Việc khám sàng lọc cho trẻ nếu đưa ra các kết quả "nghi ngờ" dễ làm phụ huynh lo lắng - Ảnh minh họa: T.T.D. |
Khảo sát do một phòng khám nam học có trụ sở tại Vũ Ngọc Phan, Láng Hạ, Hà Nội và phòng khám tư nhân ở Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội thực hiện. Phiếu mời được các cô giáo phát cho học sinh về đưa cho bố mẹ.
Theo đó, chi phí khám sàng lọc bộ phận sinh dục nam là 50.000 đồng/cháu và khám cân bằng bàn chân 100.000 đồng/cháu.
Mập mờ thông tin bệnh lý
Theo nội dung của phiếu mời đăng ký khám sàng lọc bộ phận sinh dục nam được phòng khám phát cho trẻ, cuộc khảo sát này bắt nguồn từ kết quả thực hiện thí điểm chương trình khám sàng lọc bộ phận sinh dục cho trẻ nam độ tuổi mẫu giáo tại các trường mầm non, tư thục của quận Hoàn Kiếm, do Trung tâm Dân số và kế hoạch hóa gia đình quận này thực hiện vào năm 2016.
Theo đó, có gần 63% số trẻ được khảo sát nghi ngờ phải can thiệp chuyên sâu ở bộ phận sinh dục. Trong phiếu khảo sát, phòng khám nam khoa kể trên cũng ghi kèm tên của một bệnh viện công lập ở Hà Nội (kiểu như hình thức phòng khám trực thuộc bệnh viện).
Tuy nhiên theo Sở Y tế Hà Nội, quảng cáo này là sai vì phòng khám là cơ sở tách bạch với bệnh viện.
Anh T., phụ huynh học sinh Trường tiểu học Võ Thị Sáu, cho biết sau khi nhận được phiếu mời đăng ký khám sàng lọc bộ phận sinh dục nam và nhìn vào con số gần 63% trẻ có khả năng phải can thiệp chuyên sâu, anh rất hoang mang, lo sợ nhưng sau đó lại nghi ngờ về tính chính xác của thông tin trên.
"Tôi không biết họ nghiên cứu như thế này từ bao giờ, khảo sát kiểu gì, đối tượng khảo sát là ai...”.
Các phụ huynh cũng cho biết vì phiếu mời đăng ký khám sức khỏe do nhà trường phát cho học sinh nên nhiều người tin.
Kết quả "nghi ngờ" càng thêm lo lắng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trương Thị Kim Hoa, giám đốc Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, xác nhận có chương trình khám sàng lọc bộ phận sinh dục nam cho trẻ mẫu giáo ở địa bàn quận và được thực hiện hằng năm. Kết quả như trên là của 3.000 trẻ em nam trong độ tuổi mẫu giáo của toàn quận.
Bà Hoa cho rằng con số gần 63% chỉ là nghi ngờ chứ không hề khẳng định số trẻ này phải can thiệp chuyên sâu.
Tuy nhiên, theo phụ huynh T., nếu chỉ đọc nội dung trên phiếu mời khám có trích kết quả thì hầu như ai cũng hiểu là có đến 63% trẻ em nam ở độ tuổi mẫu giáo cần can thiệp chuyên sâu vào bộ phận sinh dục nam, như là không thấy tinh hoàn, tinh hoàn ẩn, lạc chỗ, thoát vị bẹn...
Sở Y tế sẽ làm rõ
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-4, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho hay: theo quy định về hành nghề tư nhân thì phòng khám được cấp phép hoạt động ở đâu phải hành nghề ở đó.
Trong trường hợp này phòng khám được cấp phép hoạt động ở quận Đống Đa mà lại triển khai khám sàng lọc ở quận Hoàn Kiếm là sai quy định.
Cũng theo bà Hà, các hoạt động khám sàng lọc ngoài địa điểm được cấp phép (kể cả kết hợp với đơn vị khác) đều phải được Sở Y tế cấp phép. “Chúng tôi sẽ làm rõ xem phòng khám đã xin phép hay chưa”- bà Hà nói.
Thời gian gần đây đã có nhiều trường hợp phòng khám hay công ty kết hợp với hội người cao tuổi, hội phụ nữ, trường học để thăm khám, sàng lọc sức khỏe. Nhiều trường hợp khám có kèm bán thuốc, thực phẩm chức năng giá cao hoặc là cách để đưa người bệnh về điều trị tại phòng khám tư.
Với chương trình khảo sát này, chi phí cho mỗi ca tính cả hai dịch vụ sàng lọc cơ quan sinh dục và cân bằng bàn chân chỉ 150.000 đồng, nhưng tính trên hàng ngàn học sinh của quận thì tổng thu được sẽ là rất lớn.
“Nhìn vào nội dung phiếu đăng ký khám sàng lọc mà không cho con đi khám thì rất hoang mang vì không biết quyết định như vậy có đúng không, lỡ con lại rơi vào tỉ lệ gần 63% này mà không được khám sớm thì sẽ ảnh hưởng đến tương lai của con”- anh T. nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận