Người dân chuyển đồ ra khỏi chung cư Carina Plaza sau vụ cháy - Ảnh: HỮU THUẬN
Ban quản lý (BQL) và ban quản trị (BQT) chung cư tôi đang ở (tại Q.Thủ Đức, TP.HCM) đang đau đầu trong việc xử lý hành vi của một cư dân nữ: bấm chuông báo cháy nhiều lần gây hoang mang cho toàn chung cư.
Không cháy cũng bấm chuông
Camera an ninh của chung cư ghi lại đầy đủ cảnh một phụ nữ do đậu xe sai quy định, bị bảo vệ nhắc nhở nên người này lén đi về khu vực có nút chuông báo cháy và nhấn chuông nhiều lần.
Thời điểm đó mới hơn 20h, lại đúng lúc vừa mới xảy ra sự cố cháy ở chung cư Carina Plaza nên tiếng chuông báo cháy thỉnh thoảng reo lên ngắt quãng làm ai cũng giật mình, nháo nhác.
Một số nhà có con nhỏ, dù các cháu đang ngủ ngon giấc, cũng vội bế con ra khu vực thang thoát hiểm...
Lực lượng bảo vệ và cư dân chung cư dò xét từng ly từng tí vẫn không phát hiện điều gì bất thường, trong khi tiếng chuông báo cháy vẫn tiếp tục reo nhiều lần nữa.
Lúc này, mọi người đều nghĩ đến tình huống báo cháy giả do lỗi kỹ thuật. Chỉ sau khi kiểm tra lại camera an ninh, BQL mới phát hiện hành động phá rối của người phụ nữ này.
Phẫn nộ, nhiều người dân lên tiếng đòi xử lý nghiêm đối với hành động gây hại cộng đồng này.
Nhiều người sử dụng cả những ngôn từ không mấy thiện cảm, cho đó là "tội ác", "âm mưu khủng bố"...
Một cư dân đặt vấn đề: "Làm như vậy sẽ tạo ý nghĩ là báo cháy giả và mọi người không cảnh giác khi có chuông báo cháy. Nếu sau đó cháy thật, mọi người chạy không kịp thì sao?".
Tuy nhiên, BQL và BQT chung cư chưa biết nên xử lý sao trường hợp này. Chắc cũng chỉ nhắc nhở người vi phạm và vụ việc sẽ "chìm xuồng" như các vụ xả rác bừa bãi, hút thuốc trong khu vực để xe, đốt vàng mã ở khu vực thang thoát hiểm hay để đồ vật rơi từ trên cao xuống suýt gây tai nạn... từng xảy ra ở chung cư này.
Khó xử lý vi phạm, vì sao?
"Điểm tựa" mà BQT, BQL các chung cư sử dụng để xử lý hành vi vi phạm chính là "Quy chế vận hành, sử dụng nhà chung cư" do chính cư dân biểu quyết thông qua tại hội nghị nhà chung cư.
Hình ảnh cắt trên clip và bình luận của cư dân phản ứng về trường hợp ấn chuông báo cháy giả - Ảnh chụp màn hình
Tuy nhiên, trên thực tế, biện pháp xử lý các hành vi có thể gây hại cho cộng đồng thường thấy là nhắc nhở trực tiếp với người vi phạm, nặng hơn là đăng tải trên trang cộng đồng để cư dân biết, in thông báo kèm chứng cứ dán ở bảng tin các tòa nhà.
BQT, BQL không có đủ thẩm quyền để xử phạt hay chế tài để cưỡng chế những cá nhân gây ra những hành vi này. Do vậy, có tình trạng "lờn thuốc".
Cũng có chung cư áp dụng việc cúp nước, cúp điện, từ chối không giữ xe đối với các hộ, cá nhân có hành vi có thể gây hại hoặc không chấp hành quy định của chung cư.
Tuy nhiên, cách làm này không ổn và dễ dẫn đến kiện tụng vì suy cho cùng, BQT không có quyền tước bỏ hoặc hạn chế một số quyền được bảo đảm trong hợp đồng mua bán căn hộ giữa bên bán và bên mua.
Sau thảm họa tại chung cư Carina Plaza, các cơ quan chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ, đặc biệt là việc tăng cường nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh các chủ đầu tư trong việc đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tại các chung cư.
Tuy nhiên, để mang lại cuộc sống bình yên cho cộng đồng cư dân sinh sống tại các chung cư, cần có thêm biện pháp đủ mạnh để chấn chỉnh các hành vi có thể gây mất an toàn cộng đồng.
Thiết nghĩ chính quyền địa phương cần tham gia mạnh hơn trong việc thực hiện các chế tài hành vi vi phạm ở chung cư.
Khi BQT lập biên bản các vi phạm đúng quy định và chuyển hồ sơ đến chính quyền, lãnh đạo chính quyền cần ra quyết định xử phạt hành chính. Một quyết định xử phạt như vậy chắc chắn có hiệu lực mạnh mẽ hơn so với nhắc nhở của BQT, BQL chung cư.
Còn nếu đại diện chính quyền có thể tham gia BQT chung cư, chắc chắn việc chấn chỉnh các vi phạm sẽ hiệu quả hơn nữa.
* Ông LÊ HOÀNG CHÂU (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):
Nên sử dụng cả hai biện pháp
Để điều chỉnh hành vi sinh hoạt của cư dân trong chung cư, nên sử dụng cả hai biện pháp là điều chỉnh hành vi thông qua dư luận và xử phạt hành chính.
Chính cư dân trong chung cư đóng vai trò giám sát, lên án các hành vi vi phạm những quy định sinh hoạt trong chung cư, từ đó điều chỉnh hành vi của từng cư dân.
Mặt khác, nhân viên bảo vệ, BQL và BQT có trách nhiệm ngăn chặn ngay những hành vi vi phạm.
Nếu cư dân cố tình vi phạm và thách thức thì BQT có thể lập biên bản, sau đó gửi đến UBND phường đề nghị xử lý về mặt hành chính.
Việc đại diện chính quyền địa phương phải tham gia BQT của các tòa nhà chung cư là không cần thiết, hơn nữa lực lượng cán bộ phường, xã cũng không đủ người để đáp ứng với số lượng chung cư hiện được xây dựng rầm rộ.
Tuy nhiên, cũng cần quy định rõ trách nhiệm của UBND phường, xã trong hoạt động của BQT, trong đó có việc tham gia các cuộc họp của BQT.
T.LONG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận