Đào Khang Duy chia sẻ niềm say mê lịch sử của mình - Video: NAM TRẦN
Yêu thích môn lịch sử từ khi còn rất bé, Đào Khang Duy, học sinh lớp 8 Trường Quốc tế Mỹ St.Paul, Hà Nội đã nung nấu nhiều ý tưởng cho bộ môn mình yêu thích.
Gần đây nhất, em mở triển lãm tranh về "10 trận đánh nổi tiếng trong lịch sử thế giới" sau 1 năm chuẩn bị.
Mỗi ngày dành 1 tiếng đọc sử
Tuy sinh ra trong gia đình có "duyên nợ" với , nhưng đam mê sử của Duy lại đến từ chính thói quen đọc sách hàng ngày của em.
"Từ nhỏ em luôn dành 1 tiếng mỗi ngày để đọc sách sử. Và em hay chọn những trận đánh của nhiều quốc gia, lãnh thổ, đọc ngấm hiểu và dần dần như một thói quen. Lịch sử như một 'người bạn’ ngày nào em cũng phải ghé thăm. Ngày nào không đọc, em cảm thấy như thiếu điều gì đó", Duy chia sẻ.
Duy đam mê đọc sách sử, đặc biệt tìm hiểu lịch sử thế giới từ khi còn bé - Ảnh: NAM TRẦN
Duy dành tiền tiết kiệm để mua sách, chủ yếu là các sách viết về lịch sử thế giới. Với em, khi đã bắt đầu nghiện đọc thì những hiểu biết về sử thế giới vẫn là con số 0, nên càng đọc càng tò mò.
"Các bạn cùng trang lứa thấy môn sử không hấp dẫn. Em thì khác, em muốn am hiểu sử, cả Việt Nam và thế giới. Em thấy đọc hiểu lịch sử đem đến cho mình nhiều cái hay, giúp suy luận tình huống. Đặt mình trong những giả định của từng trận chiến, em học hỏi được rất nhiều điều", cậu bé 13 tuổi hào hứng.
Duy có tình cảm đặc biệt với lịch sử. Ngoài giờ học ở trường, cháu dành nhiều thời gian cho việc đọc, đọc say mê duy nhất sách sử, nhất là sử thế giới. Từ khi còn nhỏ, trên kệ sách gia đình, con chỉ rút ra sách sử như một cơ duyên".
Chị Nguyễn Thị Hiền (mẹ em Khang Duy)
Mở triển lãm tranh
Đọc vì đam mê, đọc là để học, mở rộng hiểu biết, nhưng Duy luôn đau đáu phải làm gì đó để truyền cảm hứng yêu thích cho các bạn: viết sách, tổ chức triển lãm tranh...
"Càng tìm hiểu càng thấy kiến thức lịch sử rất hay, em muốn làm điều gì đó mới lạ để truyền niềm yêu thích môn sử đến các bạn", Duy chia sẻ.
Những bức tranh mô tả các trận đánh trong lịch sử thế giới được Đào Khang Duy chăm chút từ nội dung đến cách thể hiện - Ảnh: NAM TRẦN
Nghĩ là làm. Cuối tháng 9-2018, Duy tổ chức triển lãm tranh 10 trận đánh nổi tiếng thế giới tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sau 1 năm ròng chuẩn bị.
Ban đầu Duy định mở triển lãm dịp hè để các bạn học sinh và mọi người có nhiều thời gian đến xem hơn, nhưng do cần đầu tư kỹ, em phải lùi ngày triển lãm.
Để có những bức tranh lịch sử truyền cảm hứng, Duy phải đọc rất nhiều và lựa ra những trận chiến nổi tiếng dựa trên sự nhìn nhận, đánh giá của chính mình.
Em đã chọn trận Gaugamela (ở Iraq năm 331 TCN), trận Zama (năm 202 TCN ở Tunisia), trận Pharsalus (năm 64 BC tại Hi Lạp), trận Lepanto (năm 1571 tại Hi Lạp), trận Vienna (năm 1683 tại Vienna), trận Waterloo (năm 1815, tại Bỉ), trận chiến sông Marne lần I (năm 1914 tại Pháp), trận Stalingrad (năm 1941-1943 tại Liên Xô), trận D-day (năm 1944 tại Pháp) và cuối cùng là Tổng khởi nghĩa Mậu Thân năm 1968 ở Việt Nam.
"Tiêu chí để em lựa chọn là sự ảnh hưởng của những trận đánh này đến văn hóa, lãnh thổ trên khắp thế giới. Ví dụ như ở Việt Nam có nhiều trận như Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, trận Điện Biên Phủ trên không 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975...
Những trận đánh này đều có ý nghĩa riêng và đều có tiếng vang trong lịch sử quân sự thế giới, nhưng em chọn Tổng khởi nghĩa tết Mậu Thân 1968 là vì đây là một cú sốc với dư luận Mỹ, là trận đánh không thể nào quên trong lòng những người dân Mỹ, đặc biệt là những người yêu chuộng hòa bình và những tổ chức, cá nhân phản chiến", Duy giải thích.
Đặc biệt, em muốn chuyển tải những kiến thức câu chữ bằng những bức tranh vẽ sống động, nên đã nhờ một họa sĩ là bạn của bố khắc họa những bức tranh có chiều dài 1,5m, chiều ngang 60cm.
"Cái khó nhất của em là phải giải thích, phân tích rõ đặc điểm từng trận chiến, phải nói làm sao để chú họa sĩ có thể hiểu nội dung như em để vẽ ra những bức tranh mang màu sắc riêng của từng trận đánh.
Công đoạn này mất rất nhiều thời gian, em đã cố gắng không bằng cách này thì cách khác để họa sĩ hiểu được đúng ý em, đúng bản chất mỗi trận đánh để khi nhìn vào đường nét sống động của mỗi bức tranh, người xem có thể nghĩ ngay đến trận Pharsalus hay trận Stalingrad...", Duy chia sẻ.
Kinh phí và địa điểm tổ chức triển lãm cũng là một khó khăn với Duy, và chính gia đình, người thân đã giúp em giải "bài toàn khó" này.
"Thấy con có đam mê, không ham vui bạn bè mà bận rộn một cách rất lành mạnh, tôi rất vui. Chúng tôi cũng muốn con có ký ức tuổi thơ đẹp nên đã ủng hộ hết mình", chị Nguyễn Thị Hiền - mẹ Khang Duy, cho biết.
Khi được hỏi sau này có đi theo con đường nghiên cứu lịch sử không, Duy đáp em chưa nói trước được nhưng đã tự hứa với mình là sẽ viết sách sử với nhiều tranh ảnh để thỏa đam mê và truyền đam mê cho các bạn.
Thầy Phạm Hồng Tung - tổng Chủ biên chương trình môn lịch sử, người từng tham dự triển lãm do Duy tổ chức, cho biết: "Triển lãm những môn học khác tôi đã nghe, nhưng riêng triển lãm tranh môn sử, ở lứa tuổi này, Duy là người đầu tiên tại Việt Nam. Từ tổ chức, xây dựng nội dung... tất cả em đều tự chuẩn bị, cho thấy em rất nỗ lực để nuôi dưỡng đam mê sáng tạo của mình.
Việc lựa chọn 10 trận đánh tiêu biểu trong lịch sử, em chọn không sai. Quan trọng hơn, em biết cách luận giải, trình bày suy nghĩ ngắn gọn để người xem hiểu rằng vì sao nó tiêu biểu. Tôi tin với đam mê và tinh thần học hỏi, Duy sẽ còn vươn xa".
Thầy Phạm Hồng Tung, tổng Chủ biên Chương trình môn lịch sử, và Duy tại buổi triển lãm - Ảnh NVCC
Đào Khang Duy bên những bức tranh vẽ về các trận đánh nổi tiếng trong lịch sử thế giới - Ảnh: NAM TRẦN
Duy đang ấp ủ kế hoạch viết sách sử để truyền cảm hứng - Ảnh: NAM TRẦN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận