29/07/2018 07:15 GMT+7

Bắt tay xây dựng đô thị sáng tạo TP.HCM

D.NGỌC HÀ - MAI HOA
D.NGỌC HÀ - MAI HOA

TTO - Làm đô thị sáng tạo trên quy mô bao nhiêu là phù hợp cho TP.HCM? Vốn đâu ra, nguồn nhân lực như thế nào, kết nối các khu vực khác ra sao?… Đó là các vấn đề mà hội thảo quốc tế về Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo TP.HCM đi tìm câu trả lời.

Bắt tay xây dựng đô thị sáng tạo TP.HCM - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện bên lề cùng đại biểu tham dự hội thảo quốc tế Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo TP.HCM, ngày 28-7 - Ảnh: TỰ TRUNG

Nếu bỏ nhiều công sức trong giai đoạn quy hoạch, xây dựng chiến lược thì khi thực hiện dễ dàng hơn. Vì vậy các vị hãy giúp chúng tôi thực hiện tốt việc này.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân

Hội thảo diễn ra cả ngày 28-7 với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cùng đại diện một số TP trên thế giới.

Bắt tay làm ngay

"Chúng ta đã nghe nhiều rồi, giờ tới lúc bắt tay vào làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm chứ không thể thảo luận mãi" - ông Phạm Chánh Trực, nguyên trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP, nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy, mở đầu phần thảo luận của nhóm mình như vậy. 

Theo góp ý của ông, TP cần có bước đi chứ không thể một lúc triển khai ở 3 quận, bởi làm như vậy thì cần đầu tư rất lớn để quy hoạch, để đầu tư từng thành phần cho nó. 

Theo ông Trực, cần phải bắt đầu bằng một điểm và coi đó là hạt nhân của đô thị sáng tạo. "Hạt nhân đó nên là Khu công nghệ cao và Đại học Quốc gia làm nòng cốt. Hiện nay hai hạt nhân này có tổng diện tích khoảng 1.500ha" - ông Phạm Chánh Trực gợi ý.

Về vốn để thực hiện, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản, cho rằng TP nên chú trọng hơn đến vai trò của khu vực tư nhân. Theo ông Châu, với trách nhiệm của đồng tiền mình bỏ ra, khu vực tư nhân sẽ là người giải quyết bài toán về vốn.

Ông Phạm Thái Sơn, Đại học Việt Đức, đồng tình với nhóm thảo luận của ông Phạm Chánh Trực khi cho rằng nếu chọn cả 3 quận để làm cùng lúc, dàn trải quá sẽ là thách thức rất lớn bởi nguồn lực của TP không đủ sức phát triển dàn trải như vậy.

Ngoài ra, ông Sơn cũng góp ý những thay đổi về mặt "vô hình" để đẩy mạnh sự sáng tạo. Đó là yếu tố văn hóa, cần phải mở hơn nữa để tiếp nhận các yếu tố sáng tạo. 

Hai là yếu tố chia sẻ, vì cộng đồng start-up rất cần được chia sẻ thông tin. Ba là các cộng đồng sáng tạo ngoài việc cần được bảo trợ về tài chính, thủ tục... cũng cần minh bạch để họ biết cần làm gì cho phù hợp. Bốn là các chính sách thuế, rõ ràng và mang tính hỗ trợ.

Trên hết phải là chính quyền sáng tạo

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đề xuất bổ sung bán đảo Bình Quới - Thanh Đa vào ranh giới đô thị sáng tạo. Từ Thanh Đa, TP nên xây dựng thí điểm một khu đô thị sáng tạo và sau đó sẽ nhân rộng, phát triển đến các khu vực khác.

Kết lại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến ghi nhận ý kiến của các đại biểu: TP cần xây dựng khu đô thị sáng tạo. Theo ông, sáng tạo là truyền thống, là tiềm năng lớn của TP. Muốn sáng tạo phải xây dựng được trái tim sáng tạo giữa lòng TP, thúc đẩy sự sáng tạo ở những khu vực khác. 

"Xây dựng khu đô thị sáng tạo thực ra là TP xây dựng đô thị hấp dẫn nhất cho sự sáng tạo, cho tất cả các thành phần từ người dân, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học", ông Tuyến nhấn mạnh.

Ông Tuyến cho rằng khu đô thị sáng tạo sẽ là nơi TP thí điểm những vấn đề còn hạn chế mà TP chưa làm được. Chẳng hạn như quy hoạch không gian ngầm cần nhiều thời gian, thí nghiệm ở khu đô thị sáng tạo sẽ giúp TP có kinh nghiệm để triển khai tổng thể. 

Ông Tuyến đồng tình với ý kiến các đại biểu cho rằng xây dựng đô thị sáng tạo với nhân lực, công cụ sáng tạo và trên hết là chính quyền sáng tạo.

Tại hội thảo, một số đại biểu cũng góp ý về quy mô của khu đô thị sáng tạo mà TP dự kiến thực hiện quá lớn so với mô hình thường thấy trên thế giới. 

Ông Tuyến khẳng định quan điểm của TP là phải nhỏ gọn, ít tốn quỹ đất nhưng phải tạo giá trị cao. 

TP sẽ tiếp tục lắng nghe bằng những hội thảo nhỏ hơn, cụ thể hơn, theo chuyên đề cụ thể như xây dựng hạ tầng, nguồn nhân lực, hoặc về xây dựng chính quyền kiến tạo, sản phẩm của khu đô thị sáng tạo.

Ông Tuyến cũng cho biết TP sẽ khẩn trương đề xuất hình thành một đơn vị như ban quản lý để nghiên cứu quy hoạch và thực hiện những nhiệm vụ mà TP giao trong quá trình hình thành khu đô thị sáng tạo.

Làm quy hoạch kỹ, thực hiện sẽ thuận tiện

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nêu những điểm nổi bật cũng như hạn chế của TP. Ông cho biết để giải quyết những khó khăn hạn chế này, TP đã xác định 7 chương trình đột phá.

Tuy nhiên sau một thời gian triển khai, TP nhận thấy là chưa đủ và đưa ra thêm một giải pháp vào năm 2017 là xây dựng đô thị thông minh. Mục tiêu của đề án này là tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, tạo môi trường sống tốt đẹp hơn và người dân được tham gia hoạt động của chính quyền.

Sau khi thực hiện đề án này trong 1 năm, TP lại thấy cần điều chỉnh và có thêm mục tiêu mới cho 5 năm tiếp theo. Đó là việc xây dựng khu đô thị sáng tạo.

Khi triển khai đô thị thành phố thông minh cần có hạt nhân bên trong TP và hạt nhân đó là điểm khởi đầu cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 ở TP.HCM.

"Trong năm 2018, TP mong muốn sẽ tổ chức cuộc thi để lựa chọn các hãng tư vấn quốc tế hỗ trợ TP xây dựng tầm nhìn và các bước triển khai cụ thể, sau đó sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể cho đô thị. Nếu bỏ nhiều công sức trong giai đoạn quy hoạch, xây dựng chiến lược thì khi thực hiện dễ dàng hơn. Vì vậy các vị hãy giúp chúng tôi thực hiện tốt việc này" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Việt Nam tăng bậc chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu

TTO - Việt Nam được xếp vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Thứ hạng này đã cải thiện tăng 2 bậc so với năm 2017, tăng 14 bậc so với năm 2016.

D.NGỌC HÀ - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên