27/04/2015 11:09 GMT+7

​Bất ngờ với zèng!

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - “Quá bất ngờ!”, các nhà thiết kế thời trang đã thốt lên như thế sau chuyến khảo sát zèng - tên loại  thổ cẩm của người Tà Ôi tại huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên - Huế.

Các nhà thiết kế thời trang xem cách người thợ Tà Ôi dệt zèng tại A Lưới - Ảnh: T.Lộc

Chuyến khảo sát nhằm tìm kiếm tinh hoa nghề cho Festival nghề truyền thống Huế 2015 diễn ra từ ngày 28-4 đến 2-5. Theo thông lệ, mỗi kỳ festival này sẽ tôn vinh một nghề truyền thống.

Và năm nay, Festival nghề truyền thống Huế đã quyết định chọn nghề dệt zèng để tôn vinh.

Độc đáo và kỳ lạ

Không gian zèng ở Huế 

Sau chuyến đi, nhà tổ chức và đạo diễn chương trình đã quyết định chọn zèng là một trong những nghề chính trình diễn tại Festival nghề truyền thống Huế 2015.

Các nghệ nhân giỏi sẽ dệt zèng tại không gian trình diễn nghề truyền thống và trên những sân khấu chính.

Những tấm thổ cẩm zèng sẽ được các nhà thiết kế biến hóa thành các bộ trang phục thời trang trình diễn tại festival.

Trong khuôn viên Bảo tàng Văn hóa Huế sẽ có một khu vực “không gian zèng A Lưới”. 

Bước vào ngôi nhà rông của người Tà Ôi ở bản Ka Vin, xã A Đớt (huyện A Lưới), các nhà thiết kế rất ấn tượng trước khung cảnh hơn 20 phụ nữ, từ 10 tuổi đến trên 60 tuổi, đang ngồi cặm cụi dệt zèng.

Xung quanh họ là hàng chục tấm zèng đã hoàn thiện và nhiều sản phẩm đan lát mang phong cách miền núi.

Điều gây chú ý nhất đối với các nhà thiết kế chính là bộ khung dệt độc đáo, lạ lùng: thân hình (phương dọc) và đôi chân (hai đường chéo) trở thành “bộ khung” chính.

Số còn lại là hơn 10 thanh gỗ và tre nứa (theo phương ngang) mắc sợi thông qua sự luồn lách khéo léo của đôi bàn tay.

“Bộ khung này quá đặc biệt. Từng đi nhiều nơi nhưng tôi chưa hề thấy bộ khung dệt dùng cơ thể người như thế!” - một nhà thiết kế trong đoàn trầm trồ.

Điều này dẫn đến một phát hiện thú vị: hầu hết sản phẩm zèng có khổ không đều nhau do tùy thuộc vào độ dài hay ngắn của đôi chân người dệt, hay nói đúng hơn là bộ phận chính của khung dệt.

Đây được xem là điểm yếu, bất lợi đối với người dệt lẫn các nhà thiết kế, song lại là đặc điểm độc đáo của riêng thổ cẩm zèng...

Zèng của người Tà Ôi có nền màu rất đậm, lấy đen, đỏ và xanh làm chủ đạo. Những hoa văn dệt trên nền vải khi chìm khi nổi mang hiệu ứng khá kỳ lạ. Các nhà nghiên cứu thống kê có hơn 50 loại hoa văn được sử dụng trên zèng Tà Ôi, hầu hết mang tính biểu trưng của văn hóa bản địa.

Đó có thể là hình cây cổ thụ (katíng), con dốc tình yêu (parsee) hay chim thiên nga (kalang nga) có trong truyền thuyết...

Cũng có thể là hình ảnh của một con vật / bộ phận con vật quen thuộc như đuôi con én (chidoang avang), con vắt trong rừng (trangâu blôm), cái cựa con gà, cái mỏ diều hâu, cái bụng óc nóc, cây cầu, cái tổ, cái bẫy hay cái hũ đựng ớt...

Đặc biệt là kỹ thuật xâu cườm vào zèng trong khi dệt tạo thành những hoa văn nổi lên trên nền vải. Kỹ thuật này được xem là độc đáo duy nhất trong hệ thống thổ cẩm tại VN...

Rất hiện đại

Nhà thiết kế Quang Tân (Huế) cho biết rất bất ngờ trước những họa tiết trên nền zèng. “Những đường nét được tinh giản tối đa, trở thành những  môđun có thể dễ dàng nối tiếp nhau. Chỉ cần tinh giản và bố cục lại sẽ rất phù hợp với thời trang hiện đại” - ông Tân nói.

Nhà thiết kế Minh Hạnh (TP.HCM) cho biết phong cách hoa văn trên nền zèng là sự hòa quyện giữa một số biểu trưng của người Ba Na, Ê Đê ở vùng Tây nguyên và một số sắc thái của người Mông ở vùng núi Tây Bắc.

“Những họa tiết khá đơn giản này nhìn tổng thể có chút gì đó giống với cách tạo hình của người Ê Đê, Ba Na. Nhưng cận cảnh hơn thì mang hơi hướng ruộng bậc thang với lối diễn đạt mang hiệu ứng 3D chồng chồng lớp lớp rất đặc biệt của người Mông” - bà Minh Hạnh nhận xét.

Nhà thiết kế Minh Hạnh đánh giá rất cao khả năng “sáng tạo một cách trong sáng” của người Tà Ôi đối với zèng trong thời gian qua. Trong truyền thống, zèng vốn bao gồm những màu nền đậm như đen, đỏ, xanh lục và vàng cùng những loại hoa văn mang tính biểu tượng.

“Thời gian gần đây người Tà Ôi đã biết sử dụng thêm rất nhiều màu nền mới như xanh trời nhạt, xanh trời tươi, vàng nhạt hay táo bạo nhất là màu trắng... Cùng với sự sáng tạo các loại hoa văn mới cũng theo lối tinh giản, đây là những biểu hiện thích nghi với hiện đại một cách rất ngoạn mục” - bà Minh Hạnh cho biết.

Nhiều nhà sưu tập đều nhận xét zèng có nhiều tính năng hiện đại, do đó sẽ rất phù hợp trong việc sử dụng cho trang trí nội thất, là chất liệu tốt để có thể thực hiện nhiều sản phẩm từ rèm, drap, khăn bàn, khăn ăn, ghế xôpha, đèn trang trí...

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên