: Tôi sẽ sống trên một hành tinh xanh hay một hành tinh với cảnh hoang tàn tận thế?

Trong chính trị và xã hội Đức, người trẻ từ lâu đã là một nhóm thiểu số. Theo ước tính của chính quyền, người 18 - 29 tuổi là nhóm cử tri nhỏ nhất, chỉ chiếm 14,4% ở Đức, trong khi nhóm 40 tuổi trở lên chiếm 71,3%. 

Sự chênh lệch này là do Đức là một trong những nước có tuổi thọ bình quân cao nhất thế giới và đứng hạng ba ở Liên minh châu Âu (EU), sau Ý và Bồ Đào Nha.

Điều này cũng hàm ý lâu nay chính trị ở Đức là của người già và cho người già. Những vấn đề, nỗi lo và ước muốn của người trẻ thường bị quên lãng. 

Trong một cuộc bầu cử được nhiều người cho là sự kiện chính trị quốc tế quan trọng nhất năm nay, việc chính giới Đức thờ ơ trước những vấn đề và mối lo của người trẻ là một thảm họa, vì nhóm cử tri lớn và mạnh nhất nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu cho các đảng phái bảo thủ, trước hết là CDU. 

Khả năng có sự thay đổi chính sách lớn, đặc biệt là trong vấn đề chúng tôi bận tâm nhất, chống khủng hoảng khí hậu, là khá thấp, vì chúng tôi không có đủ ảnh hưởng lên kết quả cuộc bầu cử.

Từ khi báo cáo đặc biệt của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu được công bố năm 2018 và phong trào Fridays for Future được khởi xướng, với giới trẻ Đức, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất. 

Tôi và nhiều bạn bè đã nhiều phen xuống đường đòi giới chính trị hành động theo lời khuyên của các nhà khoa học quốc tế để chuyển đổi nền tảng kinh tế - xã hội nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Một sự thay đổi mà ngay cả các đảng phái bảo thủ cũng đã thừa nhận, đó là vấn đề chính sách cần lưu tâm. Tuy nhiên, các chính sách của họ cơ bản vẫn là chủ trương “để thị trường tự do xử lý”. Ngay cả chính sách của các đảng cánh tả như Đảng Xanh và Die Linke cũng được cho là chưa thể đáp ứng tình hình.

Bạn tôi Arnaud Boehmann, 26 tuổi, một thành viên của nhóm Fridays for Future ở Hamburg, nói: “Tôi đòi hỏi chính phủ mới vì thế hệ trẻ mà chuẩn bị đất nước này cho tương lai. 

Chúng tôi thường hay cảm thấy bị giới chính trị bỏ quên. Nước Đức chưa có biện pháp hiệu quả về vấn đề khí hậu, chúng tôi không thể trả tiền thuê nhà trong các thành phố lớn. 

Chính phủ tiếp theo là chính phủ cuối cùng còn có thể tuân theo những thỏa thuận nhằm giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C theo Hiệp định Paris. Chúng tôi muốn một chính phủ không chỉ nhìn về tương lai, mà còn phải hiểu tương lai”.

“Chúng tôi muốn một chính phủ không chỉ nhìn về tương lai, mà còn phải hiểu tương lai”

- Arnaud Boehmann (26 tuổi, thành viên của nhóm Fridays for Future ở Hamburg)

Nỗi đau của thế hệ trẻ

Giữa vô số những vấn đề của người trẻ, thì giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng. 

Tình hình phong tỏa vì COVID-19 ở Đức đã tác động nghiêm trọng tới nền giáo dục, hoạt động đào tạo nghề, và thị trường lao động. Quá trình dạy và học cũng như kết quả học tập trực tuyến không mang lại hiệu quả. 

Nhiều bậc phụ huynh gặp khó khăn trong việc mua thiết bị điện tử cho con cái, nhiều học sinh phải tìm cách học thêm để không bị tụt lại phía sau hoặc lưu ban.

Tương tự, do đại dịch, triển vọng theo học các chương trình đào tạo nghề năm 2020 là ở mức thấp nhất trong 30 năm qua. 

Theo một khảo sát, số người được nhận đào tạo nghề trong cơ chế học và làm song song ở Đức đã giảm đến 11%. Điều này khiến nhiều người trẻ không có triển vọng tương lai nghề nghiệp cụ thể.

Những khó khăn về giáo dục đi kèm với triển vọng việc làm, tiền lương và tài chính. Giới trẻ Đức quan tâm tới ba vấn đề cơ bản khi bước vào đời: lương tối thiểu (Mindestlohn), quỹ hưu trí (Rente) và cơ hội sở hữu nhà ở. 

Với nhiều người thuộc thế hệ Millenials như tôi, một cuộc sống ổn định và đầy đủ, sở hữu nhà và xe hơi riêng giờ chỉ còn là mơ ước, bởi sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ kiểu thời hậu chiến, những năm 1950 và 1960, giờ là bất khả. 

Giá nhà đất, chi phí sở hữu bất động sản, xe hơi... ở ngoài tầm với của đa số những người trẻ như tôi. Đây có lẽ là một diễn biến mà thế hệ Millenials ở Việt Nam rồi cũng sẽ phải đối mặt.

Chính vì thế, việc tăng lương tối thiểu được nhiều người trẻ ủng hộ. Trong khi các đảng cánh hữu CDU, FPD, AfD đều từ chối tăng lương tối thiểu, các đảng cánh tả như SPD, Đảng Xanh và Die Linke lại đề nghị nâng lương tối thiểu lên 12 - 13 euro/giờ.

Về quỹ hưu trí, những người trẻ lo lắng sự già hóa xã hội sẽ hạ thấp quỹ hưu trí không chỉ khi tới lượt họ, mà ngay cả thế hệ cha mẹ họ hiện tại cũng đã gặp khó khăn trong việc trang trải đời sống khi về hưu rồi. 

Phái hữu có ý định để “thị trường tự do” xử lý vấn đề nghiêm trọng này. Nhưng dưới các nhiệm kỳ CDU/SPD trước, nhiều người già bị buộc phải làm thêm hay lượm chai [ở Đức có chính sách tái chế rác thải nhựa, nhà nước chi trả một khoản tiền nhỏ cho những chai nhựa để tập kết chúng về các điểm thu gom] để tồn tại.

Một người thuộc thế hệ tôi, sinh viên tâm lý học xã hội ở Hannover, Linnéa Nöth, 25 tuổi, nói thay cho chúng tôi: “Cả số người có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo lẫn số tỉ phú đã tăng suốt mấy năm qua. Điều này không thể tiếp tục nữa. Tôi hy vọng nhiều cử tri chọn bỏ phiếu cho một đảng đấu tranh vì công bằng xã hội”. ■

Giới trẻ bỏ phiếu cho ai?

Không bất ngờ khi đa số người trẻ ở Đức nghiêng về các đảng cánh tả như SPD và Đảng Xanh. Theo thống kê Politbarometer, trong nhóm cử tri 18 - 34 tuổi, ứng viên được ưa thích nhất là Olaf Scholz (SPD), tiếp theo là Annalena Baerbock (Đảng Xanh), rồi thứ ba mới tới Armin Laschet (CDU). 

Tuy nhiên, với cá nhân tôi, cả Scholz lẫn Laschet không gây ấn tượng rằng họ đại diện cho sự thay đổi thực sự. Baerbock thì khác, bởi cách mà bà đã cố gắng thể hiện trong chiến dịch tranh cử. 

Chính vì điều này mà bà gây ấn tượng với người trẻ. Có thể nói người trẻ ở Đức khao khát một sự chuyển đổi từ “chính trị vì hôm nay” của Thủ tướng Merkel trong 16 năm qua sang “chính trị vì ngày mai”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận