Một em bé ở Bắc Ninh được xét nghiệm sán heo - Ảnh: ĐÌNH PHƯƠNG
Việc Bộ Y tế đột ngột yêu cầu dừng lấy mẫu xét nghiệm elisa tìm ấu trùng tại Bắc Ninh đã tạo nên nhiều luồng ý kiến. Bộ Y tế đã ở đâu khi để hơn 5.000 gia đình vất vả đưa con đi xét nghiệm trong sáu ngày vừa qua?
Có khoảng 200 bé được phát hiện có nhiễm ấu trùng sán heo có phải thừa? Và có gì khuất tất khi Bộ Y tế lại cấm xét nghiệm sán heo trong khi người dân có nhu cầu?
Dù luồng ý kiến nào thì đối tượng bị đặt nghi vấn vẫn là Bộ Y tế, bởi tính không minh bạch xung quanh quyết định này.
Sáu ngày trước, ngày 15-3, có khoảng 430 gia đình ở Bắc Ninh ra Hà Nội xét nghiệm tìm sán heo, với những dấu hiệu đầu tiên của một sự vụ báo hiệu sẽ rất nóng.
Cụ thể đã có 2/3 mẫu máu của học sinh mầm non được xét nghiệm dương tính với ấu trùng sán heo, phụ huynh ở khu vực liên quan đã ngừng cho con ăn bữa ăn tại trường vì nghi ngờ tuồn thịt bẩn và ùn ùn ra Hà Nội, nhưng Bộ Y tế và Sở Y tế Bắc Ninh đều im lặng.
Rõ ràng khi có nhiều trẻ em "dương tính với ấu trùng sán heo" thì cha mẹ các cháu phải lo lắng. Phụ huynh có con nhỏ có tâm lý muốn bảo vệ con mình là điều đương nhiên và họ tiếp tục đưa con đi xét nghiệm.
Nhiều gia đình đưa con đi từ 3h sáng, đến bệnh viện khi trời chưa sáng, ngoài sán heo, họ còn xét nghiệm sán chó và sán lá gan, chi phí xét nghiệm mỗi cháu xấp xỉ 1 triệu đồng, chưa kể tiền xe và công cha mẹ đưa các con đi.
Trên 5.000 mẫu xét nghiệm đã lấy, trên 1.500 mẫu đã trả cho phụ huynh, chi phí gia đình và Sở Y tế Bắc Ninh đã chi trả ít nhất lên tới 3-4 tỉ đồng. Đùng một cái, ngày 21-3, Bộ Y tế đột ngột yêu cầu dừng xét nghiệm, các cháu có kết quả dương tính không cần phải điều trị nếu không có các biểu hiện của bệnh.
Sáu ngày vừa qua Bộ Y tế ở đâu (ngoài cuộc làm việc chớp nhoáng chiều 19-3) khi cha mẹ hoang mang, lo lắng cho những đứa con bé bỏng của mình? Nhiều bà mẹ, ông bố đã bật khóc sau khi con có kết quả dương tính với ấu trùng sán heo. Họ thật sự lo lắng.
Có ai có thể ngồi im trong nghi ngờ mà không làm gì cả? Nhưng không một ai giải thích, không một ai đồng hành, ngoài những lời vu vơ là "không phải lo lắng vì đây không phải là bệnh cấp tính, không phải cấp cứu...".
Trong khi đó, tuần qua là tuần khủng hoảng thật sự đối với những phụ huynh có con nhiễm sán heo, cần xử trí ra sao, nên hay không nên điều trị...
Bộ Y tế với đội ngũ chuyên gia, với 2 bệnh viện/viện đầu ngành về ký sinh trùng ngay ở Hà Nội hoàn toàn không ứng xử quyết liệt, minh bạch. Và cha mẹ và các cháu thì bơ vơ, không biết tin ai, có xét nghiệm miễn phí rồi vẫn phải ra Hà Nội vì "không tin".
Đến ngày 21-3, bỗng dưng bộ cấm xét nghiệm. Thực tế đã và sẽ còn những cuộc khủng hoảng như thế này, liệu Bộ Y tế có coi đây là một bài học?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận