Các nghệ sĩ Đoàn cải lương Cao Văn Lầu trong vở Đào Duy Từ - Ảnh: KIM TÂM
Trên quê hương của bản Dạ cổ hoài lang, đã 11 tháng Nhà hát Cao Văn Lầu (đường Hùng Vương, phường 1, TP Bạc Liêu) sáng đèn đón khán giả từ 19h mỗi tối thứ bảy.
"Ban đầu chúng tôi thực hiện hai chương trình nghệ thuật tổng hợp gồm: Bạc Liêu ngày ấy và Hào khí non sông. Sau hơn một tháng diễn ra chương trình, nhà hát nhận được nhiều phản hồi của khán giả, họ muốn nghe hát cải lương" - đạo diễn Quốc Khánh, phó giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu, chia sẻ về lý do ra đời những đêm diễn cải lương tối thứ bảy.
Để thỏa lòng người hâm mộ cộng với việc nhận thấy tình yêu của khán giả dành cho cải lương vẫn còn đó, ban lãnh đạo nhà hát quyết định phục dựng những vở cải lương vốn là thương hiệu của Đoàn Cao Văn Lầu và dựng thêm một số vở mới phục vụ khán giả.
Trích đoạn vở Liều độc dược và cây đan thần - Video: KIM TÂM
Theo quan niệm của nhiều người, cải lương vốn được đánh giá là không hợp thị hiếu khán giả trẻ nhưng ở Nhà hát Cao Văn Lầu, phần đông khán giả đến xem là những bạn trẻ ở độ tuổi 9X. Đến xem vở diễn Đào Duy Từ tối 31-8, khán giả Quốc Ý (21 tuổi, ở phường 1, TP Bạc Liêu) chia sẻ với Tuổi Trẻ:
"Mình đến xem cải lương ở nhà hát sáu lần rồi, trước đây mình chỉ xem cải lương trên tivi với gia đình nên được xem trực tiếp nghệ sĩ biểu diễn, hát cải lương mình thấy rất thú vị. Ngoài thưởng thức nghệ thuật thì thông qua những vở cải lương, những người trẻ như mình còn được biết thêm kiến thức về nhân vật, sự kiện lịch sử.
Chỉ có phần dàn dựng bối cảnh sân khấu còn sơ sài, nếu được đầu tư hơn nữa mình nghĩ chương trình sẽ sống động hơn, thu hút được nhiều khán giả đến xem hơn".
Góp ý của khán giả cũng là nỗi lo của ban lãnh đạo nhà hát bởi theo đạo diễn Quốc Khánh: "Đoàn cải lương Cao Văn Lầu thừa sức thực hiện những chương trình đẳng cấp, nhưng kinh phí đầu tư thực hiện có giới hạn".
Còn với những khán giả lớn tuổi, tối thứ bảy hằng tuần ngồi trong nhà hát thưởng thức những vở cải lương là một niềm vui rất chi tài tử. "Ngày xưa muốn xem cải lương phải đợi đến dịp trong làng, trong xóm có lễ kỳ yên (hay còn gọi là hát đình), không thì xem cải lương qua tivi, làm gì được ngồi trong rạp hát xem như thế này.
Được xem cải lương hằng tuần mà còn miễn phí nữa, đối với tôi như vậy quá vui rồi. Cảnh trí có sơ sài một chút cũng không thành vấn đề, quan trọng là mỗi vở diễn nghệ sĩ hát hay, cảm xúc là đủ rồi" - khán giả Ngọc Non (55 tuổi, ở phường 5, TP Bạc Liêu) cho hay.
Tình cảm của những khán giả càng như góp thêm niềm tin tưởng vào sức sống của cải lương - nhất là vào quãng khó như hiện nay. Vì vậy, các nghệ sĩ vẫn miệt mài cống hiến cho khán giả, dù rằng ngoại trừ tiền bồi dưỡng của Nhà nước trên mỗi suất diễn, "catsê" mà anh em nghệ sĩ Đoàn cải lương Cao Văn Lầu nhận được chỉ là những tràng pháo tay của khán giả.
"Điều làm anh em nghệ sĩ chúng tôi vui nhất là góp phần công sức để giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc" - NSƯT Mỹ Hạnh trải lòng.
Năm 2020 dựng sân khấu cải lương thực cảnh
Năm 2018, sau khi Nhà hát Cao Văn Lầu (hay còn gọi là nhà hát Ba nón lá) được hoàn thành, Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu ra quyết định thực hiện đề án biểu diễn cải lương miễn phí phục vụ du khách và người dân trong tỉnh vào mỗi tối thứ bảy tại đây.
Đến thời điểm này, Nhà hát Cao Văn Lầu đã trình làng hai chương trình nghệ thuật tổng hợp và bảy vở cải lương đa dạng thể loại lịch sử, dân gian, xã hội...
Sau khi dự án phục vụ cải lương miễn phí khép lại vào năm 2020, nhà hát sẽ đầu tư làm chương trình nghệ thuật có bán vé và chương trình biểu diễn sân khấu thực cảnh, được xem là bước đi mới trong hành trình giữ gìn, phát huy văn hóa địa phương song hành với việc phát triển du lịch của tỉnh Bạc Liêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận