Ông Trần Ngọc Hà phát biểu tại một hội nghị đầu năm 2018 - Ảnh: VEAM
Tối 3-8, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết: Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) và một số đơn vị thành viên;
Đồng thời Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố 4 bị can gồm: Trần Ngọc Hà, nguyên chủ tịch HĐQT, nguyên tổng giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang, nguyên tổng giám đốc VEAM; Vũ Từ Công - phó tổng giám đốc VEAM; Nguyễn Mạnh Chung - giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Máy kéo nông nghiệp.
Các bị can bị khởi tố điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.
Cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 3 bị can: Trần Ngọc Hà, Lâm Chí Quang và Nguyễn Mạnh Chung; áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Vũ Từ Công.
Bị can Vũ Từ Công
Ngay trong buổi tối, cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở của ông Hà và thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến vụ án để phục vụ công tác điều tra.
Trước đó, cuối tháng 3, VEAM đã ban hành nghị quyết về việc bãi nhiệm chức danh tổng giám đốc với ông Trần Ngọc Hà.
Ông Hà bị tạm dừng nhiệm vụ liên quan đến thương vụ mua bán 3.000 linh kiện phụ tùng ôtô xe Hyundai để sản xuất và tiêu thụ với trị giá 1.600 tỉ đồng mà không thông qua hội đồng quản trị.
Ngoài ra, theo VEAM, ông Hà cùng một số cán bộ còn có các vi phạm khác liên quan đến quy định về quản lý tài chính và điều lệ của công ty này.
Đến tháng 6, ông Hà tiếp tục bị miễn nhiệm là người đại diện vốn nhà nước tại VEAM.
Trong quá trình thực hiện thanh tra, Bộ Công thương đã chuyển hồ sơ về sai phạm tại VEAM sang Bộ Công an.
Cụ thể, VEAM hiện là doanh nghiệp sở hữu 88,47% vốn nhà nước nhưng chủ yếu các khoản lãi đều đến từ hoạt động liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài trong ngành ôtô và từ tiền lãi gửi ngân hàng.
Trong khi đó, một loạt các dự án đầu tư của VEAM được thực hiện đều thua lỗ và kém hiệu quả. Đơn cử như việc rót vốn vào Nhà máy ôtô VEAM (VM) không thông qua hội đồng thành viên lên tới hàng trăm tỉ đồng, không thực hiện đầy đủ việc giám sát tài chính, gây mất vốn đầu tư lên tới 331,8 tỉ đồng.
VM đã liên tục được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 462,46 tỉ đồng lên 698,67 tỉ đồng từ năm 2004 - 2013, trong khi công suất thiết kế không thay đổi.
Ngoài ra là các phi vụ chi ra gần 79 tỉ đồng mua 1.500 linh kiện từ Công ty Mekong Auto (MKA), trong khi chưa có phương án kinh doanh, tiêu thụ. Đồng thời rót trên 1.634 tỉ đồng mua 3.000 bộ linh kiện mà không thực hiện việc tham khảo giá, đàm phán giá, vượt thẩm quyền được giao…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận