TTCT - Sau thời gian phải tạm sống dưới chính phủ liên minh sứt mẻ, nước Đức sắp bầu ra một chính quyền mới. Nhưng thế sự những ngày sát bầu cử không hứa hẹn nhiều điều tốt lành. Những ngày cuối năm 2024 đem đến cho người Đức một sự kiện ảm đạm, tuy không khiến mấy ai ngạc nhiên: Thủ tướng Olaf Scholz (Đảng Xã hội dân chủ SPD) đẩy Bộ trưởng kinh tế Christian Lindner (Đảng Dân chủ tự do FDP) khỏi nội các vì ông này không chịu phê chuẩn chương trình tài chính của chính phủ liên minh. Chương trình này vốn định nới biên độ nợ công để đối phó với tình hình mới đầy bất ổn từ Ukraine, Dải Gaza, tình trạng nhập cư mất kiểm soát và một Donald Trump khó lường đang lấp ló phía chân trời. Sau đó, theo đúng kế hoạch, thủ tướng cũng thất bại tại vòng bỏ phiếu tín nhiệm tại Nghị viện liên bang.Ảnh: The TimesVội vã và hồi hộp16 năm độc diễn ít nhiều mệt mỏi của Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo CDU với nữ thủ tướng Angela Merkel dường như làm lòng dân phân tán mạnh, và CDU nhận được số phiếu bầu thê thảm là 19% ở Quốc hội khóa 20 bầu lên năm 2021. Nhưng đảng thành công nhất SPD cũng chỉ được 25,7% - còn rất xa mức quá bán để thành lập chính phủ. Họ buộc phải bắt tay với hai thế lực khác là FDP và Đảng Xanh để có đa số ghế nghị viện.Cấu trúc này không mới mẻ gì trên bình diện quốc tế và ngay 16 bang của Đức cũng đã có 10 chính quyền liên minh, hoặc có bang cắn răng lập chính quyền thiểu số. Hiến pháp Đức chấp nhận chính quyền được bầu nhưng không đủ 50% phiếu, song bộ máy lãnh đạo ấy luôn thấp thỏm vì các nghị quyết đem ra nghị viện liên tục bị đa số đối lập phủ quyết.Sau Giáng sinh 2024, theo đề xuất của Thủ tướng Scholz, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier tuyên bố giải tán Quốc hội và ấn định thời điểm nước Đức bầu 630 dân biểu mới là ngày 23-2. Xong xuôi, Quốc hội khóa 21 sẽ bầu thủ tướng, thường là chủ tịch đảng có số phiếu cao nhất.Từ ngày lập quốc năm 1949, và đặc biệt từ khi tái thống nhất năm 1990, chưa bao giờ Cộng hòa liên bang Đức phải chờ đón một kỳ bầu cử nghị viện liên bang với kết quả khó lường như lần này. Cũng đen đủi cho chính phủ nhiệm kỳ vừa qua: vừa bập vào công việc đã phải gồng mình chống đại dịch và biết rằng đưa ra quyết định nào cũng bị phản đối, bất kể là cách ly người bệnh hay sử dụng loại vắc xin nào.Tiếp đó là chiến sự Ukraine bùng nổ và khả năng tổng thống Hoa Kỳ mới sẽ cắt giảm viện trợ vũ khí, khiến Đức phải tăng ngân quỹ quân sự thêm 100 tỉ euro và đón hơn 1 triệu dân tị nạn chiến tranh, thêm vào số người tị nạn Trung Đông từ 2015, đồng thời mất nguồn khí đốt giá rẻ từ Nga. Sau khi Hamas tấn công lãnh thổ Israel, Đức buộc phải nhớ món nợ của thế hệ trước với dân Do Thái và tăng xuất khẩu bom đạn cho Israel. Gom mọi áp lực đó, dễ đoán là cử tri Đức không mặn mà với chính phủ nữa và nóng lòng đợi bầu cử để thể hiện quyết tâm "xuất hóa đơn" cho giá lương thực và dầu khí tăng phi mã.Ảnh: ReutersKhẩu hiệu và hứa hẹnThông thường các chính trị gia hay mắc chứng đại ngôn khi lấy lòng cử tri. Người dân biết rõ cố tật đó, nhưng cứ đến hẹn mới nhớ lại những lời hứa hươu vượn trong chiến dịch tranh cử, để rồi không còn cách nào khác là dồn tâm tư vào hòm phiếu, và lại... mắc lỡm. "Người đàn bà thép Merkel" cũng chẳng phải ngoại lệ: sau khi nước Đức tái thống nhất, bà từng giữ ghế bộ trưởng phụ nữ và thanh thiếu niên, nhưng lời hứa xây đủ nhà trẻ cho bố mẹ rảnh tay đi kiếm sống sau bốn nhiệm kỳ thủ tướng vẫn chỉ dừng ở mức tuyên bố thiện chí.Riêng kỳ bầu cử này, với ngót 30 chính đảng muốn vào Quốc hội, số lượng khẩu hiệu và lời hứa sẽ thách thức mãnh liệt trí nhớ của cử tri. Thoạt tiên có những 41 đảng được phép ứng cử nghị viện liên bang, nhưng các yêu cầu tranh cử bao gồm: đã có 1 nghị sĩ tại nghị viện liên bang, hoặc ít nhất 5 ghế tại nghị viện bang, hoặc một số lượng chữ ký ủng hộ nhất định, và ngày 20-1 là chốt danh sách. Hôm đó 12 đảng rơi rụng từ vòng gửi xe, dĩ nhiên toàn những tên tuổi lạ hoắc như Đảng Dân chủ sinh thái, Đảng Cướp biển, Đảng Nhân văn…Quan trọng là các ứng viên hứa hẹn gì? Chủ đề không thiếu: hòa bình ở châu Âu, lạm phát, nạn thiếu nhà ở giá rẻ, trợ cấp xã hội, chính sách ngoại kiều, lương tối thiểu, ô tô điện, đường lối ngoại giao với Trump, Putin và Tập Cận Bình… Nhưng tất cả đều có một trở ngại chết người là thời điểm bầu cử quá đột ngột, không đủ thì giờ quảng bá chương trình nghị sự.Ảnh: ReutersNước Đức cũ và nước Đức mớiBức tường Berlin sụp đổ đã 36 năm, nhưng người Đức chưa đủ lạc quan để nói rằng họ là một dân tộc thống nhất hoàn toàn. Dân Đông Đức cũ oán thán một xã hội khắc nghiệt, tồn tại dựa trên cạnh tranh và bóc lột, không có chỗ cho tình người. Người Tây Đức thì trách những đồng bào mới vô ơn, nhắm mắt trước một cuộc sống có nhiều cải thiện không thể chối cãi. Mối xung đột này e rằng còn âm ỉ vài thế hệ nữa.Tuy nhiên, cả hai phe nhất trí một điểm: số người nhập cư từ các nền văn hóa lạ lẫm đã đem lại không ít xáo trộn cho một dân tộc thấm nhuần giá trị Cơ Đốc giáo. Hiếm có ngày nào mà trên trang nhất các báo lớn thiếu tít giật gân về người nhập cư đâm chém dân lành, hãm hiếp phụ nữ, lao xe vào đám đông, tấn công hành khách trên tàu hỏa, ít nhất thì cũng trộm cắp hoặc lười lao động, chỉ nằm ườn nhận trợ cấp xã hội và còn gửi tiền về nhà, hoặc thậm chí hứng lên là mặc kệ chiến tranh bay về quê ăn cưới…Khỏi phải nói, đó là mảnh đất màu mỡ cho quan điểm kỳ thị người nước ngoài. Và không phải đợi lâu: Đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD), chủ trương dân túy cực hữu, ra đời năm 2013. Cùng năm đó, AfD tham gia tranh cử lần đầu tiên vào Nghị viện liên bang nhưng thất bại. Theo thăm dò dư luận mới nhất công bố ngày 14-2, AfD nhận được sự ủng hộ từ 20% cử tri, đứng vị trí thứ hai toàn quốc. Cũng ngày 14-2, chính trị gia AfD Beatrix von Storch thông báo sẽ đến thăm Trung tâm Đồng Xuân tại đơn vị bầu cử Lichtenberg của mình cùng Anna Nguyễn, đại diện cho AfD tại Nghị viện bang Hessen, đồng thời tổ chức một sự kiện vận động tranh cử tại nơi có mật độ người Việt đông nhất ở Đức! Trong cuộc bầu cử châu Âu năm 2014, đảng này đã giành được ghế tại Nghị viện châu Âu. Kết quả là AfD hôm nay có mặt tại tất cả các cơ quan lập pháp cấp bang của Đức và từ sau cuộc bầu cử liên bang năm 2017 đã tham gia Quốc hội khóa 19 với tư cách là đảng mạnh thứ ba, với 12,6% số phiếu bầu.Các đại diện của họ công khai bày tỏ quan điểm cực đoan về chính sách di cư. Trong cuốn sách xuất bản năm 2018, nghị sĩ AfD bang Thüringen, Björn Höcke, kêu gọi trục xuất những người "xa lạ văn hóa" khỏi nước Đức bằng vũ lực, không loại trừ một chính sách "tàn bạo có chừng mực". Höcke tuyên bố tại cuộc họp thường kỳ của AfD vào tháng 12-2023: "Nước Đức có thể sống thoải mái với số dân ít đi 20-30%".Năm 2024, dân biểu liên bang René Springer bình luận về vấn đề hồi hương trên nền tảng X: "Chúng ta sẽ đưa người nước ngoài trở về quê hương họ. Hàng triệu người. Đây không phải là một chương trình bí mật. Mà là một lời hứa". Quy mô của dự án thanh trừng sẽ ảnh hưởng tới 16-25 triệu người, kể cả ngoại kiều đã có thêm quốc tịch Đức.ẢnH: ReutersDư luận và thực tếTruyền thông Đức và Áo, vốn cùng ngôn ngữ, hầu như mỗi tháng có một trò chơi thú vị gọi là Câu hỏi chủ nhật. Nó trở thành công cụ tiêu chuẩn trong nghiên cứu thực nghiệm và được các viện khảo sát sử dụng để cân đo tâm lý hiện tại lẫn đưa ra dự báo. "Câu hỏi chủ nhật" có nội dung: "Giả sử có một cuộc bầu cử quốc hội vào chủ nhật tuần tới, quý vị sẽ bầu đảng nào?".Theo kết quả mới nhất vào giữa tháng 2, Liên minh Cơ Đốc giáo CDU/CSU sẽ có 30-35% số phiếu, AfD trên 20%, SPD 16%, Đảng Xanh 14% và Đảng Cánh tả mấp mé 7%. Các đảng với số phiếu dưới 5% sẽ không hiện diện trong Quốc hội.Nhiều nghiên cứu về độ tin cậy của các cuộc thăm dò đã chỉ ra "tỉ lệ lỗi cao hơn nhiều so với mức được thú nhận", giáo sư Rainer Schnell về phương pháp nghiên cứu xã hội thực nghiệm tại Đại học Duisburg-Essen cho biết. Theo ông, tỉ lệ lỗi lên tới 5 điểm phần trăm. Schnell cũng chỉ trích việc khảo sát online nói riêng không dựa trên "các mẫu ngẫu nhiên khoa học". Gọi là xem bói cũng không oan.Một minh chứng rõ ràng về độ sai lệch đáng kể là cuộc bầu cử liên bang năm 2005. Thời điểm đó, các cuộc thăm dò ngay trước ngày bầu cử từ nhiều viện khác nhau cả quyết rằng CDU/CSU dẫn trội 8,3% so với SPD. Rốt cuộc CDU/CSU vẫn thắng, song chỉ hơn SPD 1% nghẹt thở, để bắt đầu "kỷ nguyên Merkel".Hiện vẫn chưa rõ trò bói toán ảnh hưởng thế nào đến hành vi cử tri. Có nhiều giả thuyết khác nhau. Chẳng hạn hiệu ứng đám đông cho rằng khi một đảng có kết quả tốt trong thăm dò, số lượng người ủng hộ đảng đó sẽ tiếp tục tăng. Thông thường người ta phù thịnh chứ ít phù suy. Giả thuyết kẻ yếu thế, hay hiệu ứng người ngoài cuộc, lại đưa ra kết luận hoàn toàn ngược lại: cử tri sẽ không còn ủng hộ đội bóng có triển vọng chiến thắng nữa, mà thiên về đội nào có vẻ sắp thua. Động cơ ở đây có thể là lòng thương hại hoặc thái độ thách thức.Cử tri thông thái sẽ phải sáng suốt lựa chọn với lá phiếu của mình, nhưng số này xưa nay hiếm.■ Tags: Bầu cử ĐứcScholzThủ tướng ĐứcSpdCDU
Việt Nam, Lào và Campuchia thắt chặt quan hệ giữa các lãnh đạo cấp cao DUY LINH 22/02/2025 Ngày 22-2, tại TP.HCM, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc gặp Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Thongloun Sisoulith.
Nghi phạm cướp FPT Shop là sinh viên năm 4, lún sâu nợ nần do tiêu xài hoang phí MINH HÒA 22/02/2025 Là sinh viên đại học năm 4, nghi phạm cướp tiền FPT Shop ăn chơi, tiêu xài hoang phí, lún sâu vào nợ nần nên nảy sinh ý định cướp.
Vatican bác thông tin Giáo hoàng Francis từ chức UYÊN PHƯƠNG 22/02/2025 Ngày 22-2, Tòa thánh Vatican bác bỏ thông tin cho rằng Giáo hoàng Francis sẽ từ chức, đồng thời cho biết ngài đã nghỉ ngơi tốt.
Giá vàng 'rớt' thêm, nhiều người mới mua lỗ nặng BÌNH KHÁNH 22/02/2025 Giá vàng giảm mạnh sau khi lập đỉnh lịch sử. Nhiều thương hiệu lớn niêm yết giá vàng SJC hai chiều mua vào - bán ra lần lượt là 89,4 - 91,7 triệu đồng/lượng.