Ông Trần Bê chỉ nơi được cho là phát hiện một vỏ đạn nghi đã bắn ông Ng. - Ảnh: Duy Thanh |
Ông Bê kể: "Sau ba năm phục vụ quân đội, năm 1979 tôi xuất ngũ về xã Ninh Giang (huyện Ninh Hòa, tỉnh Phú Khánh) làm du kích xã".
"Tối 18-10-1981, như thường lệ, tôi đi tuần tra và có đến nhà ông Huỳnh Chiếm Phái, lúc đó là đội trưởng đội 4 sản xuất của xã Ninh Giang, thì thấy nơi này có đông đảo nông dân đang họp bàn kế hoạch sản xuất, có sự tham dự của ông P.Ng. là chủ tịch UBND xã Ninh Giang".
"Sau đó tôi về sớm. Khoảng 21g30, tôi đang ngủ với con thì nghe tiếng súng nổ ở phía cầu Bầu. Tôi vùng dậy, chộp cây súng AR-16 (hồi đó du kích xã được trang bị loại súng này) dựng ở đầu giường, rồi chạy về hướng súng nổ. Tại đầu cầu phía đông, tôi thấy ông Ng. nằm sóng soài, bất động..."
"Tôi giơ súng lên trời bắn liền ba phát đạn để báo động cho lực lượng dân quân tập trung theo quy định".
"Thế nhưng, sáng 19-10-1981 tôi bị mời lên Công an huyện Ninh Hòa và bị bắt tạm giam luôn ở đấy bốn ngày, sau đó được chuyển vô trại giam Công an tỉnh Phú Khánh ở Nha Trang vì bị tình nghi là người bắn ông Ng".
"Tôi kêu oan ngay từ những ngày đầu tiên bị bắt và suốt thời gian bị giam cầm, bị nhục hình..."
"Ba năm sau, trưa 25-9-1984, tôi được cán bộ trại giam đưa lên phòng làm việc, ở đây họ đọc “Quyết định đình chỉ điều tra” của Viện KSND tỉnh Phú Khánh với nội dung: “Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ, tang vật có tại hồ sơ thấy rằng chưa có đủ cơ sở, bằng chứng để kết luận Trần Bê về tội giết chết ông P.Ng. đêm 18-10-1981”.
"Và họ trả tự do cho tôi ngay buổi trưa hôm đó".
"Tôi về quê với thân hình tiều tụy, răng rụng nhiều cái, mắt mờ một con (giờ thì mù hẳn). Ba mươi mấy năm nay, tôi vẫn chưa nhận được một lời xin lỗi từ những người đã bắt tôi, nhốt tôi, đánh tôi".
"Năm 2000, tôi làm đơn khiếu nại, yêu cầu bồi thường, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa có văn bản trả lời: “Sự việc xảy ra đã 19 năm, khi đó Bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam đầu tiên (năm 1985) chưa ra đời, nên chưa quy định điều luật “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội”.
"Mặt khác, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội này đã hết (năm năm kể từ khi sự việc xảy ra) nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa không thể tiến hành các yêu cầu đòi bồi thường về vật chất và danh dự của ông”.
"Từ đó đến nay tôi tiếp tục làm đơn khiếu nại, yêu cầu bồi thường nhưng không được giải quyết, thậm chí người ta còn nói rằng tôi đã rút đơn khiếu nại".
* Ông Nguyễn Văn Kháng (Viện trưởng Viện KSND tỉnh Khánh Hòa): Đã hết thời hiệu để đòi bồi thường Trước đây ông Trần Bê có gửi đơn khiếu nại, yêu cầu bồi thường vì bị bắt giam oan, nhưng khi công an và viện kiểm sát mời làm việc thì ông tự nguyện rút đơn. Viện KSND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản trả lời ông Bê rằng vụ việc đã hết thời hiệu và không có căn cứ để bồi thường. * Luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa): Cần phải bồi thường Việc Viện KSND tỉnh Khánh Hòa từ chối giải quyết bồi thường cho ông Bê với lý do hết thời hiệu hoặc do đã rút đơn khiếu nại cần phải được xem xét giải quyết khách quan, toàn diện theo hướng có lợi cho những người bị hàm oan. Việc dùng thủ tục “thời hiệu” để từ chối giải quyết yêu cầu đòi bồi thường cho những người bị oan như vậy là máy móc, vô cảm với những đau thương, mất mát của người bị oan. Nhà nước ta không thể để xảy ra tình trạng làm oan người vô tội mà không xin lỗi, không bồi thường. Để giải quyết dứt điểm vụ án oan hơn ba thập kỷ qua, thiết nghĩ cơ quan tư pháp trung ương cần xem xét và có chỉ đạo Viện KSND tỉnh Khánh Hòa sửa chữa những sai lầm trong quá khứ, tháo gỡ vướng mắc thủ tục của pháp luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước theo hướng có lợi và đảm bảo cho những người bị oan. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận