12/11/2019 08:06 GMT+7

'Bắt tay' đào tạo, tự đào tạo để giải bài toán thiếu nhân lực

M.GIẢNG - K.NAM
M.GIẢNG - K.NAM

TTO - Câu chuyện ngành du lịch Phú Quốc nói riêng, cả nước nói chung đang thiếu nhân lực, nhiều chuyên gia cho rằng cần có sự chung tay, phối hợp giữa đào tạo trong nhà trường và tại doanh nghiệp.

Bắt tay đào tạo, tự đào tạo để giải bài toán thiếu nhân lực - Ảnh 1.

Đào tạo nhân viên phục vụ bàn ở Trường cao đẳng Kiên Giang - Ảnh: K.NAM

Trong đó, việc các doanh nghiệp tự đào tạo nghề hiện được một số đơn vị lựa chọn như cách giải quyết tốt nhất.

Chuyện cũ: vừa thiếu vừa yếu

Đánh giá về nhu cầu nhân lực ngành du lịch - khách sạn - nhà hàng, ông Nguyễn Thành Tâm - giám đốc Trung tâm du lịch nhà hàng khách sạn Trường CĐ quốc tế Kent - cho biết từ nay đến năm 2020, ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn tại Việt Nam vẫn đang cần thêm khoảng 2 triệu nhân lực mới. Tuy nhiên, số người học tốt nghiệp từ các trường ĐH, CĐ mới chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu.

Chưa kể, theo ông Tâm, nhiều nước trên thế giới cũng đã và đang thiếu nguồn nhân lực này và họ đã bắt đầu tuyển dụng nhân lực tại Việt Nam, khiến nhân lực trong nước càng thiếu hụt hơn nữa.

"Chuyện về chất lượng nhân lực cũng đã nói nhiều: nhiều cơ sở đào tạo chạy theo chỉ tiêu, chưa đánh giá đúng về mặt chất lượng; chậm cập nhật chương trình, thiếu gắn kết với doanh nghiệp để nắm bắt được các yêu cầu cần thiết của các doanh nghiệp" - ông Tâm nói thêm.

Những "người thầy" từ thực tế

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng nhu cầu, các cơ sở dạy nghề cần thay đổi tư duy người dạy và cần nhiều người có kinh nghiệm thực tế làm việc, ít nhất cũng phải là trưởng, phó bộ phận tại các doanh nghiệp. 

Đây là những "người thầy" từ thực tế, hiểu rõ hơn cần đào tạo gì cho học viên, có thể định hướng, nói rõ những thực tế khó khăn khi làm việc để các bạn sinh viên có bước chuẩn bị và cố gắng trau dồi.

Đưa ví dụ từ việc trực thuộc Tổng công ty Vietravel, ông Tâm cho biết sinh viên Trường CĐ quốc tế Kent có rất nhiều lợi thế để tiếp cận thực tế ngành nghề. Giảng viên ở trường là những chuyên gia thâm niên công tác tại đơn vị du lịch nhà hàng khách sạn 3-5 sao, từ đó sinh viên luôn học được những kỹ năng tốt nhất, giảng viên có được sự truyền đạt sát với môi trường làm việc. 

Ngoài ra, tất cả sinh viên cũng được trau dồi nghiệp vụ tại các đơn vị doanh nghiệp trong thời gian thực tập để tránh việc phải đào tạo lại.

"Tự cứu mình"

Tương tự, do không thể tìm được nguồn nhân sự đào tạo sẵn, một trong những resort xây dựng sớm nhất đạt chuẩn 4 sao trên đảo Phú Quốc đã nghĩ ra cách tự đào tạo cho đội ngũ nhân viên của mình. 

Ông Phạm Xuân Hải, phó giám đốc điều hành Sài Gòn - Phú Quốc resort & spa, cho biết liên tục từ năm 2014 đến nay, nơi này đều tiến hành đào tạo nghiệp vụ buồng, phòng, lễ tân, bếp, nhà hàng... cho hàng trăm nhân viên.

Thời gian đầu mới tự đào tạo cho nhân viên, mỗi năm resort Sài Gòn - Phú Quốc bị mất khoảng 20-30% số lao động do lao động "nhảy việc" sang các resort, khách sạn mới mở.

Có một thực tế lâu nay khiến nhiều doanh nghiệp du lịch gặp khó là khi tuyển dụng nhân sự, dù đã qua trường lớp đào tạo hẳn hoi, cũng không thể sử dụng ngay được, mà phải đào tạo lại. 

Lấy ví dụ, phòng nghỉ trong các resort 4, 5 sao thường rất tiện nghi, hiện đại. Trong khi đó, rất ít trường đào tạo du lịch đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất như trong thực tế. Đôi khi, việc sử dụng máy móc, thiết bị khi "làm phòng" cũng là cả một câu chuyện.

Tiếp theo nữa là ngoại ngữ. Sinh viên ngành du lịch tốt nghiệp ra trường thường có trình độ ngoại ngữ thể hiện trên bằng cấp rất hoành tráng, nhưng khi gặp khách nước ngoài lại không giao tiếp được. Lý do là ở trường chủ yếu học ngữ pháp, rất ít học kỹ năng đàm thoại.

Từ những nguyên nhân nói trên mà các doanh nghiệp du lịch đã phải tự cứu mình bằng cách tuyển dụng rồi tự đào tạo, hoặc đặt hàng các trường đào tạo nghề cho lao động theo yêu cầu.

Kết hợp với nhà tuyển dụng: không thể khác

Nằm trên địa bàn luôn nóng về nhu cầu nhân lực du lịch, ông Phan Hoàng Giẻo - phó trưởng phòng đào tạo ĐH và sau ĐH Trường ĐH Kiên Giang - cho biết nhà trường luôn quan tâm đến sự đóng góp của các bên liên quan để thực hiện rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Trường cũng tăng cường kết nối với các công ty, tập đoàn lớn để đưa sinh viên đến trải nghiệm, thực tập nhằm giúp các em sớm tiếp cận với thực tế và tìm kiếm cơ hội việc làm khi ra trường. Trong thời gian tới, nhà trường dự kiến mở thêm các ngành thuộc văn hóa, du lịch, tài chính... để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực tại Phú Quốc nói riêng và Kiên Giang, cũng như các tỉnh ĐBSCL nói chung.

Phú Quốc thiếu gay gắt nhân lực du lịch Phú Quốc thiếu gay gắt nhân lực du lịch

TTO - Tốc độ tăng trưởng du lịch của Phú Quốc quá "nóng", khiến nhân lực phục vụ cho ngành này đang thiếu trầm trọng.

M.GIẢNG - K.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên