18/08/2022 17:35 GMT+7

Bất ngờ với nhiều hiện vật Chăm cổ tại phế tích Châu Thành

LÂM THIÊN
LÂM THIÊN

TTO - Ngày 18-8, Sở Văn hóa - thể thao tỉnh Bình Định tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật phế tích Châu Thành (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn) đợt 2 và 3 với nhiều hiện vật từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 6.

Bất ngờ với nhiều hiện vật Chăm cổ tại phế tích Châu Thành - Ảnh 1.

Nhóm hiện vật thời kỳ Champa có niên đại từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 6 được phát hiện trong đợt khai quật lần 3 tại phế tích Châu Thành - Ảnh: LÂM THIÊN

Theo các nhà khảo cổ, qua 3 lần khai quật phế tích Châu Thành, có thể nhận định khu vực này từng là đền hoặc tháp Chăm, được xây dựng trong 2 giai đoạn, từ thế kỷ thứ 4 - 6 và thế kỷ 13. Đây là khu phế tích có vị trí quan trọng, nằm trong vùng lõi di sản văn hóa Champa tại Bình Định.

Theo tiến sĩ Phạm Văn Triệu - phó trưởng phòng khảo cổ học lịch sử, thuộc Viện Khảo cổ học (người chủ trì đợt khai quật phế tích Châu Thành lần thứ 3), sau khi bóc các lớp đất tại hố này đã xuất lộ kiến trúc nằm dưới lòng đất, bị lấp bởi gạch, ngói đổ xuống.

Đoàn khảo cổ nhận định khu vực khai quật tại phế tích Châu Thành làm xuất lộ một phần nền móng của 3 kiến trúc thuộc các giai đoạn khác nhau. Trong đó có 2 kiến trúc có khả năng là tường bao của 2 giai đoạn khác nhau.

Bất ngờ với nhiều hiện vật Chăm cổ tại phế tích Châu Thành - Ảnh 2.

Các chuyên gia đánh giá kết quả khai quật đợt 3 tại phế tích Châu Thành là rất quan trọng và có nhiều điều thú vị - Ảnh: LÂM THIÊN

Từ các tường bao này, đoàn khảo cổ dự đoán về vị trí ngôi đền thờ chính, cũng như quy mô của một công trình tôn giáo tại phế tích Châu Thành chạy dọc theo hướng đông - tây, dự đoán được xây dựng từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 6.

Ngoài 2 tường bao, đợt khai quật còn phát hiện các đoạn nền móng đá ong, kết hợp các di vật như gốm, đá trang trí điểm góc có chức năng trang trí vòm cửa và tháp góc. Từ những kiến trúc này, đoàn khảo cổ cũng đưa ra suy đoán phế tích Châu Thành từng tồn tại kiến trúc tháp có quy mô lớn, dự đoán được xây dựng khoảng thế kỷ 13.

Bất ngờ với nhiều hiện vật Chăm cổ tại phế tích Châu Thành - Ảnh 3.

Một số hiện vật từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 6 - Ảnh: LÂM THIÊN

"Do đợt khai quật lần 2 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên chúng tôi không thể thông tin cho mọi người về kết quả khai quật được.

Lần khai quật thứ 3 này, hố khai quật rộng 200m2, kết quả phát hiện rất nhiều vật liệu kiến trúc (đồ đất nung, đồ đá) và các di vật liên quan. Về vật liệu kiến trúc đồ đất nung có hơn 9.300 di vật là gạch (17 loại gạch khác nhau), 29 đầu ngói ống (đầu ngói trang trí mặt hề và đầu ngói hoa sen), 3.550 hiện vật ngói âm dương và các loại gốm trang trí kiến trúc, gốm trang trí điểm góc… Vật liệu kiến trúc đồ đá có 22 hiện vật đá ong, 1 hiện vật đá trang trí điểm góc.

Những hiện vật liên quan có một mảnh tượng bàn tay (có thể là bàn tay của tượng thờ trong lòng ngôi tháp trước đây) và 1 mảnh bia ký. Trong quá trình khai quật còn phát hiện 9 hiện vật gốm Chăm, 6 hiện vật gốm Việt, đinh sắt, đạn chì. Đây là những phát hiện vô cùng thú vị", tiến sĩ Phạm Văn Triệu cho biết.

Có mặt tại buổi báo cáo kết quả khai quật, tiến sĩ Lê Đình Phụng (ủy viên Hội Khảo cổ học Việt Nam) khẳng định phế tích tháp Châu Thành là 1 trong 2 công trình kiến trúc cổ của người Chăm (phế tích thứ nhất là Thập Tháp) có quy mô lớn, phế tích làm rõ được bằng chứng lịch sử về kinh đô đầu tiên của vương quốc Lâm Ấp là tại Bình Định.

Cũng theo tiến sĩ Lê Đình Phụng, thông qua việc khảo cổ này, sẽ cung cấp các tư liệu khoa học đóng góp làm rõ văn hóa, lịch sử Bình Định cũng như văn hóa lịch sử Champa, về sau hội nhập chung thành dòng chảy văn hóa Việt.

Bất ngờ với nhiều hiện vật Chăm cổ tại phế tích Châu Thành - Ảnh 4.

Một số hiện vật còn nguyên hình dạng sau khi được khai quật - Ảnh: LÂM THIÊN

Bất ngờ với nhiều hiện vật Chăm cổ tại phế tích Châu Thành - Ảnh 5.

Mảnh tượng với nhiều chi tiết hoa văn tinh xảo - Ảnh: LÂM THIÊN

Ông Huỳnh Văn Lợi, phó giám đốc Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Bình Định, cho biết thông qua kết quả khảo cổ, ngành văn hóa Bình Định sẽ phối hợp Viện Khảo cổ học và các ngành chuyên môn, nhà khoa học để xây dựng hồ sơ, tiến đến xây dựng, xếp loại di tích và tiếp tục nghiên cứu, khảo cổ, làm rõ các giá trị văn học, lịch sử, tôn giáo từ phế tích tháp Châu Thành.

Năm 2020, Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp Viện Khảo cổ học khai quật tại phế tích Châu Thành, phát hiện mặt bằng hoàn chỉnh kiến trúc đền thờ "đá thiêng".

Năm 2021, hai đơn vị này tiếp tục khai quật phế tích Châu Thành lần thứ hai, kết quả xuất lộ tầng văn hóa dày với nhiều lớp kiến trúc chồng lấn lên nhau, phát triển liên tục từ sớm đến muộn, trải qua nhiều sự thay đổi về kiến trúc và tính chất.

Năm 2022, hai đơn vị khai quật lần thứ ba tại phế tích Châu Thành nhằm làm rõ mặt bằng kiến trúc xuất lộ từ 2 lần khai quật trước, qua đó nhận thức rõ hơn về tính chất, giá trị lịch sử, văn hóa của phế tích này trong dòng chảy lịch sử.

Lễ hội Katê người Chăm tỉnh Bình Thuận trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Katê người Chăm tỉnh Bình Thuận trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

TTO - Ngày 4-4, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch quyết định đưa lễ hội truyền thống Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

LÂM THIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên