Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, một số cơ sở lưu trú có tiềm lực lớn tại Phong Nha (Quảng Bình) đua nhau thực hiện cuộc đại hạ giá chưa từng có. Giá phòng nghỉ mỗi đêm ở những cơ sở này được đưa xuống đến mức chỉ vài chục ngàn đồng. Sông Son xinh đẹp của Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế. Ảnh: Quang Định Du khách tuy vui nhưng cũng có chút ngỡ ngàng và nghi ngại. Những người chủ cơ sở lưu trú nhỏ thì loay hoay tìm lối thoát. Những người nặng lòng với Phong Nha thì hoang mang tự hỏi: Phong Nha - một khu du lịch mang tầm cỡ quốc tế mà cũng có lúc “rẻ rúng” đến thế ư? 30.000 đồng một đêm Đến Phong Nha những ngày này sẽ dễ dàng nhận ra sự bùng nổ các cơ sở lưu trú. Chỉ trên hai trục đường chính của Phong Nha, hơn 100 cơ sở lưu trú đã mọc lên. Rất nhiều trong số đó còn rất mới. Nhưng không ai dám nghĩ rằng có lúc giá thuê phòng nghỉ qua đêm ở đây lại hạ giá đến mức chỉ còn hơn 1 USD/đêm! Anna là một du khách đến từ Ba Lan. Cô đến Phong Nha lần này theo kiểu du lịch “bụi” vì muốn khám phá hết di sản thiên nhiên thế giới theo cách của riêng mình. Như những khách du lịch khác, Anna vào ứng dụng “Booking” trên điện thoại để xem giá cả cũng như chất lượng dịch vụ của một số khách sạn ở đây. Booking là nơi mà các cơ sở lưu trú “rao” về giá cả và dịch vụ của mình trên mạng Internet. Cô “choáng váng” khi thấy mức giá phòng nghỉ thấp đến mức “không thể tin nổi”. Mức giá bình quân cho gần 100 cơ sở lưu trú ở Phong Nha chỉ khoảng 40.000-50.000 đồng cho mỗi đêm nghỉ. Ngay đến Easy Tiger, một cơ sở lưu trú lớn ở Phong Nha từng được nhiều người bạn của cô nhắc đến trước chuyến đi, cũng đưa ra mức giá 30.000 đồng/đêm. Tìm thêm một số cơ sở lưu trú khác ở đây, mức giá thậm chí còn “ưu đãi” hơn khi có nơi cũng 30.000 đồng cho mỗi người một đêm nhưng bao luôn ăn sáng. “Ngay cả khi được ở với mức giá thấp như thế tôi cũng không thể lấy làm quá vui. Là một điểm du lịch tầm cỡ quốc tế mà mức giá đó thì đúng là có gì đó không bình thường thật” - Anna nói. “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết oan” Những người làm du lịch lâu năm ở Phong Nha nói rằng không phải tự nhiên mà những cơ sở này phải thực hiện một cuộc “đại hạ giá” kinh hoàng như thế. Mới cách đây vài tháng, mức giá thuê phòng nghỉ ở khu vực này vẫn ở mức bình thường, khoảng 150.000-200.000 đồng/phòng/đêm. Những cơ sở có kinh doanh theo kiểu phòng dorm (loại phòng kê nhiều giường để cho thuê theo giường) như Easy Tiger cũng tính mức khoảng 170.000 đồng/giường/đêm. “Đã có một cuộc cạnh tranh dữ dội giữa những chủ cơ sở lưu trú lớn trong vùng. Hai bên đều tiềm lực mạnh nên thi nhau hạ giá để “hạ” đối thủ. Nhưng người chịu thiệt nhiều nhất là những cơ sở lưu trú nhỏ, vốn do những nông dân đúng nghĩa đầu tư” - ông N., một người lâu năm trong ngành du lịch, nói. Theo ông N., trong hơn 100 cơ sở lưu trú gồm cả khách sạn, nhà nghỉ, homstay tại Phong Nha, có khoảng chục cơ sở có tiềm lực mạnh. Còn lại là những cơ sở nhà nghỉ, homestay nhỏ lẻ. Những cơ sở này do những người dân bản địa mở ra. Hầu hết họ là những hộ nông dân “rũ bùn” nhảy qua làm du lịch vì sự phát triển của khu du lịch này vài năm qua. Cuộc “đại chiến” về giá của những cơ sở lưu trú lớn như những dòng nước lũ cuồn cuộn nhấn chìm luôn những cơ sở lưu trú nhỏ này. Anh T., 37 tuổi, chủ một nhà nghỉ tại Phong Nha, kể hai năm trước vợ chồng anh vay hơn 1 tỉ đồng đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú này để phục vụ khách du lịch đến Phong Nha. Trước đó anh vừa đi làm thuê cho một nhà hàng vừa phụ vợ làm ruộng ở nhà. Chỉ là một nhà nghỉ hạng nhỏ nên mức giá anh đưa ra là khoảng 150.000-200.000 đồng/phòng/đêm. Nhưng mới đây, khi các cơ sở lưu trú khác trong vùng hạ giá xuống mức từ 30.000-50.000 đồng/đêm, anh không đủ sức cầm cự nữa. “Mức thu đó không đủ bù cho các chi phí điện nước, thuê nhân công và trả lãi cho khoản vay ngân hàng” - anh nói. Anh H., chủ một homestay khác gần đó, chia sẻ mấy tháng qua anh cũng liên tục phải vay mượn để trả lãi cho ngân hàng. “Những cơ sở lớn có sẵn nội lực thì có thể vẫn sống được khi hạ giá đến mức đáy như thế. Còn những cơ sở dựng lên bằng tiền vay thì chắc chắn không trụ nổi” - anh H. chua chát. Đã có du khách nước ngoài băn khoăn khi thấy giá lưu trú ở Phong Nha rẻ đến mức không tưởng! Sao không tựa vào nhau? Ông Đặng Đông Hà, phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, cho biết ông cũng đã nắm qua sự việc này. Ông Hà xác nhận là đang có một cuộc cạnh tranh giá không lành mạnh của một số cơ sở lưu trú ở Phong Nha. “Đồng ý giá tốt thì được lợi cho người tiêu dùng, nhưng nếu việc hạ giá đó là cạnh tranh không lành mạnh thì nó ảnh hưởng xấu những cơ sở lưu trú khác và cũng ảnh hưởng xấu đến cả thương hiệu của du lịch Phong Nha” - ông Hà nói. Ông Vũ Quang Thắng, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Bình, cũng cho rằng đây là điều bất thường nhưng cơ quan ông không làm gì được để điều chỉnh, vì chỉ khi những cơ sở lưu trú này tăng vượt giá niêm yết thì mới có thể xử lý. Ông Nguyễn Văn Kỳ, chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Bình, cho biết hiện ở Phong Nha có đến hơn 100 cơ sở lưu trú các loại nhưng mới chỉ có 11 cơ sở gia nhập hiệp hội du lịch. Theo ông Kỳ, lỗ hổng lớn nhất ở đây là việc mạnh ai nấy làm, chưa có một cộng đồng chung để cùng chia sẻ, hợp tác và cùng thống nhất chung một mức giá. Chính điều này là cái gốc của câu chuyện. “Nếu các cơ sở lưu trú này “tựa lưng” vào nhau trong cùng một tập thể thì chắc chắn sẽ không còn tình trạng đua nhau hạ giá chỉ để hạ nhau như thế này nữa. Lịch sử đã chứng minh rồi, đoàn kết mới là sức mạnh” - ông Kỳ chia sẻ.■ Ông Nguyễn Châu Á: Bài học từ Chiang Mai (Thái Lan) Những ngày qua, chúng tôi qua Chiang Mai tham khảo mô hình cộng đồng homestay ở Chiang Mai mới thấy cách làm của họ rất bài bản. Nhiều homestay hay các mô hình kinh doanh họ đều tập hợp thành dạng câu lạc bộ hay nhóm, các nhóm tự đề ra các tiêu chí mà các thành viên cần tuân thủ như chất lượng, dịch vụ, giá cả. Nếu homestay giá tối thiểu là 500 bath thì không ai được giảm giá thấp hơn mức đó và phải bảo đảm chất lượng dịch vụ cung cấp nhằm bảo đảm đáng giá đồng tiền. Họ không quản mức giá trần, trên cơ sở đó ai làm marketing tốt, làm sale tốt sẽ có khách nhiều và làm ăn khấm khá. Việc tham gia hội nhóm nhằm bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của hội viên, họ được nhà nước hỗ trợ trong đào đạo, quảng bá và giải quyết các vướng mắc. Nhìn lại Phong Nha, đến nay mô hình homestay đã lên khoảng 300 cái, cộng với các hostel có lượng giường dorm (một phòng có nhiều giường và cho thuê theo giường) rất lớn của những “đại gia” hay còn gọi là “lord of Phong Nha”. Homestay gần như là do bà con nông dân địa phương lập nên từ việc hội nhập của phát triển du lịch, khá nhiều người vay ngân hàng để làm homestay. Ngày nay, các đại gia đang chơi trò 1 USD để giành lãnh địa hay triệt tiêu đối thủ, dẫn đến hệ quả là các homestay của những anh nông dân cũng phải bán giá lòng vòng 1 USD để hi vọng có khách. Các đại gia thì cho dù bán 1 USD nhưng bù lại có thể bán tour và nhận hoa hồng lớn, có thể đến 450.000 đồng cho tour 1 ngày, như vậy họ vẫn có thể có thêm thu nhập và duy trì cuộc chiến lâu dài. Tags: Du lịch giá rẻPhong NhaSơn ĐoòngNông dân làm du lịchHomestayDịch vụ lưu trúĐại hạ giá
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới, sắp xếp bộ máy là đòi hỏi rất cấp thiết THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết trong tình hình thực tiễn.
Viện kiểm sát: Không có căn cứ giảm án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan ĐAN THUẦN 25/11/2024 Ngày 25-11, phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB tiếp tục phần tranh luận. Các luật sư đề nghị không tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan, viện kiểm sát nói không có căn cứ giảm án.
Bộ Tài chính đề xuất sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân LÊ THANH 25/11/2024 Hôm nay 25-11, Bộ Tài chính chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.