TTCT - Mang quân mai phục để “bắt quả tang”, lật mặt các nhà sản xuất cố tình vi phạm về bảo vệ môi trường là cần thiết. Song liệu có thể cứ “bắt quả tang” rầm rộ như vậy hay còn có những phương cách tốt hơn để kiểm soát thường xuyên chất lượng xả thải, ngăn chặn từ xa các hành vi cố tình gây ô nhiễm? Lần “bắt quả tang” gần nhất là ở nhà máy xử lý nước thải tập trung của Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi Long Thành (Đồng Nai) - một vụ việc đình đám mà nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác cuối cùng cho mức độ vi phạm. “Bắt quả tang”, rồi sao nữa? Việc xả thải này được mô tả như là một hành vi lén lút của Sonadezi. Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Phan Hữu Vinh phát biểu như sau: Sonadezi xử lý nước thải không đạt đã sai phạm rất rõ. Lực lượng trinh sát “theo dõi nhiều tháng qua mới bắt quả tang” Sonadezi đã đặt ống xả thải dưới lòng đất nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ông Phạm Anh Tuấn - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành - khẳng định: “Chúng tôi không hề xả ngầm, xả lén nước thải. Vấn đề là vừa qua hệ thống xử lý nước thải của công ty có sự cố và chúng tôi không phủ nhận nước thải có những chỉ tiêu vượt ngưỡng quy định, nhưng vượt bao nhiêu còn phải chờ kết luận cuối cùng của C49”. Cái lý của ông Tuấn dựa trên chính việc C49 chưa công bố kết quả trưng cầu giám định mẫu nước thải xả ra môi trường được thu thập ngay sau khi “bắt quả tang”..., trong khi đây là căn cứ duy nhất và đầy đủ tính pháp lý để có thể nói có sai phạm hay không, mức độ sai phạm đến đâu. Cho đến nay, vụ việc vẫn “diễn biến im lặng”. Còn nhớ trong vụ gây ô nhiễm của Vedan đối với sông Thị Vải trong suốt 14 năm, chỉ khi cơ quan chức năng “kiểm tra thì phát hiện” công ty chưa lắp hệ thống đo lưu lượng và kiểm soát các chất gây ô nhiễm một cách tự động, liên tục, dù trước đó hai năm Bộ Tài nguyên - môi trường đã yêu cầu công ty phải thực hiện việc này. Vụ Tung Kuang (Hải Dương) - với mức độ nghiêm trọng như một Vedan thứ 2 - cũng có cách thức tương tự, khi cục phó Lương Minh Thảo cho biết “trước khi ập vào bắt quả tang, suốt ba tháng qua cán bộ của Cục Cảnh sát môi trường - C36 (nay là Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường) đã trinh sát khu vực này” (1). Trước đó, cơ quan chức năng “từng kiểm tra nhà máy mà không phát hiện vi phạm gì”. Các vụ việc dẫu diễn ra dưới vô số mánh khóe vi phạm khác nhau song đều gặp nhau ở một điểm: sự nghiêm minh trong thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đã không được tôn trọng, việc kiểm tra, giám sát thường xuyên đã không được tuân thủ và công cụ cần thiết để đi đến kết luận chính xác về hành vi vi phạm là không đầy đủ. Giải pháp minh bạch Một trong những nguyên tắc bảo vệ môi trường hàng đầu (được quy định trong Luật môi trường) là “hoạt động bảo vệ môi trường phải thường xuyên, lấy phòng ngừa là chính”. Không có một lực lượng “người trần mắt thịt” nào, dù cực kỳ đông đảo có thể đảm đương trọn vẹn yêu cầu này. Chưa kể những yếu tố tiêu cực sinh ra từ con người khi thực thi công vụ, hay những kiểu đối phó đoàn kiểm tra. Khi lực lượng cảnh sát môi trường được thành lập, đại tá Nguyễn Sĩ, phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, giải thích sự khác nhau giữa lực lượng này và thanh tra môi trường như sau: “Công việc của chúng tôi chủ yếu là phát hiện bằng biện pháp trinh sát, xác minh bằng kỹ thuật”. (2) Sau những vụ lùm xùm về xả thải ra môi trường xảy ra ở các “ông lớn” như Vedan, Sonadezi Long Thành, dệt Thái Tuấn..., người ta nói nhiều đến những giải pháp canh giữ các “ông lớn” có lượng nước thải hay khí thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm cao. Nhưng ngay sau Sonadezi, những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ trên địa bàn quận 9 (TP.HCM) bị phát hiện mới đây đều có hệ thống xử lý nước thải nhưng “không hoạt động”. Dù là “kiểm tra”, “canh giữ” hay “bắt quả tang”, mọi mục tiêu kiểm soát sản xuất không gây ô nhiễm môi trường chỉ có thể đáp ứng đầy đủ bằng việc bắt buộc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ hiện đại mà hệ thống kiểm soát ô nhiễm tự động tại các cửa xả nước thải, khói thải... là một ví dụ. Bốn năm trước tại TP.HCM, một đề tài nghiên cứu về vấn đề này đã được nghiệm thu đạt kết quả cao, song đến nay vẫn chưa được triển khai thực tế. Hệ thống quan trắc tự động - thành quả của đề tài này - có thể vận hành hoàn toàn tự động, đặt tại đầu vào và đầu ra của các khu xử lý nước thải, truyền nhận dữ liệu từ trạm quan trắc về trung tâm trên nền hạ tầng mạng viễn thông hoặc Internet 24/24 giờ, cung ứng những số liệu không bao giờ nói dối về những gì thực chất đang diễn ra ở những cửa xả thải hoặc các ống khói, như một dạng sổ nhật ký ghi lại nồng độ ô nhiễm ở mọi thời điểm. Cuối tháng 7 vừa qua, Bình Dương đã đi trước cả nước trong việc triển khai hệ thống quan trắc tự động và camera theo dõi để giám sát các nguồn thải lớn, nhằm “đối phó tình trạng xả lén nước thải chưa qua xử lý gây nhức nhối vừa qua” như lãnh đạo tỉnh giải thích (3). Ông Bùi Cách Tuyến, thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, đã cho rằng hệ thống này là “một bước tiến lớn” trong công tác quan trắc và giám sát nguồn thải tại Bình Dương. Bình Dương cũng cho biết sẽ triển khai lắp đặt thêm 50 điểm lấy mẫu quan trắc tự động tại 50 doanh nghiệp có lượng xả nước thải lớn để kiểm soát được khoảng 60% nguồn nước thải và việc đó “không có gì phức tạp”. Tháng 8 vừa qua, Đồng Nai cũng đã bắt đầu đưa hệ thống quan trắc này vào hoạt động tại ba nhà máy có xả thải lớn. Vì không ai chịu bỏ tiền đầu tư UBND TP.HCM cho hay sẽ “không dùng vốn ngân sách để đầu tư hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX)”. Trước đó, UBND TP đã giao Sở Tài nguyên - môi trường TP hướng dẫn, kiểm tra và yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN-KCX tự cân đối nguồn vốn để đầu tư các thiết bị quan trắc và truyền số liệu theo đúng tiến độ chung, đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống thiết bị thu nhận dữ liệu của hệ thống... Trong khi đó, theo Sở Tài nguyên - môi trường TP, các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN-KCX tuy thừa nhận trang bị hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải là cần thiết song vẫn đề nghị UBND TP hỗ trợ đầu tư toàn bộ hệ thống này để “đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ”. Sở đồng ý với đề xuất này và kiến nghị UBND TP xem xét với tổng kinh phí dự kiến gần 16 tỉ đồng. Cũng theo Sở Tài nguyên - môi trường TP, tất cả các KCN-KCX đều chưa trang bị hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải tại các cửa xả. __________ (1) vnexpress.net/gl/xa-hoi/2010/04/3ba1ad46/(2) VNEconomy 7-3-2007(3) TTXVN 7-8-2011 Tags: Ô nhiễmMôi trườngVi phạmChất lượng xả thải
Truyện ngắn: Trích đoạn Chiến tranh (J. M. G. Le Clézio) J. M. G. Le Clézio (trích) 15/11/2024 2561 từ
Bão Man-yi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 9 CHÍ TUỆ 17/11/2024 Tối 17-11, sau khi đổ bộ vào đảo Luzon (Philippines), siêu bão Man-yi đã suy yếu xuống cấp 13 (134-149km/h), giật cấp 16 và đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 9 trong năm nay.
Trấn Thành đừng vô duyên nữa: 'Đùa thì về nhà, đây là sóng truyền hình' TIẾU TÙNG 17/11/2024 Nhiều khán giả cho rằng không phải là người nổi tiếng thì thích nói gì thì nói, ngay sau bài viết ‘Trấn Thành đừng vô duyên nữa được không’ đăng tải trên Tuổi Trẻ Online ngày 17-11.
Vinasun lãi chủ yếu từ bán xe cũ và quảng cáo, cổ đông ngoại muốn thoái sạch vốn BÌNH KHÁNH 17/11/2024 Quỹ đầu tư TAEL Two Partners muốn bán hơn 6,4 triệu cổ phiếu VNS của Vinasun. Nếu thành công, quỹ ngoại này sẽ 'cắt lỗ' thành công khi hạ tỉ lệ sở hữu về 0%.
Mất cả cha mẹ, đi làm công nhân 3 năm kiếm sống, vẫn đậu ĐH Kinh tế TP.HCM, được tiếp sức đến trường CÔNG TRIỆU 17/11/2024 Những tân sinh viên mồ côi cha mẹ hay cha mẹ đều mù, họ nghèo đến mức phải nghỉ học kiếm tiền, nhưng đã ‘vùng lên’ để bước vào giảng đường. Hôm nay họ được báo Tuổi Trẻ và các nhà hảo tâm tiếp sức đến trường.