04/11/2016 11:07 GMT+7

​Bầu cử có thể điên rồ, nhưng kết quả thăm dò thì không 

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Đây là quan điểm của ông Chris Jackson, phó chủ tịch hãng thăm dò Ipsos, và của chuyên gia Alnna Spurlock tại Ipsos. Nếu theo cách lập luận này thì bà Hillary hiện đang dẫn ưu thế.

Một mẫu phiếu bầu trong ảnh minh họa khi bầu cử sớm được tổ chức tại bang North Carolina ở Chapel Hill, North Carolina, Mỹ - Ảnh: Reuters
Một mẫu phiếu bầu trong ảnh minh họa khi bầu cử sớm được tổ chức tại bang North Carolina ở Chapel Hill, North Carolina, Mỹ - Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, sau hàng loạt những diễn biến bất ngờ và khó lường xảy ra trong diễn biến cuộc đua vào Nhà Trắng, phần lớn dư luận đều cho rằng kết quả chung cuộc chỉ có thể biết được khi công bố kết quả cuối cùng.

Nếu ai đã theo dõi chặng đua này kể từ khi bắt đầu, sẽ nhận thấy có quá nhiều vụ việc gọi là bê bối được tung hê nhằm triệt hạ lẫn nhau giữa các đối thủ.

Những diễn biến nóng hực đó khiến người ta không ngạc nhiên khi thấy kết quả thăm dò dư luận liên quan các ứng viên liên tục có những diễn biến đảo chiều, lắm khi chóng mặt.

Tuy nhiên theo quan điểm và kinh nghiệm của hãng thăm dò dư luận Ipsos, thực tế dư luận không có quá nhiều biến động đáng kể nếu nhìn theo chặng thời gian đủ lớn, mà không phải căn cứ theo tính thời điểm chóng vánh của thực tế.

Sự thực, khi theo dõi các kết quả thăm dò dư luận hàng ngày, người ta sẽ thấy những kết quả trồi sụt liên tục trong tỉ lệ ủng hộ của người dân với hai ứng cử viên Donald Trump và Hillary Clinton.

Chẳng hạn, nếu so sánh kết quả thăm dò dư luận hằng ngày do Reuters/Ipsos thực hiện với kết quả thăm dò của Huffington Post/Pollster, sẽ thấy sự ủng hộ dành cho cả hai ứng cử viên đều có sự chuyển biến đáng kể.

Theo đó, căn cứ vào kết quả thăm dò trung bình tính trong 5 ngày thuộc khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 năm nay, tỉ lệ cử tri ủng hộ ông Trump tăng từ hơn 30 điểm % lên khoảng 40 điểm %. Trong khi đó tỉ lệ ủng hộ bà Clinton dao động từ 40 điểm % lên tới gần 50%.

Tuy nhiên khi nhìn vào các kết quả thăm dò trung bình hằng tháng, sự dao động mang tính thời điểm đó biến mất. Các khoảng thời gian đánh giá càng kéo dài ra thì những dao động mau chóng trong quan điểm cử tri càng trở về với mức cân bằng ổn định.

Trên thực tế không có bất cứ thay đổi nào về vị trí tương đối trong cuộc đua giữa ông Trump và bà Clinton trong suốt từ tháng 7 đến tháng 10 năm nay.

Cụ thể, nếu trong tháng 7 bà Clinton dẫn trước ông Trump 4 điểm %, thì tới tháng 10, bà vẫn duy trì khoảng cách ở mức này.

Cử tri vây lấy bà Hillary trong sự kiện vận động tại TP Raleigh, North Carolina ngày 3-11 - Ảnh: Reuters
Cử tri vây lấy bà Hillary trong sự kiện vận động tại TP Raleigh, North Carolina ngày 3-11 - Ảnh: Reuters

Các kết quả thăm dò dư luận gần đây nhất cho thấy rất có thể khoảng cách dẫn trước của bà Clinton bị thu hẹp bớt sau khi Cục Điều tra Liên bang (FBI) tuyên bố mở lại cuộc điều tra về email cá nhân, nhưng các chuyên gia của hãng thăm dò Ipsos cho rằng theo kinh nghiệm của họ khoảng cách này sẽ được nới rộng trở lại.

Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao tỉ lệ ủng hộ của các cử tri dành cho hai ứng viên lại ổn định như thế? Lý do là vì hầu hết người Mỹ đều đã biết, và rất biết từ lâu về việc họ sẽ ủng hộ ai trong cuộc bầu cử tổng thống này.

Đầu năm nay, khoảng 99% người Mỹ đã biết tới bà Clinton và cũng khoảng 98% người Mỹ biết về ông Trump. Chỉ 24% người Mỹ bày tỏ quan điểm trung lập về ứng cử viên đảng Dân chủ và 23% giữ quan điểm trung lập với ứng cử viên đảng Cộng hòa.

Nhìn chung các cử tri Mỹ, bằng cách này hay cách khác, đều đã có những tiếp xúc với hai ứng cử viên Tổng thống hiện tại trong hơn 30 năm qua, và họ hiểu rõ chuyện họ nghĩ gì về hai nhân vật này.

Do đó các kết quả thăm dò dư luận hàng ngày trên thực tế chỉ cho thấy những trồi sụt trong cảm xúc của cử tri với các ứng cử viên Tổng thống.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên