Làn điệu bài chòi do các em học sinh Trường THCS Phổ Cường thể hiện - Video nhà trường cung cấp
Đó là câu chuyện "hợp tác" giữa ban giám hiệu Trường THCS Phổ Cường và nghệ nhân bài chòi Võ Duy Khánh để giữ gìn nét đẹp văn hóa của vùng đất quê hương.
Kể về làn điệu quê hương, nghệ nhân Khánh bảo rằng những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, những bài chòi động viên người dân hăng say lao động, khích lệ tinh thần thanh niên ra tiền tuyến đuổi giặc thù.
Thời đó, ông tham gia đội vũ trang tuyên truyền, mang lời ca, tiếng đàn phục vụ chiến sĩ, lời ca vang vọng giữa khói lửa chiến trận. Những câu hát: "…Mẹ anh hùng con lại sá chi/ Bé mười ba tuổi cũng đi diệt thù… Cờ bay trên đỉnh Núi Dâu/ Tay không buộc Mỹ cúi đầu rút lui…" đã kết tụ sức mạnh, đứng lên đau thương mà vệ quốc.
Nhưng càng về sau, âm nhạc tân thời đã thu hút giới trẻ, lớp kế thừa bài chòi "đỏ mắt" không tìm ra.
Rồi một ngày, ông hết sức vui mừng khi được ban giám hiệu Trường THCS Phổ Cường mời đến hướng dẫn bài chòi cho học sinh.
Nghệ nhân Khánh đàn hát bài chòi cho lớp trẻ nghe và tìm hiểu - Ảnh: Nhà trường cung cấp
"Nhiều cháu say mê bài chòi khiến tôi vui lắm. Nếu đưa bài chòi vào trường học như một bộ môn giáo dục địa phương sẽ có thế hệ kế thừa đến mai sau…", nghệ nhân Khánh tâm sự.
Dưới tài nghệ của nghệ nhân ưu tú Khánh, làn điệu bài chòi đã trở thành bài thi "Giữ gìn và phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi trong cộng đồng" của Trường THCS Phổ Cường và đoạt giải nhì Hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Quảng Ngãi. Ban giám hiệu nhà trường rất vui, bởi từ đây trong giáo trình của trường sẽ có môn học địa phương mang tính kế thừa.
Thầy giáo Nguyễn Mạnh Tùng - phó hiệu trưởng Trường THCS Phổ Cường - chia sẻ: "Khi mời bác Khánh giảng dạy, nhà trường mong muốn các em biết quê mình có làn điệu bài chòi, không nghĩ các em yêu thích đến thế".
Nhóm học sinh Trường THCS Phổ Cường dự thi với tiết mục bài chòi - Ảnh: Nhà trường cung cấp
Em Dương Đào Anh Thư, Trường THCS Phổ Cường, bảo rằng từ khi nghe nghệ nhân Khánh dạy và hát, em rất thích thú, nhất là khi ông Khánh "cải biên" lời ca gần gũi với lứa tuổi học trò. Thư hò: "Hoạt động nghiên cứu tăng cường/ Nâng cao kiến thức học đường từ đây/ Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy/ Con ngoan, trò giỏi có ngày vinh quy...".
Cô bé "khoe" đã tìm hiểu và biết bài chòi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và rất tự hào...
Nhìn thấy sự thích thú của học trò, ban giám hiệu Trường THCS Phổ Cường cũng cất công sưu tầm tư liệu, hình ảnh hoàn thành báo cáo nghiên cứu khoa học của đề tài dài hơn 70 trang để giảng dạy.
Nghệ nhân Khánh dạy bài chòi cho học sinh Trường THCS Phổ Cường - Ảnh: Nhà trường cung cấp
Những người tâm huyết đã "khơi lửa bài chòi" trong tâm hồn học sinh. Các em sẽ tiếp nối nét đẹp của cha ông để lại. Nói như em Phan Huỳnh Diệu My, có những bài chòi mà nghệ nhân Khánh ngân vang như bài học lịch sử dễ thuộc. Nhiều địa danh, nhân vật lịch sử của địa phương cũng "thấm" tự nhiên.
"Từ ban giám hiệu đến các cháu đều yêu thích và bỏ công sức ra tìm hiểu thì nỗi lo bài chòi mai một của tôi sẽ không còn nữa. Tôi hy vọng tất cả ngôi trường trên cả nước đều có những môn học mang tính địa phương được yêu thích như bài chòi để giữ gìn truyền thống của tổ tiên", nghệ nhân Khánh chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận