Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đọc lệnh bắt tạm giam bị can Phạm Văn Điệp (áo sọc) ngày 29-6 - Ảnh Công an Thanh Hóa cung cấp
Cùng ngày, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khám xét khẩn cấp nơi ở của ông Phạm Văn Điệp ở phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn, thu giữ 1 máy vi tính và nhiều tài liệu khác có liên quan để phục vụ công tác điều tra.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa: thời gian qua, ông Điệp thường xuyên có hành vi viết, chia sẻ, đăng tải, phát tán các bài viết, hình ảnh, tài liệu và phát trực tiếp các video clip có nội dung xấu nhằm xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kêu gọi đa nguyên đa đảng, bôi nhọ, nói xấu lãnh tụ, xúc phạm danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước; bịa đặt, phỉ báng chính quyền các cấp, kích động nhân dân biểu tình, chống đối, gây rối an ninh trật tự.
Theo điều tra của Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa, Phạm Văn Điệp là đối tượng cơ hội chính trị, từng đi du học tự túc tại Liên bang Nga, sau đó bỏ học và tham gia vào tổ chức "Đảng Dân chủ 21".
Từ năm 2010 đến nay, ông Điệp thường xuyên sử dụng mạng xã hội facebook để tuyên truyền chống phá Nhà nước. Trong đó, Điệp đã nhiều lần về nước trực tiếp tham gia cổ xúy, kích động nhân dân biểu tình trong các sự kiện như: Nhà máy Formosa (Hà Tĩnh) xả thải ra biển miền Trung (năm 2016); biểu tình phản đối Quốc hội thông qua Luật đặc khu kinh tế và Luật An ninh mạng (năm 2018).
Bị can Phạm Văn Điệp (áo sọc) vừa bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi chống phá Nhà nước - Ảnh Công an Thanh Hóa cung cấp
Tháng 6-2016, Phạm Văn Điệp bị chính quyền Nhà nước CHDCND Lào bắt giữ về hành vi làm, rải truyền đơn chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam tại tượng đài chiến thắng ở thủ đô Viêng Chăn (Lào) và bị kết án 21 tháng tù giam về tội "sử dụng lãnh thổ nước CHDCND Lào chống lại nước láng giềng".
Sau khi ra tù, Điệp được trao trả về Việt Nam, tiếp tục sử dụng trang facebook cá nhân mang tên "Phạm Văn Điệp" để đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video clip có nội dung xấu, chống phá Đảng, Nhà nước và bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Từ tháng 3-2019 đến khi bị bắt, Phạm Văn Điệp liên tục đăng tải các bài viết và live stream các clip kích động nhân dân biểu tình phản đối dự án xây dựng quảng trường biển Sầm Sơn, gây phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn.
Công an tỉnh Thanh Hóa đang điều tra, làm rõ vụ án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận