Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, cơ quan công an đã triệt phá băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia thông qua hình thức đầu tư vào các sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán trái phép do TikToker Mr. Pips Phó Đức Nam cầm đầu, phong tỏa nhiều tài sản ước tính hơn 5.200 tỉ đồng.
Kết luận bước đầu cho thấy Phó Đức Nam cùng đồng phạm lập trang web "artexvina.co" tuyển dụng nhân viên, xây dựng hình ảnh công ty hoạt động bài bản, chuyên nghiệp về lĩnh vực tư vấn đầu tư chứng khoán trên sàn quốc tế.
Có gì lạ ở công ty liên quan đường dây TikToker Mr. Pips?
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước khi bị bắt giữ, Công ty Artex Vina với địa chỉ website nêu trên tự xưng là công ty thành viên của một tập đoàn nước ngoài, chuyên tư vấn giải pháp đầu tư chứng khoán vào các cổ phiếu tập đoàn đa quốc gia như Facebook, Apple, Pepsi, Microsoft…
Theo hệ thống dữ liệu đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp này có ngành nghề chính là nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận. Ngoài ra còn có hoạt động tư vấn quản lý (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật)…
Có thể thấy dù không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, Artex Vina liên tục đăng tuyển nhân sự phục vụ cho hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán, ngoại hối và các telesales (tư vấn viên, nhân viên kinh doanh thông qua điện thoại).
Các vị trí tuyển dụng của công ty này đều không yêu cầu kinh nghiệm, ưu tiên sinh viên mới ra trường nhưng mức lương đưa ra lên tới 10 triệu đồng cùng hoa hồng và thưởng.
Trên một số diễn đàn về việc làm, nhiều thành viên từng bình luận thăm dò về hoạt động công ty này khi thấy thông tin đăng tuyển rầm rộ, có mức thu nhập hấp dẫn lại không yêu cầu gì về bằng cấp hay kinh nghiệm. Thậm chí có thành viên còn đặt câu hỏi "có lừa đảo không" khi thấy thông tin tuyển dụng liên tục.
Bên ngoài các đối tượng dùng nhiều chiêu trò khoe mẽ về sự hoành tráng trong đầu tư, nhưng theo thông tin từ hệ thống đăng ký kinh doanh, Công ty Artex Vina được đăng ký với số vốn điều lệ vỏn vẹn 100 triệu đồng.
Nhiều rủi ro khi tham gia chứng khoán quốc tế, forex
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng lên tiếng cảnh báo, cơ quan này chỉ cấp phép hoạt động cho các công ty chứng khoán đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Cũng theo quy định của pháp luật chứng khoán, chỉ có Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) được tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán ở Việt Nam.
Ngoài các đơn vị nêu trên, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán.
Thêm nữa, các nhân viên tư vấn, môi giới chứng khoán phải có chứng chỉ, giấy phép hành nghề mới được tư vấn cho nhà đầu tư.
Dù vậy, thời gian qua nhan nhản hiện tượng các đối tượng kêu gọi, mời chào nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng khoán thông qua sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, chứng khoán phái sinh quốc tế, ngoại hối,… hoặc công ty trung gian có kết nối với các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế.
Qua thông tin từ các đối tượng lừa đảo, nhiều nhà đầu tư còn hiểu lầm đây là các sàn giao dịch chứng khoán và công ty chứng khoán được hoạt động hợp pháp, thuộc sự quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho một sàn giao dịch forex nào, người dân giao dịch tại các sàn này sẽ có hệ lụy bị lừa đảo.
Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư kiểm tra giấy tờ pháp lý của công ty dự định hợp tác đầu tư hay ủy thác, và các nhân viên môi giới. Các thông tin về doanh nghiệp hiện nay cũng không quá khó tìm.
Việc khuyến cáo của cơ quan quản lý hay sự vào cuộc của cơ quan chức năng là cần thiết. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là sự nâng cao cảnh giác và tìm hiểu kỹ thông tin của chính các nhà đầu tư khi được mời tham gia đầu tư vào các loại chứng khoán thông qua các sàn giao dịch chứng khoán, và các tổ chức trung gian để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận