08/05/2012 07:36 GMT+7

Bất thường quanh cây sưa

 MINH TỰ
 MINH TỰ

TT - Diễn biến xung quanh việc ba cây sưa bị đốn hạ ở vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đang gây bức xúc. Báo cáo của vườn quốc gia này cho thấy lâm tặc đã tổ chức xưởng cưa xẻ ngay trong rừng, nơi không chỉ là di sản thiên nhiên thế giới mà còn là vườn quốc gia được bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt.

Thông tin từ người dân xã Phúc Trạch - nơi có 11 người đốn hạ ba cây sưa - cho hay số gỗ sưa đã xẻ thành tấm lên đến 30m3, tương đương 75 tấn gỗ. Trong khi tình hình gỗ sưa trong rừng Phong Nha đang rối ren thì ngày 4-5, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Quảng Bình lại thông báo bán lô gỗ sưa nặng 58kg, với giá khởi điểm 750 triệu đồng. Theo giá này, mỗi ký gỗ sưa có giá thấp nhất 13 triệu đồng. Nếu ba cây bị đốn hạ được xẻ thành 30m3 gỗ (mỗi mét khối tương đương 2,5 tấn), thì giá của lô hàng phi pháp này lên đến gần 1.000 tỉ đồng, trùng hợp với lời bàn tán của người dân.

Số tiền này quá lớn với người dân nghèo ở địa phương. Người dân các xã Phúc Trạch, Sơn Trạch, Xuân Trạch (huyện Bố Trạch), kể cả một số cán bộ thôn xã, giáo viên, nhân viên y tế... đã đổ xô vào rừng để tìm cơ may. Những đầu nậu gỗ cũng đã có mặt ở Hung Trí - nơi ba cây sưa bị đốn hạ - dù phải đi gần hai ngày đường mới đến. Chưa hết, còn có người từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Hải Phòng và cả TP.HCM, mang theo cả vũ khí để bảo vệ cho các đầu nậu và chủ gỗ. Một lực lượng “lục lâm thảo khấu” từ nhiều nơi đã có mặt trong rừng để kiếm chác.

Ông Lưu Minh Thành, giám đốc vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết lực lượng kiểm lâm của vườn đã đổ hết quân vào rừng. Tỉnh Quảng Bình đã tăng cường thêm kiểm lâm tỉnh, kiểm lâm huyện Bố Trạch và một số công an, bộ đội... Nhưng những gì diễn ra trong mấy ngày qua ở Phong Nha giống như rừng không có chủ, xem như luật pháp chẳng hề tồn tại. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phải phê bình về sự chậm trễ của ban quản lý vườn quốc gia trong việc nắm thông tin, phản ứng chậm trước tình trạng dân kéo vào rừng và thiếu phối hợp với chính quyền sở tại. Nhưng đâu chỉ ban quản lý rừng chậm trễ, ngay chính quyền địa phương dường như bất động trước tình hình đã vượt quá mức báo động.

Đến chiều 6-5, Tỉnh ủy Quảng Bình mới có nhận định “vụ cây sưa bị chặt là có thật”. Tại cuộc họp, có ý kiến cho rằng “có dấu hiệu không bình thường”. Đó là vì sao việc đốn hạ, đào bới lấy đi không sót một mẩu rễ của ba cây sưa, kể cả cưa xẻ hoạt động trong rừng cấm nhiều ngày, nhưng không bị phát hiện để ngăn chặn. Rồi phản ứng yếu ớt của lực lượng bảo vệ rừng trước dòng người ùn ùn vào ra rừng, khiến tin đồn càng rộ lên rằng lâm tặc đã “mua đường” với số tiền lên đến cả chục tỉ đồng để đưa gỗ ra khỏi rừng... Những gì liên quan đến vụ gỗ sưa ở Quảng Bình phải được làm rõ, nhưng việc cây sưa bị chặt đã lộ ra những khoảng trống luật pháp, mà lỗi là do những cơ quan chức năng đã không thực thi kịp thời và đầy đủ. Cây sưa mất đi, trách nhiệm thuộc về ai cũng đã rõ.

 MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên