Lâu nay người nước ngoài (chủ yếu là bác sĩ Trung Quốc) hoạt động khám chữa bệnh có nhiều sai phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, một nghịch lý là Sở Y tế TP chỉ được xử phạt. Đơn vị không có quyền rút chứng chỉ hành nghề vì do Bộ Y tế cấp. Đây là lý do khiến PKTQ "lờn" xử phạt.
BS CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Ảnh: H.L.
Cảnh báo trên vừa được bác sĩ (BS) CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi - phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) - đưa ra trong buổi báo cáo tình hình thực hiện Luật khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM. "Bệnh viện Từ Dũ liên tiếp tiếp nhận các ca tai biến sản khoa như phá thai khi thai quá lớn, phá thai nhưng kéo khúc ruột thai phụ ra ngoài, làm thủng ruột... Với những ca tai biến này, nếu không cấp cứu kịp thời có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong"- BS Nhi nói.
Đình chỉ chỗ này, "mọc" chỗ kia
Có một thực tế trong nhiều năm qua, dù bị cơ quan chức năng năm lần bảy lượt xử phạt, tước giấy phép, các phòng khám Trung Quốc (PKTQ) vẫn thay tên đổi họ để hoạt động. Sau mỗi lần "lột xác", các PKTQ trở nên "chuyên nghiệp" hơn, đáng sợ hơn về khả năng lôi kéo, "chặt chém" người bệnh.
Liên quan đến các sai phạm tại các PKTQ, Sở Y tế TP.HCM vừa quyết định tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động đối với phòng khám đa khoa Khang Thái (Q.10). Ngoài tước giấy phép hoạt động 6 tháng, phòng khám này còn bị lập biên bản xử phạt hành chính với số tiền hơn 240 triệu đồng.
Qua kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xác định phòng khám này có các hành vi vi phạm như để người không có trình độ chuyên môn trực tiếp khám, điều trị bệnh; sử dụng người không chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trong thời gian bị tạm đình chỉ hoạt động và quảng cáo quá phạm vi chuyên môn...
Đặc biệt, trước đó vào tháng 1-2019, phòng khám này từng bị xử phạt hành chính 51 triệu đồng vì lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ, không bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên theo tìm hiểu, sau khi bị tước giấy phép hoạt động, phòng khám này vẫn đang hoạt động dưới vỏ bọc của phòng khám Đ.V. (Q.11, TP.HCM).
Sáng 5-5, liên hệ vào số điện thoại công khai trên fanpage phòng khám đa khoa Khang Thái, chúng tôi được một người xưng là "bác sĩ" nói: "Hiện phòng khám đa khoa Khang Thái đang tu sửa nên đã chuyển qua phòng khám Đ.V. ở Q.11". Sáng cùng ngày, "bác sĩ" này tư vấn cho một nữ sinh phá thai 15 tuần "đảm bảo an toàn". "Thai của em hơi lớn nên chi phí khá cao, khoảng từ 3-5 triệu đồng. Đây chỉ là bảng phí, còn muốn biết chính xác em cần đến phòng khám. Xử lý trong vòng 1-2 tiếng đồng hồ và về ngay trong ngày nên em yên tâm" - nữ "bác sĩ" nói.
Một PKTQ khác bị phản ảnh về tình trạng lạm dụng chẩn đoán và điều trị để thu tiền của bệnh nhân đến khám phụ khoa và dịch vụ sức khỏe sinh sản là phòng khám đa khoa Đại Đông (Q.Tân Bình).
Bước đầu, Thanh tra Sở Y tế TP yêu cầu phòng khám này tạm ngừng hoạt động, đề nghị Phòng y tế Q.Tân Bình giám sát, đồng thời tổng hợp hồ sơ để xử lý vi phạm hành chính. Đây là phòng khám mà báo Tuổi Trẻ từng nhiều lần phản ánh về các vi phạm trong việc chẩn đoán, điều trị thu tiền của bệnh nhân, đặc biệt khám phụ khoa và sức khỏe sinh sản... bị cơ quan chức năng xử phạt.
Bác sĩ "không có chuyên môn"
Vừa qua Sở Y tế TP.HCM tổ chức những buổi tập huấn, đào tạo sản khoa như: phụ khoa, soi cổ tử cung, kế hoạch gia đình cho BS Trung Quốc. Thông qua đợt tập huấn này mới "lòi" ra trình độ yếu kém của họ.
"Tất cả BS hướng dẫn đều nhận xét rằng các BS Trung Quốc còn phải học nhiều vì chưa nắm được căn bản. Qua kiểm tra hồ sơ gồm kết quả siêu âm, toa thuốc... của các phòng khám BS Trung Quốc thấy rõ họ không có khả năng về lĩnh vực sản khoa. Đây là nguyên nhân dễ hiểu của các ca tai biến sản khoa nghiêm trọng" - BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi nói.
BS Mỹ Nhi cho hay: điểm chung của những ca tai biến này đều liên quan đến các phòng khám tư nhân có BS Trung Quốc hành nghề. Trong đó, có nhiều điểm bất hợp lý giữa phác đồ điều trị và kết quả chẩn đoán, giữa chi phí khám chữa bệnh và bệnh lý bệnh nhân đang mắc phải.
"Nhiều bệnh nhân chỉ mắc bệnh sinh lý nhưng phòng khám vẫn đưa ra phác đồ điều trị bệnh lý, rồi kê nhiều loại thuốc không phù hợp tình trạng bệnh, lạm dụng kháng sinh... Từ đó, các phòng khám này "đôn" chi phí điều trị lên rất cao. Thông thường, chi phí một ca thấp nhất là từ 10 - 15 triệu đồng, cao nhất trên 50 triệu đồng" - BS Mỹ Nhi nói.
Đại diện Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho rằng hiện nay gần như không ai đánh giá, giám sát năng lực chuyên môn BS Trung Quốc; không ai giám sát phác đồ, việc kê toa, lạm dụng thuốc của họ.
Nên giao quyền cho địa phương?
PGS.TS Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho rằng lâu nay người nước ngoài (chủ yếu là BS Trung Quốc) hoạt động khám chữa bệnh có nhiều sai phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, một nghịch lý là Sở Y tế TP chỉ được xử phạt chứ không có quyền rút chứng chỉ hành nghề vì do Bộ Y tế cấp. Đây là lý do khiến PKTQ "lờn" xử phạt.
"Khi phát hiện các phòng khám này vi phạm, chúng tôi tiến hành xử phạt hành chính và đóng cửa hoạt động trong vòng 6 tháng. Sau đó làm kiến nghị gửi đến Bộ Y tế để tiếp tục giải quyết. Tuy nhiên, việc này tốn rất nhiều thời gian, vậy nên với thời lượng 6 tháng thì hầu hết các phòng khám này lại hoạt động trở lại" - ông Thượng nói.
Trước thực trạng này, ông Thượng đề nghị cần chỉnh sửa và bổ sung quy định cấp chứng chỉ hành nghề các BS nước ngoài hành nghề tại Việt Nam. Đồng thời, cho phép Sở Y tế có quyền thẩm định, giám sát và xử phạt các PKTQ hành nghề tại TP.HCM.
Tương tự, BS Mỹ Nhi cũng đề nghị các cơ quan chức năng liên quan cần có quy định nghiêm khắc trong việc xử lý BS Trung Quốc. "Nên chăng Bộ Y tế giao quyền cho cơ quan chủ quản y tế tại địa phương đảm trách trong việc thẩm định, cấp chứng chỉ hành nghề và giám sát. Khi đó nếu có phản ánh thì việc xử lý sẽ được nhanh hơn" - BS Mỹ Nhi kiến nghị.
Nhức nhối chuyện "vẽ bệnh moi tiền"
Từ tháng 1 đến tháng 4-2019, báo Tuổi Trẻ nhận được rất nhiều phản ảnh của người bệnh về hàng loạt PKTQ vẽ bệnh moi tiền. Trong đó có phòng khám đa khoa Khang Thái (Q.10) và Đại Đông (Q.Tân Bình). Đây là hai phòng khám bị Sở Y tế TP.HCM tước giấy phép và tạm đình chỉ hoạt động do sai phạm.
Cụ thể, chị T.T. (25 tuổi, ngụ TP.HCM) tố cáo phòng khám Đại Đông đang bị tạm đình chỉ nhưng vẫn hoạt động. "Bệnh nhân đến phá thai bị lừa gây mê, may tử cung mất cả 50 triệu đồng. Ngoài ra khám phụ khoa do bị ít huyết trắng, phòng khám này dùng nước Natri pha với dung dịch sát khuẩn Povidine rồi bảo là thuốc, tính 1,8 triệu đồng/chai" - T. nói.
Đặc biệt là trường hợp chị N.T.N.D., có thai ngoài ý muốn. Đầu năm 2019, chị D. đến phòng khám phá thai, được bác sĩ đưa ra ba mức giá 1,8 triệu đồng, 3,8 triệu đồng và 8,8 triệu đồng. "Tôi chọn mức giá 3,8 triệu đồng nhưng khi đang phẫu thuật, bác sĩ nói phát hiện thêm u nang, phải cắt bỏ với giá 10,8 triệu đồng. Tôi nói không có tiền nhưng họ ép ký giấy nợ rồi trả sau, do đau quá nên tôi phải chấp nhận" - chị D. nói.
Ngoài lĩnh vực sản khoa, phòng khám này còn bị các nạn nhân tố cáo các bác sĩ vẽ bệnh nam khoa, từ một triệu chứng được kê thêm nhiều triệu chứng để moi tiền.
Anh M., một bệnh nhân khác, đến phòng khám Khang Thái cắt bao quy đầu. Khi đang nằm trên bàn mổ, các bác sĩ ở đây lại nói phát hiện bị thêm bệnh cần đóng thêm tiền để mổ gấp. Mổ xong, họ tính đủ thứ chi phí và kê hóa đơn đến 40 triệu đồng, bắt anh M. viết giấy nợ mới cho về.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận