Bắt nạt trên mạng: ​5 lời khuyên hữu ích

QUẾ VIÊN 17/06/2015 19:06 GMT+7

TTCT - Theo một báo cáo được công bố cuối tháng 5-2015 của Hội đồng quốc gia trẻ em Đan Mạch - quốc gia có tỉ lệ người tham gia mạng xã hội cao nhất thế giới hiện nay, tình trạng bị bắt nạt, bêu riếu hay khủng bố trên mạng đã trở nên đáng báo động trong lứa tuổi thiếu niên nước này.

 
 

 Kết quả khảo sát 1.932 học sinh lớp 7 tại 127 lớp học khác nhau cho thấy 21% học sinh được hỏi từng nhận những tin nhắn có nội dung xấu, độc hại; 23% đã bị ai đó tự ý đưa lên mạng hình ảnh, clip của các em. Từ 4-8% từng bị đe dọa trực tuyến vài lần trong một tuần hoặc vài lần một tháng và từ 7-22% đã bị quấy rối vài lần một tuần hoặc vài lần một tháng.

Cũng theo bản báo cáo này thì 75% thiếu niên quấy rối người khác là cố ý.

Trong một khảo sát khác do nhật báo Berlingske tiến hành, công bố ngày 26-5, thì cứ bốn em gái Đan Mạch 13 tuổi lại có một em bị kẻ xấu đưa hình ảnh hoặc clip của em lên mạng, đến nỗi nhiều em không dám tắm hay thay quần áo sau khi tập thể dục tại trường vì sợ bị chụp ảnh, quay phim trộm. 

Theo các giáo viên tại Trường cấp II Mariendal Friskole, quận Vesterbro, Copenhagen thì chuyện khủng bố trên mạng hay “snap war” (cuộc chiến chộp ảnh) đã trở thành nỗi ám ảnh với các học sinh.

Theo ông Per Larsen - chủ tịch Hội đồng quốc gia trẻ em Đan Mạch, vấn đề “bắt nạt kỹ thuật số” sẽ ngày càng tăng nên thiếu niên cần được hướng dẫn để hiểu và tìm ra cách tự bảo vệ trước những “tay chơi kỹ thuật số”. 

Thiếu niên cần được trang bị kiến thức về các nguyên tắc cho việc sử dụng những dữ liệu cá nhân, những nội dung mà các em đưa lên các phương tiện kỹ thuật số. 

Ai có quyền truy cập vào hình ảnh, thông tin cá nhân lưu trữ trên những phương tiện truyền thông xã hội, làm thế nào để di chuyển một cách an toàn trong không gian kỹ thuật số và tránh được việc hình ảnh bị phát tán và lạm dụng...

Theo Shehzad Ahmad - thành viên Hội đồng an ninh kỹ thuật số Đan Mạch, điều này còn phụ thuộc vào các cổng thông tin được chọn sử dụng, những quy định mà người ta phải chấp nhận khi sử dụng chúng, thí dụ như Facebook có quyền sử dụng tất cả bức ảnh trong Facebook.

Ông Ahmad cũng lưu ý một vấn đề quan trọng là nhiều bậc cha mẹ không theo kịp sự phát triển của các dịch vụ trên mạng đang được cung cấp cho trẻ em hiện nay. 

Ông khuyến cáo các bậc cha mẹ không cho phép con sử dụng Facebook trước độ tuổi quy định, không nên khai tăng tuổi cho con để trẻ mới lên 9, lên 10 có thể tạo tài khoản trên Facebook, họ chính là những người có trách nhiệm để các em không bị đe dọa hay bắt nạt.

Nhà trường phải xem đây là vấn đề cần được ưu tiên quan tâm và nhà nước cũng có trách nhiệm trong việc đảm bảo trẻ em có được những kiến thức cần thiết thông qua trường học, “nếu không chúng ta sẽ có một vấn đề rất lớn trong tương lai”.       

 5 lời khuyên của Hội đồng quốc gia trẻ em Đan Mạch:

  • Suy nghĩ về ngôn từ khi đang kết nối với phương tiện truyền thông kỹ thuật số hoặc điện thoại di động. Hãy thật thận trọng khi viết.
  • Hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi đưa tên, hình ảnh và các thông tin khác lên mạng.
  • Hãy quan tâm đến cuộc sống của trẻ em trên Internet - chúng kết nối trực tuyến thế nào, đang làm gì, giọng điệu ra sao?
  • Không nên phản ứng bằng cách thu lại điện thoại di động, ngắt kết nối Internet của trẻ em khi phát hiện có vấn đề tiêu cực phát sinh. Thay vào đó nên trao đổi vấn đề với con em một cách đúng đắn.
  • Khi các em bắt đầu sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số thì nên hướng dẫn chúng về những chuyện có thể làm và không nên làm.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận