06/09/2022 09:27 GMT+7

Bất ổn gia tăng ở châu Âu do khí đốt

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Ngày 2-9, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo đóng vô thời hạn đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) dẫn khí đốt đến Đức và cũng là tuyến cung cấp khí đốt then chốt cho châu Âu vì phát hiện rò rỉ dầu trên đường ống.

Bất ổn gia tăng ở châu Âu do khí đốt - Ảnh 1.

Nhà thờ Frauenkirche ở Dresden (Đức) không thắp sáng vào buổi tối để tiết kiệm năng lượng trong ảnh chụp ngày 22-8 - Ảnh: REUTERS

Thông báo của Gazprom gây sốc cho người tiêu dùng ở châu Âu trong bối cảnh mùa đông sắp đến vào đầu tháng 12.

Tích trữ chưa đủ

Động thái của Gazprom còn đẩy giá khí đốt ở châu Âu lên cao và làm giảm giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp, bất chấp lục địa già đã chuẩn bị cho kịch bản này từ mùa hè.

Giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng cao khiến nguy cơ bất ổn xã hội lan rộng trên khắp châu Âu trước mùa đông tới.

Theo Hãng tin AP, ngày 3-9, khoảng 70.000 người biểu tình đã tập trung tại trung tâm thủ đô Praha (CH Czech) để phản đối các biện pháp ứng phó không kịp thời của chính phủ đối với tình trạng khủng hoảng năng lượng và giá điện, khí đốt tăng cao kỷ lục. Đây là cuộc biểu tình phản đối chính phủ có quy mô lớn nhất kể từ khi Thủ tướng Petr Fiala nắm quyền.

Theo Hãng tin Reuters, Liên minh châu Âu (EU) nhiều khả năng đạt được mục tiêu tích trữ khí đốt. Kho khí đốt của khối đã đầy khoảng 79,9%, và gần như chắc chắn sẽ đạt mức 80% vào tháng 11 tới. Trong một năm bình thường, lượng dự trữ này có thể giúp châu Âu vượt qua giai đoạn cao điểm về nhu cầu khí đốt trong mùa đông. 

Nhưng năm nay khi Nga giảm mạnh cung cấp khí đốt và thậm chí đang ngừng cung cấp khí đốt vô thời hạn qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, tỉ lệ tích trữ trên sẽ không đủ.

Sau thông báo ngày 2-9 của Gazprom, bộ trưởng năng lượng các nước thành viên EU dự kiến sẽ gặp nhau ngày 9-9 để thảo luận các biện pháp khẩn cấp trong toàn khối nhằm ứng phó với sự gia tăng giá khí đốt và điện đang tác động đến ngành công nghiệp châu Âu và giá cả sinh hoạt.

Các biện pháp đề xuất là quy định mức trần giá khí đốt nhập khẩu, giá trần cho khí đốt sử dụng để sản xuất điện, hoặc tạm thời bỏ các nhà máy điện sử dụng khí đốt khỏi hệ thống giá điện của EU. Theo báo The Guardian, các nhà hoạch định chính sách của EU đang đứng trước áp lực phải hành động cùng nhau về năng lượng để đảm bảo sự ổn định của khối, tránh việc các nước trả giá quá cao để cạnh tranh mua khí đốt.

Bất ổn gia tăng ở châu Âu do khí đốt - Ảnh 2.

Nguồn: tradingeconomics.com - Dữ liệu: HỒNG VÂN - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Tiết kiệm là thượng sách

EU xác định các nước thành viên phải giảm nhu cầu khí đốt xuống 15% từ ngày 1-8-2022 đến 31-3-2023 so với mức tiêu thụ trong mùa đông năm 2017 - 2021. Trách nhiệm được giao cho tất cả mọi người, từ cá nhân đến hộ gia đình, từ cơ quan chính quyền đến doanh nghiệp tư nhân với khẩu hiệu hết sức khẩn trương: "Khí đốt tiết kiệm trong mùa hè là để dành cho mùa đông".

Đức, Tây Ban Nha và nhiều nước đã đưa ra quy định về tiết kiệm năng lượng như cấm sưởi ấm bằng khí đốt tại các bể bơi gia đình, giảm chiếu sáng tại các địa điểm công cộng, hạn chế dùng điều hòa trong mùa hè, cấm các cửa hàng có hệ thống sưởi mở cửa liên tục... Nhiều nhà xưởng ở châu Âu điều chỉnh ca kíp để tận dụng tối đa ánh sáng ban ngày.

Theo báo Telegraph của Anh ngày 3-9, các nhân viên Chính phủ Anh ở phố Whitehall, nơi tập trung nhiều cơ quan nhà nước, đã diễn tập dùng giấy than (được phát minh cách đây 216 năm) thay cho máy photocopy trong trường hợp xảy ra "khủng hoảng mất điện" trong mùa đông. Việc này được triển khai khoảng bốn tháng/lần từ năm 2021 nhưng hiện nay mức độ khẩn cấp được nâng lên.

Các nhà phân tích khẳng định giảm tiêu thụ là biện pháp cần thiết để tránh thiếu khí đốt trong mùa đông và mùa xuân tới bên cạnh các giải pháp như tăng cường mua khí đốt từ các nhà cung cấp Trung Đông và Mỹ.

Theo tính toán của Công ty nghiên cứu năng lượng Aurora Energy, các kho dự trữ của khối chỉ có thể cung cấp đủ khí đốt cho nhu cầu trung bình trong tối đa 90 ngày. Dữ liệu của Công ty dữ liệu thông minh ICIS cho thấy nếu giảm tiêu thụ 15% mỗi tháng, EU có thể còn 26% dự trữ khí đốt vào mùa xuân nếu Nga ngừng nguồn cung hoàn toàn từ tháng 10-2022. Nay thì Nga đã cắt nguồn cung sớm hơn đến một tháng.

Ông Simone Tagliapietra, thành viên cấp cao của Tổ chức tư vấn Bruegel, khẳng định với Reuters: "Để đối phó với khủng hoảng thiếu khí đốt, đối với EU, giảm nhu cầu thậm chí còn quan trọng hơn tích trữ".

Nga đổ lỗi cho phương Tây

Theo Reuters, ngay sau khi Nga tuyên bố ngừng đường ống dẫn khí đốt, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định Đức sẽ đoàn kết cùng nhau vượt qua mùa đông này trong bối cảnh Nga không còn là một nguồn cung năng lượng đáng tin cậy nữa.

Trong khi châu Âu cáo buộc Nga vũ khí hóa năng lượng, ngày 4-9, Điện Kremlin đổ lỗi cho các chính trị gia châu Âu về việc nước này phải đóng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1. Nga nói các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đã cản trở việc bảo trì đường ống.

"Lỗi thuộc về những chính trị gia đã đưa ra quyết định trừng phạt (Nga)", người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Peskov nhấn mạnh.

Nga tuyên bố đóng đường ống khí đốt, Đức chi 65 tỉ euro chống lạm phát Nga tuyên bố đóng đường ống khí đốt, Đức chi 65 tỉ euro chống lạm phát

TTO - Ngày 4-9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố quốc gia của ông sẽ chi thêm 65 tỉ euro (khoảng 64,7 tỉ USD) để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp khỏi lạm phát tăng vọt.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên