Đồng thời, thị trường sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh cơ cấu hàng hóa theo hướng ngày càng có nhiều đơn vị tham gia đầu tư sản phẩm nhà ở phân khúc bình dân, giá rẻ, phục vụ nhu cầu mua để ở của số đông người nhập cư đô thị có thu nhập thấp.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện thành phố có gần 480.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang ở chung với cha mẹ, người thân; trong đó gần 80.000 hộ cán bộ, công chức, viên chức và 13.000 hộ dân bị di dời trong các dự án chỉnh trang đô thị không đủ điều kiện bồi thường hoặc bồi thường không đủ để mua nhà ở thương mại.
Ngoài ra, còn có khoảng 300.000 hộ nhập cư có nhu cầu thuê nhà ở xã hội. Diện hộ thu nhập thấp trên địa bàn cũng đang có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội rất lớn. Trong khi đó diện tích bình quân đầu người chỉ đạt 7,7m2/người, thấp hơn mức chỉ tiêu mà thành phố đặt ra là 10m2/người.
Đánh giá về xu hướng đầu tư bất động sản trung cấp bình dân tại TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, thị trường bất động sản thành phố năm 2016 và năm 2017 có thêm trên 30.000 sản phẩm nhà ở; trong đó, căn hộ thuộc phân khúc cao cấp chiếm 20,3%, căn hộ thuộc phân khúc trung cấp chiếm 60,3% và còn lại là căn hộ thuộc phân khúc bình dân. Từ năm 2017 trở đi, thị trường sẽ tiếp tục có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường bất động sản có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị.
Theo các chuyên gia, việc gia tăng sản phẩm nhà đất bình dân, giá rẻ đang là tín hiệu lạc quan cho thị trường bất động sản TP.HCM. Tuy nhiên những dự án thuộc phân khúc này hiện nay vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu mua để ở của hàng trăm ngàn hộ gia đình nhập cư. Điều này đang đặt ra vai trò và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp để cùng với chính quyền địa phương chăm lo nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp.
Để phát triển thêm nhà ở xã hội, cùng với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, TP.HCM đang kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư với cam kết mạnh mẽ về chính sách hỗ trợ thuế, đất đai, thủ tục hành chính gắn với chương trình cải tạo chung cư xuống cấp, nhà trên và ven kênh rạch, cải tạo các khu dân cư cũ.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục cho phép việc chuyển đổi một phần nhà tái định cư không còn nhu cầu sử dụng sang nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở cho các trường hợp bị giải tỏa, di dời nhưng không đủ điều kiện mua nhà ở thương mại, giúp người dân thu nhập thấp có nhà ở hợp pháp, ổn định cuộc sống.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với diện tích đất hơn 140 ha, quy mô hơn 44.700 căn và phấn đấu hoàn thành khoảng 30.000 căn. Để đạt được chỉ tiêu đề ra, theo Sở Xây dựng, UBND thành phố cần giao UBND các quận huyện vùng ven rà soát quỹ đất để điều chỉnh quy hoạch, bố trí quỹ đất sạch cho xây dựng nhà ở xã hội. Cùng với đó, Chính phủ cần có chính sách cho vay vốn ưu đãi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội; điều chỉnh lãi suất vay mua nhà ở xã hội ở mức từ 3-3,5%/năm, thời hạn cho vay tối thiểu 20 năm, ân hạn cho người vay chưa phải trả lãi từ 6 tháng đến 3 năm.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiệp hội đã khuyến nghị các doanh nghiệp cần cơ cấu lại đầu tư, chuyển hướng mạnh vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền, phát triển cả nhà cho thuê giá rẻ để phục vụ nhu cầu của người có thu nhập trung bình. Việc phát triển mạnh phân khúc nhà ở vừa túi tiền sẽ giúp tái cân bằng thị trường và giảm thiểu rủi ro trong thị trường bất động sản hiện nay.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho rằng, UBND thành phố cần có quy hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở bình dân, để hình thành các khu đô thị vệ tinh dành cho người có thu nhập thấp. Ngoài ra, để phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị Chính phủ và Quốc hội sớm xem xét, bổ sung danh mục chi ngân sách Nhà nước cho nhà ở xã hội, để tái cấp vốn ngay từ đầu năm 2017 đồng thời hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho các dự án nhà ở xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận