Một con voi và quản tượng tham gia lễ hội ở tỉnh Xayaboury, tây bắc Lào - Ảnh: AFP
Giờ người ta nên gọi Lào là xứ sở ngàn voi chứ không còn là "đất nước triệu voi" nữa! Chưa bàn về nguồn gốc của tên gọi này, nhưng con số thực tế cho thấy số voi ở Lào đang giảm nhanh nhiều năm qua và một ngày không xa sẽ có cả cái tên "đất nước không voi".
30 năm: giảm 90%
Theo báo Diplomat, tổng số voi sinh sống ở Lào hiện dưới 1.000 con. Với các dự án hạ tầng, đặc biệt những đoạn đường sắt mọc lên trong sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI) đang "gặm nhấm" từng tấc đất của mẹ thiên nhiên, Lào sẽ không còn một con voi nào vào năm 2030. Câu chuyện này cho thấy mối liên hệ giữa phát triển và cái giá phải trả.
Thống kê của Trung tâm bảo tồn voi Xayaboury (ECC) cho thấy Lào hiện có khoảng 400 con voi nhà và 450 con voi hoang dã. Kể từ năm 1988 tới nay, tổng số voi ở Lào đã giảm tới 90%.
Các chuyên gia cảnh báo xu hướng này sẽ không được đảo ngược và ngày càng tệ hại hơn nếu Chính phủ Lào không đưa ra các biện pháp can thiệp liên quan tới BRI.
Trước hết, nguyên nhân khiến số lượng voi ở Lào giảm nhiều nhất những năm qua là do hoạt động chặt phá rừng của con người và BRI đang góp phần lớn vào câu chuyện này.
Theo Bộ Nông lâm nghiệp Lào, với diện tích đất được rừng bao phủ chiếm tới 46,7%, Lào vẫn còn là một trong những quốc gia có rừng bao phủ dày đặc nhất ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, so với giữa thập niên 1960, con số này đã giảm đi rất nhiều, ước tính đã giảm tới 70%.
Tình trạng khai thác gỗ hợp pháp và phi pháp, các dự án khai mỏ, đập thủy điện, cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị hóa ngày càng khiến diện tích rừng bị thu hẹp.
Với các dự án hạ tầng khổng lồ, BRI của Trung Quốc đang đe dọa ăn mòn "lá phổi xanh" của Lào để có đất xây dựng, không còn nhiều chỗ để voi sinh sống.
Ngoài việc tác động thẳng vào tự nhiên, BRI cũng là chiếc cầu kết nối nạn săn trộm với thị trường tiêu thụ rộng lớn. Thị trường ngà voi tại Lào đã phát triển nhanh trong giai đoạn 2013-2018. Trong đó, du khách Trung Quốc là khách hàng chiếm tỉ lệ cao nhất với 80%.
Khi các dự án trong BRI được hoàn thành, đường sá thuận tiện, các trường hợp săn trộm voi để phục vụ du khách sẽ cao chóng mặt.
Theo báo Diplomat, trong 5 năm qua, ước tính khoảng 80-100 con voi đã được đưa trái phép sang biên giới Trung Quốc. Tại đây, chúng sẽ bị bán vào các trại động vật và rạp xiếc với giá 250.000 USD.
Số phận của những đàn voi ở Lào, chúng sẽ được sống trong rừng xanh hay sống với con người, tên gọi "đất nước triệu voi" sẽ ra sao còn chờ nhiều chính sách của Lào để dung hòa tác động tiêu cực của BRI.
Hai mặt của BRI
"Được dựng dọc những cánh đồng xanh mướt ở vùng xa xôi hẻo lánh của thủ đô Vientiane - nơi những nông dân Lào vẫn còn bận rộn với nghề trồng lúa - là hàng loạt những cột bêtông cốt thép khổng lồ vẫn đang chờ được hoàn thành để xây tuyến đường sắt cao tốc nối Trung Quốc và Lào", báo Bangkok Post giữa năm ngoái miêu tả.
Hình ảnh này cho thấy một bức tranh lớn hơn về việc Lào đang tích cực tham gia các hoạt động của "đại gia đình" BRI.
Nằm một phần trong mạng lưới đường sắt Côn Minh - Singapore, cuối năm 2016 Lào đã khởi công xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối với Trung Quốc, với hi vọng dự án đầu tư "lịch sử" này sẽ mang lại trái ngọt vào cuối năm 2021.
Tuyến cao tốc dài 414km chạy từ thị trấn Boten thuộc tỉnh Luang Namtha giáp biên giới Trung - Lào tới thủ đô Vientiane.
Khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ giúp giảm thời gian di chuyển giữa Boten - Vientiane từ 3 ngày xuống còn chưa tới 3 giờ.
Tuyến đường này sẽ đóng vai trò là liên kết chính trong hệ thống vận chuyển trên bộ giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.
Sự kết nối như vậy sẽ giúp Lào thực hiện hoài bão ấp ủ nhiều thập niên qua về việc chuyển mình từ một quốc gia nội lục thành một điểm trung chuyển, một nhịp cầu trên bộ cho khu vực, theo báo Straits Times.
Khi đã đạt được mục tiêu, những trái ngọt sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, đưa đất nước vạn tượng trở nên phồn thịnh hơn.
Khát vọng của Lào rõ ràng có cái lý của họ. Lịch sử cho thấy nhiều quốc gia nằm ở vị trí trung chuyển đã thu được nhiều lợi ích từ hoạt động thương mại của khu vực.
Chẳng hạn trường hợp Singapore, đảo quốc sư tử này trở nên giàu có một phần rất lớn nhờ vị trí chiến lược.
Cũng từ khi Lào "dấn thân" sâu vào BRI, những câu chuyện mới xuất hiện: hơn 4.000 hộ gia đình tại nhiều tỉnh và thủ đô Vientiane phải di dời để nhường đất xây dựng đường sắt, hay những tranh cãi về việc Lào đang rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc. Và đáng báo động không kém là... những đàn voi ở rừng xanh.
Hàng rào bảo vệ không được hưởng ứng
Đầu tháng 12-2018, Tân Hoa xã cho biết các chủ thầu đang dựng lên hàng rào dài 36km dọc khu vực mới hoàn thành của tuyến đường sắt cao tốc Trung - Lào để bảo vệ voi hoang dã.
Dù vậy, động thái này vẫn bị giới quan sát chỉ trích. Họ cho rằng một mặt hàng rào che chắn giúp tránh những vụ tai nạn cho voi trong quá trình chúng đến gần tuyến đường sắt cao tốc, nhưng mặt khác lại tạo ra một bức tường tự nhiên.
Hàng rào sẽ cản trở quá trình di cư và khả năng tiếp cận thức ăn, nguồn nước... của voi trong khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận