19/04/2016 13:36 GMT+7

Bất lực với nạn đào vàng trái phép

ĐĂNG NAM - TẤN VŨ - TẤN LỰC
ĐĂNG NAM - TẤN VŨ - TẤN LỰC

TTO - Theo phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam, sở dĩ nạn khai thác vàng trái phép nổi lên trở lại rõ ràng là do cán bộ ở địa phương buông lỏng quản lý, thậm chí có hiện tượng móc ngoặc, bảo kê.

Năm 2015, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi sử dụng lực lượng công binh dùng thuốc nổ “tấn công” hàng chục hầm vàng trên đỉnh Cà Nhút (xã Trà Quân) và điểm khai thác vàng ở xã Trà Thanh (huyện Tây Trà) - Ảnh: Trần Mai
Năm 2015, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi sử dụng lực lượng công binh dùng thuốc nổ “tấn công” hàng chục hầm vàng trên đỉnh Cà Nhút (xã Trà Quân) và điểm khai thác vàng ở xã Trà Thanh (huyện Tây Trà) - Ảnh: Trần Mai

 

Vụ 4 phu vàng tử vong do ngạt khí ngày 12-4 vừa qua tại một hầm vàng ở thôn Dung, xã Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (Quảng Nam) mới đây một lần nữa dấy lên hồi chuông báo động về nạn khai thác vàng trái phép diễn ra rầm rộ tại các tỉnh miền Trung mà Quảng Nam là điểm nóng.

Phía sau những cánh rừng hoang vu ấy, cả nghìn con người ngày đêm đào bới tung đại ngàn để tìm vàng. Chẳng mấy ai đổi đời với giấc mơ vàng nhưng chỉ thấy sinh mạng rẻ rúng, cuộc sống bấp bênh và môi trường bị tàn phá khủng khiếp.

Rừng tan hoang như chiến địa

Chúng tôi tìm đến khu vực đồi Sim, núi Kẽm (2 trong 7 điểm khai thác chui quanh khu mỏ vàng Bồng Miêu) thuộc huyện Phú Ninh. Lẫn trong âm thanh sầm sập của đoàn xe chở quặng cho Công ty vàng Bồng Miêu là tiếng máy nổ chát chúa từ hàng chục lán trại đang đào vàng trái phép bên dưới khu đồi.

Cả khu đồi Sim rộng hàng chục hecta bị đào bới nham nhở như chiến địa, đất đai lở lói, cây rừng khô khốc dưới nắng chói chang. Ở lưng đồi, các ngách đào ăn sát vào chân đường dẫn vào mỏ, để lộ ra các mảng đất đá dốc đứng sựng. Bên dưới, dòng nước đỏ ngầu từ các máng tuyển quặng xuôi theo triền dốc nhập vào con mương lớn trước khi chảy vào hồ Phú Ninh.

Trên một triền đồi, ba người đàn ông trung niên đang hì hục xúc đất đổ vào máng đãi. Thấy có người lạ, nhóm phu vàng này lặng lẽ tắt máy nổ rồi lảng đi. Ngay lập tức các nhóm đào đãi vàng lân cận cũng rục rịch di chuyển.

Tiếp tục đi sâu vào núi Kẽm, các lán trại dựng san sát trên lưng chừng núi. Bên trong, nhiều bao tải chứa quặng vàng để la liệt san sát bên cạnh những nồi niêu, chén đũa chỏng chơ.

Khác với kiểu đào vàng lộ thiên ở đồi Sim, tại đây các phu vàng đang cố khoét sâu vào lòng núi Kẽm. Họ tìm vỉa vàng trong đó. Tất cả hoạt động này đều diễn ra công khai, đúng như lời của Thành, một phu vàng: “Chẳng mấy khi thấy công an hay dân phòng lên đây. Mà có lên thì tụi tui cũng đi hết rồi”.

Ngược lên các huyện miền núi Quảng Nam như Nam Giang, Phước Sơn, Tây Giang... tình trạng còn rầm rộ và ồ ạt hơn. Đặc biệt tại khu vực khe Vinh (xã Tà Pơo, huyện Nam Giang).

Vừa từ khe Tà Vạt ra, Quang - một phu vàng người Nghệ An - cho biết có nghe tin 4 phu vàng đồng hương vừa chết ở Thạnh Mỹ. Theo lời Quang thì hầu như khắp các điểm khe Vinh, Tà Vạt, khe 85 đến khe Ring, khe Cọp, bãi Gió ở khu vực này đều có người làm vàng.

“Từ khi thủy điện ngăn nước thì việc đi vào các bãi dễ lắm, không như trước phải đi mất gần cả ngày đường”, Quang nói.

Chính quyền bất lực

Theo trung tá Hà Thế Xuyên - phó trưởng Công an huyện Nam Giang, hiện có khoảng 400 - 500 người tại các điểm khai thác vàng trái phép ở huyện này. Tuy nhiên theo các phu vàng thì riêng điểm nóng khe Vinh đã có hơn 800 người. Hai con số khác biệt rất lớn.

Vì sao không ngăn chặn, dẹp bỏ được nạn vàng “tặc”? Trả lời câu hỏi này, chủ tịch UBND huyện Nam Giang Alăng Mai nói rất “nghị quyết”: các văn bản chỉ đạo việc truy quét, đẩy đuổi vàng “tặc” ra khỏi rừng là không thiếu, tuy vậy “việc chỉ đạo, triển khai gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều hành”(?).

Cũng theo ông Mai, các chủ bãi vàng (phần lớn đến từ các tỉnh phía Bắc) thường cấu kết với dân địa phương, sau đó đưa phu vàng (chủ yếu là người dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa) vào sâu trong các cánh rừng sát biên giới Việt - Lào để khai thác vàng lậu. Địa phương cũng đã tổ chức truy quét, đẩy đuổi nhưng chỉ được lần đầu, sang lần 2 là thông tin lộ hết, không tài nào bắt được chủ bãi.

Ông Mai nói: “Rất nhiều lần lực lượng truy quét đã đập, đốt hết lán trại, máy móc, nhưng khi vừa rút ra khỏi rừng thì chỉ vài ngày sau các hầm vàng đã hoạt động trở lại như chưa hề có chuyện xảy ra. Chỉ cần trả công thật cao thì dân địa phương sẵn sàng gùi, cõng máy móc vào rừng để cung cấp cho các chủ bãi. Vì thế không thể quản lý nổi”.

Trung tá Hà Thế Xuyên thừa nhận “không thể quản lý xuể” số lao động từ địa phương khác đến và việc ngăn chặn cũng gần như bất lực vì quá nhiều đường vào rừng.

Trung tá Xuyên cho biết: do luật quy định việc khai thác khoáng sản không nằm trong khung xử lý hình sự, mà chỉ xử phạt hành chính với mức xử phạt rất cao (từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng/vụ) nên khi bắt giữ được một vụ thì các chủ bãi chấp nhận bỏ máy móc bởi tiền xử phạt cao hơn tài sản bị thu giữ.

Riêng số phu vàng làm thuê thì chỉ có cách đẩy đuổi họ ra khỏi rừng chứ không xử phạt được. “Nhưng ra khỏi rừng vài hôm rồi họ cũng quay lại bằng nhiều đường khác nhau”, ông nói.

Theo xác nhận của ông Nguyễn Văn Lên - phó Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh, hiện có 7 chủ bãi đang hoạt động trái phép trong khu bảo tồn. Đơn vị đã nhiều lần truy quét, thậm chí còn dùng cả bộc phá để đánh sập hầm vàng nhưng sau khi lực lượng rút đi thì dân làm vàng lại tràn vào lấy đá xay nhuyễn để tuyển quặng. “Đã làm đủ cách nhưng không ngăn chặn được vàng “tặc” ở khu bảo tồn Sông Thanh”, ông Lên thừa nhận.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Toàn - trưởng Phòng TN-MT huyện Phước Sơn, nơi có đến 17 doanh nghiệp đăng ký khai thác vàng, việc đẩy đuổi vàng “tặc” tốn nhiều kinh phí nhưng cuối cùng vẫn thất bại vì các lực lượng không thể nào có mặt mãi trong rừng để canh chừng được.

Hàng chục lán trại đào đãi vàng trái phép thi nhau cày xới đồi Sim - Ảnh: Tấn Lực
Hàng chục lán trại đào đãi vàng trái phép thi nhau cày xới đồi Sim - Ảnh: Tấn Lực

 

Có dấu hiệu bảo kê

 

Về vụ 4 phu vàng chết do ngạt khí tại hầm vàng thôn Dung, dù vụ việc đang trong quá trình điều tra nhưng cả Sở TN-MT lẫn Công an tỉnh Quảng Nam đều có chung nhận định: hầm vàng này hoạt động được không loại trừ có sự tiếp tay của chính quyền cơ sở. Bởi hầm vàng trên chỉ cách khu dân cư 700m và hoạt động hơn hai năm nhưng chính quyền “không hề hay biết”.

Đại tá Lê Văn Hồng, trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an Quảng Nam, cho rằng: “Có sự quen biết tiếp tay bảo kê những hầm vàng ở thôn Dung. Đó là biết nhưng không truy quét”.

Trước đó, vào cuối năm 2015, trong báo cáo gửi tỉnh Quảng Nam, chính quyền huyện Nam Giang cho rằng “ở địa phương không có dấu hiệu khai thác vàng trái phép”.

Ông Alăng Mai nói rằng “không đổ lỗi cho ai” và thừa nhận: “Nhiều cán bộ ở xã rất yếu về năng lực quản lý địa bàn. Riêng trong vụ ngạt khí làm 4 phu vàng chết ở thôn Dung thì có nhiều cán bộ biết mà không báo cáo, chứng tỏ có sự tiếp tay. Vì vậy sắp tới huyện sẽ xem xét lại trách nhiệm quản lý địa bàn của lãnh đạo địa phương. Nếu để xảy ra sẽ kỷ luật thẳng tay”.

Cũng theo ông Mai, sắp tới huyện sẽ xin chủ trương từ tỉnh cho phép đánh sập hết các hầm vàng trái phép trên địa bàn. Như vậy “may ra hạn chế được phần nào nạn khai thác trái phép”.

Trong khi đó theo trung tá Hà Thế Xuyên, không loại trừ việc các lực lượng kiểm lâm, dân quân, biên phòng và cả công an bị các chủ bãi mua chuộc nên trong nhiều vụ truy quét, lực lượng chưa xuất quân nhưng trong bãi các phu vàng lẫn máy móc đã biến sạch.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Văn Thu - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết sắp tới sẽ mở các chuyên án để làm rõ tình hình đào đãi vàng trái phép trên địa bàn. Không phải bây giờ mà trước đây tỉnh Quảng Nam đã nghiêm cấm các hành vi đưa người, phương tiện vào rừng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

“Tôi đã bàn với giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam sẽ làm rốt ráo từng vụ việc. Làm thành các chuyên án rõ ràng, điều tra xử lý nghiêm và không bao che cho bất kỳ ai”, ông nói.

Cũng theo ông Thu, liên quan đến vụ ngạt khí làm 4 phu vàng chết mới đây, phía cơ quan chức năng đã mời vợ của một đội trưởng Công an huyện Nam Giang lên để điều tra làm rõ.

“Lực lượng này không làm được thì dùng lực lượng khác để kiểm soát” - ông Thu nói.

Lực lượng công binh kiểm tra địa chất và đặt thuốc nổ đánh sập một hầm vàng - Ảnh: Trần Mai
Lực lượng công binh kiểm tra địa chất và đặt thuốc nổ đánh sập một hầm vàng - Ảnh: Trần Mai

Sẽ chấn chỉnh cán bộ

Ông Phan Việt Cường - phó bí thư thường trực tỉnh Quảng Nam - cho biết thường vụ Tỉnh ủy sẽ quyết liệt xử lý tình trạng đào đãi vàng trái phép ở tỉnh này.

Theo ông Cường, sở dĩ nạn khai thác vàng trái phép nổi lên trở lại rõ ràng là do cán bộ ở địa phương buông lỏng quản lý, thậm chí có hiện tượng móc ngoặc, bảo kê.

“Vợ của một đội trưởng công an huyện bị mời làm việc vì liên quan đến vụ 4 phu vàng chết ngạt thì không ổn. Tỉnh ủy sẽ rà soát toàn bộ công tác cán bộ qua vụ việc này để chấn chỉnh ngay tình trạng làm vàng trái phép. Không thể để Quảng Nam lúc nào cũng mang tiếng vì đào vàng và phá rừng” - ông Cường nói.

 

Một vụ giải cứu các nạn nhân sập hầm vàng tại huyện Bắc Trà My, Quảng Nam - Ảnh: Tấn Vũ
Một vụ giải cứu các nạn nhân sập hầm vàng tại huyện Bắc Trà My, Quảng Nam - Ảnh: Tấn Vũ

Ngồi bên mép con suối khe Vinh (xã Tà Pơo, huyện Nam Giang), Vũ - một trong số phu vàng có gần 10 năm gắn bó với rừng núi Nam Giang - nói giọng tỉnh rụi, bảo rằng chuyện chết chóc vì sập hầm hay ngạt khí là bình thường. 

“Mùa này ít sập hầm, mùa mưa mới đáng nói”, vẫn cái giọng tỉnh rụi.

Nói rồi Vũ kể lại chuyện sập hầm vàng ở khe nước Voi (giáp giữa hai xã Tabing và Chàval của huyện Nam Giang) vào tháng 6-2011 (làm 6 phu vàng quê Kỳ Sơn, Nghệ An chết tức tưởi).

Hôm đó Vũ cùng nhóm bạn làm ở một hầm bên cạnh. Thấy trời mưa to quá nên tất cả anh em các lán bảo nhau tạm nghỉ chờ trời tạnh hẵng vào hầm.

Các nhóm ra lán ở mép suối nghỉ ngơi nhưng rồi chủ bãi đi kiểm tra phát hiện tự ý nghỉ làm nên đã yêu cầu tất cả quay lại hầm. Khi vừa chui vào hầm đâu chừng hơn một giờ đồng hồ thì tai nạn xảy ra.

“Cả 6 phu vàng chết tức tưởi trước sự bất lực của toàn bãi, bởi chẳng thể nào đào xới để cứu anh em ngay lúc đó được. Phu vàng phận hèn mọn lắm”. Vũ nhớ lại với đôi mắt đỏ hoe.

Cũng theo Vũ, khác với các công trình thủy điện hay các mỏ than nếu xảy ra sập hầm thì các phương tiện ứng cứu sẽ đến nhanh, tức thì. Còn với phu vàng, nếu sập hầm mà có người đến cứu thì xương đã mục vì không dễ gì tìm kiếm.

“Chúng tôi phải tự cứu mình bằng cách nhớ các con đường hầm, từng ngõ ngách. Mỗi người phải tự khoét cho mình một ngách trú ẩn riêng, nhỡ có sự cố thì có thể lết đến đó chờ. Nhưng khả năng sống sót khi sập hầm vàng chờ ứng cứu hầu như vô vọng.

Hầm vàng sâu hun hút, dài cả trăm mét, nhỏ xíu, không có bản đồ, không ghi chép, không ai biết ai... thì dù có sập hầm người ta tìm xác cũng không được làm sao có thể cứu sống” - Vũ vẫn ráo hoảnh.

ĐĂNG NAM - TẤN VŨ - TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên