Trận đấu giữa hai tỉ phú Mark Zuckerberg và Elon Musk dự kiến sẽ diễn ra trong lồng sắt, võ đài của môn MMA. Võ đài được đề xuất để 2 tỉ phú so găng là UFC Apex ở bang Nevada (Mỹ).
Lịch thi đấu trong lồng sắt giữa Mark Zuckerberg và Elon Musk, ai sẽ thắng?
Nếu trận đấu được diễn ra, tỉ phú Mark Zuckerberg sẽ có lợi thế hơn bởi ông là một võ sĩ MMA và từng thắng nhiều trận đấu nhu thuật Brazilian Jiu Jitsu (BJJ). Vậy BJJ là gì mà khiến tỉ phú Mark mê mệt đến vậy?
Tuổi Trẻ Online xin đăng bài viết của anh Trần Đoàn Linh - người có 10 năm tập BJJ, thành viên CLB BJJ đầu tiên ở Hà Nội.
Vũ trụ công nghệ đổ dồn về cuộc đối đầu giữa Mark và Musk
Trận đấu chưa xảy ra nhưng vì sự nổi tiếng của hai đối thủ và cả hình thức giải quyết mâu thuẫn kỳ lạ chưa từng có giữa hai ông lớn làng công nghệ đã nhận được sự quan tâm của những người đam mê công nghệ, thể thao trên toàn thế giới.
Trong khi giới văn phòng, kinh doanh bày tỏ sự hoài nghi về trận đấu thì dân thể thao, đặc biệt là trong ngành "đánh đấm" lại ủng hộ hết sức nồng nhiệt. Họ đặt hai đối thủ lên bàn cân, so sánh điểm mạnh, điểm yếu. Bước đầu Zuckerberg được đánh giá có phần nhỉnh hơn đối thủ, mặc dù Musk có thể hình, cân nặng (yếu tố rất quan trọng trong các môn thể thao đối kháng) vượt trội so với Zuckerberg.
Vậy điều gì khiến ông chủ Facebook lại được đánh giá cao hơn? Chính là tuổi tác và quá trình luyện tập võ thuật của Zuckerberg. Zuckerberg đã tập MMA và BJJ, thậm chí ông đã giành huy chương vàng một cuộc thi đấu BJJ ở đẳng cấp đai trắng.
Giới chuyên môn đặc biệt đánh giá cao Zuckerberg ở nền tảng BJJ của ông bởi sự lợi hại của môn võ này trong thực chiến.
Brazilian Jiu Jitsu ra đời ở Nhật Bản
Một môn võ để có chỗ đứng trong "võ lâm" không thể một sớm một chiều mà phải trải qua hàng trăm năm gọt giũa. Vậy mà BJJ với tuổi đời non trẻ, mới khai sinh từ năm 1925 lại trở thành một phần bắt buộc trong giáo án phải luyện tập của bất kỳ võ sĩ MMA nào muốn thành công trên võ đài.
Ngược dòng lịch sử, võ Jiu Jitsu (nhu thuật) là nghệ thuật chiến đấu tay không xuất phát từ Nhật Bản bao gồm đấm đá, vật và khóa siết. Năm 1904, Mitsuyo Maeda - một võ sư nhu thuật rời Nhật Bản bắt đầu bước chân phiêu du tới Mỹ, ông kiếm sống bằng cách thi đấu võ và truyền bá Jiu Jitsu. Năm 1930 ông nhập tịch Brazil và chính tại đây những người học trò của ông thuộc gia tộc Gracie, nổi bật nhất là Helio Gracie đã tiếp thu và cải tiến Jiu Jitsu thành Brazilian Jiu Jitsu (BJJ).
BJJ loại bỏ phần đấm đá, chỉ giữ lại mảng vật, khóa siết và phát triển đa dạng hệ thống kỹ thuật này đến mức BJJ được mệnh danh là cờ vua của giới võ thuật. Bên cạnh sự đa dạng về kỹ thuật, nhà Gracie đã chọn cách quảng bá môn võ một cách rất trực tiếp và có phần "phũ phàng" là thách đấu và chấp nhận thách đấu từ các võ sĩ của các môn phái khác.
Phần lớn chiến thắng ở những trận đấu này thuộc về nhà Gracie. Đỉnh cao của "chiến dịch marketing" này là giải đấu lớn chính thức đầu tiên quy tụ các võ sĩ từ nhiều môn phái khác nhau với luật thi đấu cởi mở đến mức gần như không có luật - UFC I, nơi Royce Gracie giành đai vô địch.
Là môn võ có tính sát thương cao nhưng các võ sinh BJJ lại ít gặp chấn thương nặng. Lý do đến từ cách luyện tập đặc thù, võ sĩ BJJ có thể đập tay xin dừng cuộc đấu khi bị rơi vào thế khóa. Điều này các môn đánh đứng khác không thể vì những đòn quyền, ngọn cước bay thẳng vào người. Chính vì vậy thời gian và độ tuổi luyện tập của BJJ cao hơn phần lớn các môn phái khác.
Không chỉ luyện tập khoa học mà BJJ còn khác nhiều môn phái, đặc biệt là những môn cổ truyền khi không có khái niệm bí truyền. Các đòn thế tấn công, hóa giải đều dễ dàng tìm thấy khắp nơi trên Internet với hướng dẫn đầy đủ chi tiết kèm video.
Những "chiêu thức" mới sáng tạo từ các võ sư danh tiếng đươc sử dụng, hướng dẫn công khai. Ngay sau đó những cách hóa giải cũng ra đời, dĩ nhiên cũng trình diễn, hướng dẫn giữa thanh thiên bạch nhật. Thay vì giấu giếm, thần thánh hóa để rồi biến mất, BJJ chọn cách công khai để ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Có thể nói "thứ duy nhất không thay đổi chính là BJJ luôn thay đổi" và chính điều đó làm nên sự phát triển mạnh mẽ, luôn luôn tiến về phía trước của nhu thuật Brazil.
CLB BJJ đầu tiên ở Hà Nội
Do tuổi đời còn khá trẻ nên BJJ du nhập vào Việt Nam chưa lâu. CLB BJJ đầu tiên ra đời ở Hà Nội vào năm 2010, hoạt động cho tới nay ở Trung tâm Thể dục Thể thao quận Đống Đa. Thời gian đầu CLB chỉ là tập hợp của vài người ham mê BJJ dưới sự hướng dẫn của Nick (một võ sĩ BJJ đai tím người Úc) và anh Trần Tuấn Anh.
Anh Trần Tuấn Anh (42 tuổi) là trọng tài quốc tế đầu tiên của Việt Nam ở môn võ Jiu Jitsu. Đặc biệt, Tuấn Anh không phải là VĐV, HLV chuyên nghiệp, mà là kỹ sư công nghệ thông tin (IT). Trần Tuấn Anh là học sinh chuyên toán - tin của Trường THPT chuyên thuộc Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, từng tham dự các kỳ thi Olympic tin học quốc tế và đoạt giải. Tốt nghiệp phổ thông năm 1999, Tuấn Anh giành học bổng chuyên ngành IT của Đại học Quốc gia Singapore. Anh sau đó lấy bằng thạc sĩ, làm việc tại Singapore và Mỹ.
Tuấn Anh tập BJJ từ năm 2008 khi đang làm cho một công ty phần mềm ở Mỹ. Năm 2009 anh trở về Việt Nam, do không có chỗ để tiếp tục theo đuổi tình yêu với BJJ nên anh đã phải tìm nơi tập luyện và lập nên CLB BJJ đầu tiên ở Hà Nội vào năm 2010.
Là địa điểm tập luyện của những người đam mê võ thuật, CLB BJJ Hà Nội cũng là nơi ghé thăm thường xuyên của các võ sư, võ sinh BJJ nước ngoài khi có dịp đến Việt Nam như: Chris Piedra (vô địch Mỹ và thế giới), Louis Levy (phó chủ tịch Levy group), cố đầu bếp Anthony Bourdain…
Theo thời gian, BJJ cũng phổ cập rộng rãi nhiều hơn ở Việt Nam. Hiện các CLB BJJ đã có rất nhiều ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… Dù còn non trẻ nhưng Jiu Jitsu Việt Nam cũng đã giành được những thành công nhất định trên đấu trường quốc tế với các tấm huy chương ở SEA Games, châu Á và thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận