Phóng to |
Du khách lên tàu tại bến Cầu Đá để tham quan vịnh Nha Trang - Ảnh: DUY THANH |
Những ngày này, lượng khách đổ về TP Nha Trang tham quan biển đảo tăng vọt. Đây cũng là thời điểm các “cò” tàu thuyền du lịch hoạt động ráo riết nhất.
Đe dọa “xử” khách
Công an TP Nha Trang đang xác minh, điều tra việc ông Nguyễn Ngọc Quang, một tài xế xe du lịch ở TP.HCM, báo có người phá hoại chiếc Mercedes 16 chỗ của ông khi xe được gửi ở bến tàu Cầu Đá (P.Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang).
Cần một tổ chức điều phối Ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho rằng với lượng tàu và lượng khách quá lớn như vậy, rất cần có một tổ chức đứng ra điều phối tàu để không xảy ra việc tranh chấp lợi ích nhóm, quản lý chặt giá cả để bảo vệ du khách khỏi bị “chặt chém”. Việc này UBND TP Nha Trang và UBND tỉnh Khánh Hòa cần vào cuộc, khi cần thiết có thể thực hiện bình ổn giá tàu du lịch như đã áp dụng với bình ổn giá khách sạn. |
Theo ông Nguyễn Thanh Bình - tổ trưởng tổ quản lý trật tự bến cảng Cầu Đá, ông Triết là chủ tàu Tân Thành 0093 thừa nhận chỉ hăm dọa ông Quang vì bực tức việc tài xế này không đưa khách đi tàu ông chứ không phá xe.
Quản lý bất cập
Ông Nguyễn Ngọc Khoa, phó trưởng ban quản lý bến tàu du lịch Cầu Đá, cho biết tại bến này có hơn 100 tàu du lịch, mỗi tàu có một “cò” chuyên đi tìm khách để thực hiện các tour du lịch biển. Bình quân mỗi ngày có khoảng 5.000 khách đi tàu. Ban quản lý bến tàu chỉ cấp lệnh xuất bến cho các tàu, đếm số lượng khách để thu phí bến bãi 2.000 đồng/đầu người, phối hợp kiểm tra an toàn tàu và đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực bến. Ông Khoa không biết giá cả cụ thể cho mỗi khách lên tàu đi tham quan vì khách tự thỏa thuận miệng với chủ tàu, bến không bán vé.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, phó trưởng phòng vật giá - công sản Sở Tài chính Khánh Hòa, nói các tàu thuyền chở khách du lịch tham quan vịnh biển không thuộc danh mục kê khai giá cước theo quy định của Bộ Tài chính. Do vậy các chủ tàu du lịch ở Nha Trang không đăng ký giá cước với sở. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Tâm - phó giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa - nói rằng dù giá cước đi tàu du lịch trong vịnh biển Nha Trang là do chủ tàu tự báo, nhưng về nguyên tắc phải niêm yết công khai để khách biết và các cơ quan chức năng quản lý, kiểm tra. Việc các tàu không niêm yết giá là sai quy định.
Chính vì việc không có quy định quản lý giá cước nên các chủ tàu tự do làm giá với du khách, xảy ra cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các “cò” với nhau. Theo ông Nguyễn Ngọc Khoa, các “cò” tàu đều chi hoa hồng 10-20% với các chủ khách sạn hoặc tài xế xe du lịch đưa khách đi tàu của họ.
Ngày 25-6, chúng tôi gặp một “cò” tàu tên là Lộc, hay đón khách ở khu vực ngã ba Lê Thánh Tôn - Trần Phú (TP Nha Trang). Lộc tiết lộ: “Thường thì các tài xế chở khách du lịch đến điện thoại trước, tụi tôi chạy ra chỗ hẹn để đón xe, mời khách đi tour của mình. Chủ tàu phải chi hoa hồng để tài xế đưa khách đến với mình. Tụi này phải năng động để kéo khách, phải “canh” giá với các “cò” khác, chứ nằm ở bến chờ thì sao sống nổi”.
Trao đổi về vấn đề này, bà Phan Thanh Trúc - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Khánh Hòa - cho biết sở sẽ cử lực lượng chức năng kiểm tra vấn đề “cò” tàu du lịch, không để ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch Khánh Hòa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận