Thủ tướng Boris Johnson phát biểu trong một sự kiện của Đảng Bảo thủ sau khi kết quả bầu cử được công bố ngày 13-12 - Ảnh: Reuters
Dù muốn hay không, cuộc bầu cử lần này cũng được gắn với cái tên "bầu cử Brexit", khi lá phiếu của cử tri được quyết định bởi mong muốn "ra đi" hay "ở lại" Liên minh châu Âu (EU).
Với khẩu hiệu tranh cử "Hoàn thành Brexit", làn sóng xanh (Đảng Bảo thủ) cuối cùng đã phá vỡ bức tường đỏ (Công đảng) để hoàn tất cuộc "ly dị" đầy khó khăn này.
Sự lựa chọn khó khăn
Sau 4 năm và ba đời thủ tướng không giải quyết được cuộc khủng hoảng Brexit, các đảng phái chính trị của Anh cuối cùng đã phải đi đến sự lựa chọn tổ chức một cuộc bầu cử mới với hi vọng quốc hội mới sẽ giúp giải quyết khủng hoảng Brexit. Nhưng mỗi đảng bước vào cuộc bầu cử lần này với những toan tính chính trị khác nhau.
Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson hi vọng người dân Anh sẽ dồn phiếu cho Đảng Bảo thủ có được đa số phiếu trong quốc hội để phá vỡ thế bế tắc thông qua thỏa thuận Brexit với EU. Còn Công đảng đối lập của ông Jeremy Corbyn thì tính toán rằng những cử tri Anh mong muốn Anh vẫn ở lại trong EU sẽ bỏ phiếu cho họ để giành lại chính quyền từ tay Đảng Bảo thủ.
Các cử tri Anh dù rất chán ngán với tình trạng hỗn loạn chính trị mấy năm vừa qua và muốn nhanh chóng đặt dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng Brexit nhưng lại đứng trước một sự lựa chọn khó khăn khi cả hai ứng cử viên của hai chính đảng lớn nhất nước Anh đều là những nhân vật "không được ưa thích".
Nhiều cử tri của cả Đảng Bảo thủ và Công đảng cảm thấy bất bình với chính đảng mà họ đã từng bỏ phiếu trong nhiều năm và lần đầu tiên sẵn sàng chuyển phiếu cho chính đảng khác.
Brexit, Brexit và Brexit
Cho dù Thủ tướng Johnson và lãnh đạo các đảng đều nói rằng cuộc bầu cử lần này không chỉ là Brexit nhưng đối với các cử tri Anh, cuộc bầu cử này dù muốn hay không sẽ là một cuộc trưng cầu về Brexit. Hơn 70% cử tri Anh cho rằng Brexit là vấn đề nghiêm trọng nhất mà nước Anh đang phải đối mặt hiện nay.
Các cử tri trong cuộc bầu cử lần này bỏ phiếu không vì lòng trung thành với một đảng phái nào đó như trước đây mà bỏ phiếu cho mong muốn "ở lại" hay "ra khỏi" EU. Có những cử tri của Công đảng lại bỏ phiếu cho Đảng Bảo thủ vì ủng hộ Brexit, trong khi có nhiều cử tri của Đảng Bảo thủ bỏ phiếu cho Công đảng với mong muốn Anh sẽ ở lại trong EU.
Vì vậy khẩu hiệu tranh cử của Đảng Bảo thủ đưa ra là "Hoàn thành Brexit" để thu hút không chỉ các cử tri của Đảng Bảo thủ mà cả các cử tri trung thành của Công đảng nhưng lại ủng hộ việc Anh rút khỏi EU. Khẩu hiệu này đánh trúng tâm lý của nhiều cử tri Anh đã quá mệt mỏi với Brexit mà mong muốn chấm dứt vấn đề này cho dù kết quả sau này có như thế nào.
Trong khi đó, Công đảng hứa hẹn sẽ tổ chức lại một cuộc trưng cầu ý dân mà trong đó người dân Anh có thể được lựa chọn giữa việc tiếp tục ở lại trong EU hoặc rút ra khỏi EU với một thỏa thuận được đàm phán lại với EU. Nhưng dường như thông điệp của Công đảng là quá muộn đối với các cử tri đã chán ngấy với tình trạng bế tắc chính trị trong suốt 4 năm qua.
Phán quyết cuối cùng
Cuối cùng Đảng Bảo thủ với khẩu hiệu "Hoàn thành Brexit" đã được cử tri Anh lựa chọn với việc giành được đa số ghế trong quốc hội. Đảng Bảo thủ cho thấy không chỉ đã đưa ra một thông điệp đánh trúng tâm lý cử tri mà còn chứng tỏ sự hiệu quả trong vận động tranh cử.
Thứ nhất, thắng lợi của Đảng Bảo thủ khẳng định một thực tế trớ trêu là 4 năm sau cuộc trưng cầu ý dân, cho dù đa số người dân Anh ngày nay cho rằng việc Anh ở lại trong EU sẽ là tốt hơn cho nước Anh nhưng phần lớn người dân Anh cũng lại cho rằng kết quả của cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 về việc rút ra khỏi EU cần phải được tôn trọng.
Các cuộc khảo sát cho thấy cho dù đa số người dân Anh tin rằng việc đã bỏ phiếu cho nước Anh rời khỏi EU 4 năm trước đây là một sai lầm nhưng mong muốn khép lại vấn đề này và rất ít người ủng hộ việc tổ chức lại một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai.
Thứ hai, Đảng Bảo thủ đã có một chiến lược bầu cử hiệu quả. Không chỉ đưa ra một thông điệp "Hoàn thành Brexit" đánh trúng vào tâm lý mệt mỏi của cử tri, đảng này còn thành công trong việc thu hút nhiều cử tri của Công đảng nhưng ủng hộ Brexit ở vùng phía bắc và vùng trung tâm nước Anh.
Đồng thời, Đảng Bảo thủ còn thành công trong việc vận động Đảng mình làm Brexit với lập trường rút ra khỏi EU bằng mọi giá, không ra tranh cử ở những khu vực mà Đảng Bảo thủ đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lần trước để dồn phiếu cho ứng cử viên của Đảng Bảo thủ.
Đây sẽ là cơ hội lớn cho Thủ tướng Johnson để hoàn thành Brexit. Với việc giành đa số ghế trong quốc hội này, ông Johnson sẽ chỉ cần tô vẽ thêm một chút cho thỏa thuận Brexit mà cựu thủ tướng Theresa May đã đạt được với EU và đưa ra quốc hội bỏ phiếu thông qua.
Thắng lợi này cũng đặt dấu chấm hết cho ước vọng của hàng triệu người Anh mong muốn đảo ngược lại phán quyết trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016. Rất có thể với kết quả của cuộc bầu cử lần này, ông Johnson sẽ đi vào lịch sử với tư cách người hoàn tất cuộc "ly dị" khó khăn với EU mà hai người tiền nhiệm của ông đã thất bại.
Chiến thắng vang dội của Đảng Bảo thủ
Theo kết quả bầu cử chính thức, Đảng Bảo thủ của đương kim Thủ tướng Boris Johnson giành 364/650 ghế để giành quyền kiểm soát quốc hội mới, vượt xa 203/650 ghế mà Công đảng đối lập của ông Jeremy Corbyn có được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận