Phóng to |
Bến cảng trái phép của Công ty TNHH vật liệu xây dựng Trọng Thiện ở rạch Bà Cua - Ông Cậy (Q.9, TP.HCM) - Ảnh: Ngọc Ẩn |
Các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý... nhưng đâu lại vào đấy.
Hoạt động công khai
Hiện có đến 46 bến cảng trái phép hoạt động trên địa bàn các quận huyện 2, 8, 9, Nhà Bè, Cần Giờ. Từ năm 2011, các cơ quan chức năng đã có danh sách mấy chục bến cảng hoạt động trái phép trên các tuyến sông, rạch, trong đó có 31 bến cảng lớn có diện tích từ vài trăm đến cả ngàn mét vuông.
Tại bờ trái rạch Bà Cua, P.Phú Hữu, Q.9, bến cảng của Công ty TNHH vật liệu xây dựng Trọng Thiện rộng đến vài trăm mét vuông. Ở đây, cần cẩu đang xúc cát từ sà lan lên bờ và sau đó lại xúc cát đưa lên xe tải chở về các công trình hoặc điểm bán vật liệu xây dựng trong nội thành. Tương tự, trên tuyến sông Chợ Đệm, Công ty TNHH MTV thương mại nông sản Tân Ngọc Dũng có bãi xếp dỡ hàng hóa và Công ty TNHH sản xuất thương mại Nông Phát xếp dỡ phân bón trên mặt bằng rộng vài trăm mét vuông.
Điều đáng nói là những bến cảng trái phép được hình thành khá dày đặc trên từng tuyến sông rạch. Cụ thể, rạch Bà Chiêm (Nhà Bè) có đến ba bến cảng trái phép của ông Dũng, bà Bạc và bà Mười. Còn ở rạch Nước Lên (Q.8) có hai bến cảng trái phép của Công ty Bình Phát, Công ty TNHH Thịnh Toàn. Nhiều nhất là trên tuyến sông Chợ Đệm - Bến Lức có đến 11 bến cảng trái phép của bảy cá nhân và bốn công ty đang quản lý, khai thác. Trên tuyến hàng hải sông Sài Gòn và sông Soài Rạp, Nhà Bè có đến tám công ty và cá nhân lập bến cảng trái phép.
Ông Nguyễn Bật Hận, phó thanh tra Sở Giao thông vận tải TP, cho biết trong tháng 7-2013, các lực lượng chức năng ra quân xử lý 31 bến cảng trái phép quy mô lớn, Trong đó, tập trung xử lý những bến cảng gây ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng giao thông hoặc gây mất an toàn trên tuyến giao thông thủy. Cụ thể, có những đơn vị lập bến cảng trong phạm vi bảo vệ hành lang cầu Chánh Hưng và cầu Tạ Quang Bửu (Q.8) hoặc cầu Chợ Đệm (huyện Bình Chánh). Ngoài ra, các bến cảng bốc dỡ cát làm lòng sông, rạch bị bồi lắng, gây trở ngại cho tàu thuyền đi lại và làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, rạch.
“Bắt cóc bỏ đĩa”
Ông Nguyễn Bật Hận cho biết các bến cảng trái phép đã sử dụng giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện hoặc Sở Kế hoạch - đầu tư TP cấp cho địa điểm kinh doanh trên bờ để sau đó hình thành bến cảng trái phép bốc dỡ hàng hóa ở sông, rạch. Các cơ quan chức năng đã có quyết định đình chỉ bến cảng trái phép nhưng chủ bến vẫn duy trì hoạt động mà không sợ bị xử lý. Cụ thể, Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh Phú Mỹ lập bến cảng trái phép ở bờ trái sông Sài Gòn (Q.2). Tháng 1-2013, Sở Giao thông vận tải TP và UBND Q.2 đã ra văn bản đề nghị công ty này ngưng hoạt động trạm trộn bêtông và giao mặt bằng 60.000m2 trước ngày 10-3-2013, nhưng đến ngày 7-8 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thì thấy bến cảng trái phép của công ty này vẫn hoạt động.
Theo ông Ngô Duy Quang - giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM, năm trước đoàn kiểm tra liên ngành đã tổ chức đợt kiểm tra kéo dài cả tháng. Theo đó, các cơ quan chức năng đã lập biên bản đình chỉ hoạt động các bến cảng trái phép và bàn giao cho UBND phường, xã quản lý. Thế nhưng, kết quả chỉ xóa được một địa điểm, còn lại đều hoạt động trở lại. “Năm nay, đoàn kiểm tra liên ngành quyết định sau khi lập biên bản đình chỉ hoạt động các bến cảng trái phép sẽ bàn giao cho UBND quận, huyện với hi vọng địa phương sẽ xử lý tốt hơn” - ông Quang nói.
Ông Nguyễn Bật Hận cho biết sở dĩ các bến cảng trái phép tồn tại là do nghị định 60/2011/ND-CP chỉ quy định xử phạt tiền bến cảng trái phép từ 2-3 triệu đồng mà không có hình thức phạt bổ sung buộc tháo dỡ hoặc giải tỏa bến thủy nội địa. Trước thực tế này, thanh tra Sở Giao thông vận tải TP đã kiến nghị Sở Giao thông vận tải TP đề nghị Sở Kế hoạch - đầu tư TP, UBND quận huyện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp lập bến cảng trái phép nằm trong quy hoạch hoặc trong hành lang bảo vệ cầu...
Chậm thực hiện quy hoạch bến thủy nội địa Ông Ngô Duy Quang cho biết từ năm 2011 đến đầu năm 2012, UBND các quận, huyện 4, 5, 7, 8, Tân Phú, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh và Cần Giờ đã ban hành các quyết định về các khu vực, đường phố được kinh doanh vật liệu xây dựng, phế liệu... Trong đó, các địa phương quy định các tuyến sông, rạch được lập bến thủy nội địa phải đảm bảo các yêu cầu về môi trường, không gây tác động đến dòng sông, bãi sông, lòng kênh, rạch, làm biến đổi dòng chảy, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông thủy. Thế nhưng, nhiều địa phương đã chậm trễ triển khai các quyết định trên để sắp xếp đưa các bến cảng trái phép về khu vực được quy hoạch. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận