Theo ông Nên, dù là công trình phụ nhưng NVSCC là nhu cầu bức thiết trong đời sống hằng ngày mà TP cần đặc biệt quan tâm. Nhà vệ sinh còn là biểu hiện cho lối sống, văn hóa của người dân TP.HCM khi du khách nhìn vào.
Hàng quán chia sẻ 100 NVSCC
Báo cáo với ông Nên, Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cho biết quận có 18 khu nhà vệ sinh đang hoạt động tại 13 điểm công cộng gồm bốn chợ, bảy công viên, một trạm xe buýt và một khu dân cư.
Để giải quyết ngay nhu cầu nhà vệ sinh, quận đã vận động được 100 vị trí từ các cơ sở kinh doanh, có gắn biển báo để người dân và du khách sử dụng nhà vệ sinh miễn phí.
Quận cũng kiến nghị TP chấp thuận chủ trương xây dựng mới NVSCC tạm thời tại năm vị trí (gồm bốn vị trí ở phường Bến Nghé và một vị trí tại phường Bến Thành) với nguồn kinh phí từ ngân sách TP.
Phó chủ tịch UBND quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh cho rằng việc chọn vị trí xây NVSCC cũng gặp không ít khó khăn.
Thêm vào đó, theo tính toán, kinh phí để xây dựng một điểm nhà vệ sinh khoảng 550 triệu đồng, chi phí vận hành tối thiểu (trả lương người quản lý nhà vệ sinh, điện, nước...) mỗi điểm tối thiểu 36 triệu đồng/tháng. Với năm địa điểm cần hơn 2,5 tỉ đồng.
Góp ý tại buổi làm việc, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho rằng với đặc điểm quy hoạch, xây dựng đô thị của quận 1, cần thực hiện ngay các NVSCC di động.
"Hiện có các chủ đầu tư có chuyên môn, có sẵn thiết kế mẫu nhà vệ sinh... Họ sẽ tham gia nếu chúng ta có cơ chế xã hội hóa phù hợp. Đồng thời, việc vận hành các nhà vệ sinh này như thế nào cũng rất quan trọng, cần tính toán", ông Thắng nêu.
Giải quyết căn cơ NVSCC
Chỉ đạo về việc bố trí nhà vệ sinh, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị quận 1 phải tính toán chính xác về đối tượng phục vụ để đáp ứng đúng. Tiếp đó là việc chọn vị trí hợp lý.
Thống nhất định hướng tổ chức nhà vệ sinh theo ba cách, đó là Nhà nước đầu tư xây dựng, từ nguồn xã hội hóa và kết hợp vận động các hộ kinh doanh, gia đình trên địa bàn chia sẻ nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh.
Trước mắt, chia ra từng giai đoạn để có chỉ tiêu phấn đấu. Bên cạnh vận động các cơ sở kinh doanh, gia đình thì quận 1 cần rà soát toàn bộ hệ thống NVSCC để tu sửa, đưa vào hoạt động những nơi đã có nhưng lâu nay không còn hoạt động. Nhanh chóng lắp đặt nhà vệ sinh lưu động trên từng vị trí cần thiết.
"Xây nhà vệ sinh không được cơ học, phải phù hợp thực tiễn, phải làm thật và tạo ra giá trị thật. Đến 30-4 phải có chuyển biến căn bản. Quận cũng cần vận động hệ thống trường học, bệnh viện, chợ, công sở, công viên, phường, khu phố... để chia sẻ nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh.
Cần tiếp tục rà soát đồng bộ quy hoạch, xây dựng, môi trường, giao thông, văn hóa... để xây dựng quy định, quy chế liên quan như cấp phép xây dựng nhà vệ sinh.
Quận 1 cần triển khai với tinh thần đã và đang làm, quyết liệt, cụ thể hơn và hiệu quả hơn. Từ mô hình quận 1 sẽ rút kinh nghiệm để nhân ra các quận khác...", ông Nên đề nghị.
Cần văn hóa chia sẻ và sử dụng NVSCC
Qua vận động, 10 phường ở quận 1 đã vận động 100 cơ sở kinh doanh (mỗi phường 10 điểm) chia sẻ nhu cầu sử dụng nhà NVSCC cho người dân miễn phí.
Tuy nhiên quá trình vận động cũng khiến không ít chủ hàng quán chia sẻ lo ngại tình trạng nhiều người sử dụng nhà vệ sinh chưa văn minh, chưa đảm bảo được vấn đề vệ sinh, môi trường, điều này có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động hàng quán.
Chị Bảo Ngọc (quản lý chi nhánh Chuk Tea & Coffee, đường Lê Lợi) chia sẻ cửa hàng sẽ kết hợp, tạo mọi điều kiện cùng với TP tạo nơi đi vệ sinh cho người dân và khách du lịch. Nhân viên của cửa hàng thường xuyên lau dọn để nhà vệ sinh luôn trong tình trạng sạch sẽ.
Tuy nhiên, cửa hàng cũng hy vọng mọi người khi sử dụng sẽ có ý thức giữ gìn đảm bảo vệ sinh chung.
Gắn thương hiệu với nhà vệ sinh công cộng
Những năm đầu của thế kỷ 21, khi Việt Nam chứng kiến sự phát triển vượt bậc về kinh tế, chúng ta nằm giữa những cường quốc láng giềng nổi trội về sự văn minh nơi đô thị - một điều họ cho là cơ bản.
Khi đó, chúng ta còn thiếu thốn nhiều, nhưng khó vẫn có cách làm và với tư cách là người sáng lập Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), tôi đã quyết đưa thương hiệu của một trong những ngân hàng cổ phần top đầu lúc bấy giờ xuất hiện tại các... nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn 5 sao.
Đã có gần 15 nhà vệ sinh công cộng có đầy đủ cây xanh, đèn trang trí, nhạc, dép cho đến thiết bị hạng sang, được mọc lên tại các vị trí đắc địa của TP.HCM như công viên 23-9, công viên Tao Đàn, bến xe Đầm Sen..., tiếp đến là các thành phố Đà Lạt, Vũng Tàu, Vĩnh Long, Cao Lãnh và Phú Quốc, với mức kinh phí lên tới 1 tỉ đồng/địa điểm.
Có thể ai đó sẽ xem đây là cách làm "vô bổ"?! Nhưng so với việc đi thuê một pa nô quảng cáo tại các khu vực "hot", doanh nghiệp phải bỏ ra 2-4 tỉ đồng/năm (tùy vị trí), thì việc đầu tư khoảng 1 tỉ đồng cho mỗi nhà vệ sinh để phục vụ cộng đồng lên tới
10-15 năm, kèm theo quảng cáo thương hiệu, xem ra là lợi ích kép mà chúng ta hay gọi là "win-win" là kết quả hiển nhiên. Cách làm này giúp giải bài toán về chi phí được tối ưu hóa, còn nhu cầu của các đô thị cũng được đáp ứng.
Quan trọng nhất là lợi ích của xã hội được nâng cao, song hành hài hòa cùng lợi ích của doanh nghiệp. Đó là cách xã hội hóa để đô thị có được hệ thống nhà vệ sinh công cộng có chi phí hợp lý và duy trì được chất lượng phục vụ.
Khi điều hành Tập đoàn TTC, ý tưởng này tiếp tục được thực hiện với quy tắc "xanh - sạch - khoa học" và được đưa vào quản lý cảnh quan như là kim chỉ nam bắt buộc tại hầu hết các đơn vị trực thuộc.
Bởi "việc giữ khách của khách chính là giữ khách của mình". Không chỉ vậy, sử dụng nhà vệ sinh còn có ý nghĩa giáo dục mang tính thế hệ, đưa vào trong tiềm thức những công dân tương lai về ý thức văn minh, nên hàng loạt nhà vệ sinh tại các trường học trong hệ thống của TTC liên tục được cải tạo.
Các khu công nghiệp/cụm công nghiệp thuộc TTC cũng được nâng cấp và hoạt động miễn phí đến gần 10.000 công nhân qua lại mỗi ngày.
Chúng ta ngưỡng mộ sự sạch sẽ ở các quốc gia phát triển, nhưng để làm được như họ còn phải chuyển ý thức thành hành động.
Trong khi các chỉ số tăng trưởng kinh tế là thước đo thịnh vượng của xã hội thì các tiện ích cho cộng đồng, trong đó có hình ảnh các nhà vệ sinh công cộng sạch đẹp, lại là thước đo của mức độ văn minh - điều mà quốc gia nào cũng mong muốn có được.
Nhiều mô hình xã hội hóa để có được tiện ích cho cộng đồng, trong đó có nhà vệ sinh công cộng đã được hình thành trên thực tế nên mạnh dạn áp dụng để một ngày nào đó, TP.HCM cũng có được hình ảnh đẹp, thậm chí đáng ngưỡng mộ trong mắt người dân và du khách nước ngoài.
ĐẶNG VĂN THÀNH (chủ tịch Tập đoàn TTC)
Mỹ cấm thu phí, Anh phải trả tiền
Thu phí nhà vệ sinh công cộng hay không vẫn là cuộc tranh luận ở những quốc gia tiên tiến nhất.
Tại Mỹ - nơi có hẳn luật cấm thu phí đi vệ sinh - đã bùng lên cuộc tranh cãi về việc bãi bỏ luật này.
Theo Hãng tin Bloomberg, lệnh cấm thu phí đi vệ sinh là một chiến thắng trước bất bình đẳng giới. Năm 1973, Ủy ban chấm dứt nhà vệ sinh trả tiền ở Mỹ (CEPTIA) đã giành chiến thắng ở thành phố Chicago với một lệnh cấm thu phí. Sau đó, 11 tiểu bang của Mỹ bao gồm cả California, Florida và New York đã ban hành sắc lệnh tương tự.
Tuy nhiên, sau nhiều thập niên, tầm nhìn của CEPTIA về nhà vệ sinh miễn phí cho tất cả mọi người đã không bao giờ thành hiện thực. Các thành phố liên tục từ chối xây dựng nhà vệ sinh công cộng và các cơ sở hiện có đã rơi vào tình trạng hư hỏng.
Tại Anh và một số nước châu Âu, người dân và du khách phải trả một khoản phí để đi vệ sinh. Song ngay cả "khoản chi" nhỏ này cũng gây tranh cãi bởi có những người có nhu cầu nhiều hơn là một lần, ví dụ như bà bầu hay những người có bệnh.
Theo báo Guardian (Anh), sự xuống cấp của nhà vệ sinh công cộng chỉ là một phần khó khăn của khu vực cơ sở vật chất công cộng.
Theo luật của Anh, nhà vệ sinh không phải là dịch vụ theo luật định, tức các cơ quan địa phương không có nghĩa vụ pháp lý phải cung cấp chúng. Hiệp hội Nhà vệ sinh Anh cho biết có tới một nửa số nhà vệ sinh công cộng có thể đã bị đóng cửa trong thập niên qua.
VŨ NGUYÊN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận