Đại sứ Phạm Sanh Châu (áo dài, khăn đóng) trò chuyện với chú rể Rushang Shah và cô dâu Kaabia Grewal (góc trái) tại tiệc cưới ngày 9-3 - Ảnh: NVCC
Ngày 9-3, chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Châu cho biết đó là một quá trình hoàn toàn không đơn giản: Người Ấn rất coi trọng đám cưới. Thông qua tiệc cưới, người Ấn muốn thể hiện đẳng cấp và "sĩ diện" của gia đình.
Nhiều người Ấn có thể cả đời dành dụm chỉ để làm đám cưới cho con hoặc trả nợ tiền đám cưới của mình. Đám cưới người tầng lớp trung lưu chi trung bình vài triệu đôla Mỹ.
Khi biết, tôi choáng váng quá và nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để mang đám cưới của giới siêu giàu Ấn Độ về Việt Nam.
* Vì sao Phú Quốc được chọn mà không phải địa phương khác, thưa ông?
- Tôi gặp được ông Nitin Shad - bố chú rể Rushang. Mất năm tháng, hai bữa ăn, ba cuộc gặp, năm cuộc họp của ba nhóm chuyên trách để tháo gỡ 22 vấn đề, chúng tôi đã kết nối thành công đưa đám cưới này về Việt Nam.
Khi cùng lúc đưa 700 người sang Việt Nam, khó khăn lớn nhất chính là cấp thị thực. Phú Quốc có chính sách miễn thị thực 30 ngày, đó là lợi thế.
* Trong 22 vấn đề cần tháo gỡ, đâu là thách thức "khó nhằn" nhất?
- Có rất nhiều khó khăn, thách thức. Đầu tiên là các thủ tục để vận chuyển hàng tấn thực phẩm từ Ấn Độ đến Phú Quốc. Giờ giấc sinh hoạt của người Ấn cũng khác người Việt. Nhiều người sinh hoạt vui chơi từ 12h đêm đến 5h sáng, trong khi theo quy định của Việt Nam là sau 12h đêm phải ngừng hoạt động.
Về di chuyển, lúc đầu họ đặt ra một danh sách rất dài những yêu cầu cho Hãng hàng không Vietjet Air như in bao gối có hình dòng chữ chào mừng đám cưới, tổ chức phát quà và phát thiệp cưới trên máy bay, đề nghị trải thảm và đặt một quầy phục vụ riêng trong sân bay...
Cũng có một yêu cầu họ đặt ra mà phía chính quyền vẫn chưa đáp ứng là bắn pháo hoa trong tiệc cưới. Chúng tôi đã liên hệ Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch thì bộ cho biết theo quy định, không được phép bắn pháo hoa ở tiệc cưới. Tôi cho rằng chúng ta cần có những quy định linh hoạt hơn.
* Theo đại sứ, để Việt Nam trở thành điểm đến những sự kiện như tổ chức tiệc cưới của giới nhà giàu, yếu tố nào đóng vai trò quyết định?
- Yếu tố quyết định nhất là bảo đảm đi lại thuận tiện, cấp thị thực nhanh chóng. Vì giới nhà giàu các nước thường không quan tâm nhiều đến giá cả. Ví dụ, khi ban tổ chức thuê 2 chuyên cơ Vietjet đi từ Ấn Độ sang Việt Nam, giá vé trung bình một người đắt gấp rưỡi bình thường.
Thứ hai, địa điểm phải đẹp, tiện lợi và khác biệt. Ấn Độ là một xã hội coi trọng đẳng cấp nên họ rất quan tâm đến yếu tố phục vụ. Sở dĩ nhiều người Ấn Độ chọn tổ chức ở Thái Lan vì nước này phục vụ rất tốt.
* Ngoài quảng bá du lịch Phú Quốc, tiệc cưới đình đám này còn mang lợi ích nào khác cho đất nước?
- Đa số khách mời của cô dâu, chú rể đều là những người siêu giàu. Hiện có nhiều tỉ phú từ cả 29 tiểu bang của Ấn Độ đang có mặt ở Phú Quốc. Họ đang thảo luận về dệt may, đầu tư khách sạn. Tôi được biết là đã có một số hợp đồng được ký kết.
Việc đưa đám cưới này về Việt Nam có thể xem là thay đổi cục diện bản đồ đám cưới. Trước đây, giới nhà giàu Ấn Độ khi nghĩ đến tổ chức tiệc cưới ở nước ngoài, họ thường chỉ biết đến đảo Phukhet của Thái Lan, đảo Bali của Indonesia, UAE và Ý.
Kéo theo hệ thống dịch vụ hùng hậu
"Quy mô tiệc cưới rất lớn. Họ mang theo một đội phục vụ lên đến 225 người, bao gồm 50 đầu bếp, 30 người lên kế hoạch cho các công đoạn trang phục, làm tóc, trang trí không gian diễn ra các sự kiện...
Ngoài ra, còn có 145 nhạc công, DJ, ca sĩ, nghệ sĩ múa, ca sĩ opera đến từ các quốc gia: Ý, Mỹ, Thái Lan, Anh, Thụy Sĩ, Ấn Độ và cả Việt Nam.
Họ yêu cầu mang nhiều loại rượu khác nhau từ Ấn Độ đến Phú Quốc. Đó cũng là một thách thức.
Phía ban tổ chức tiệc cưới cũng nhờ tôi tìm những thợ làm tóc có uy tín với giá trọn gói 12.000 USD để phục vụ làm tóc cho các vị khách trong ba ngày chính của sự kiện", ông Phạm Sanh Châu chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận