Như đã thông tin, rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra chỉ vì quên bật đèn xe hoặc bật đèn xe sai quy định.
Sau đây là vài chia sẻ của tài xế Trương Nhất Vương gửi đến Tuổi Trẻ Online.
Bật đèn xe đúng thời điểm không gây khó chịu
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 có những quy định mới về thời gian cũng như các yêu cầu phải sử dụng đèn ở những nơi bắt buộc phải bật đèn chiếu xa hay chiếu gần rất hữu ích.
Tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm cần thiết mà các lái xe cần biết để sử dụng đèn chiếu sáng đúng luật và đảm bảo an toàn khi lái xe.
Theo quy định, các lái xe phải bật đèn chiếu sáng từ 18h hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau.
Kinh nghiệm của nhiều lái xe cho thấy trời tranh tối tranh sáng (chập choạng) lái xe phải bật đèn đờ mi (theo cách gọi của lái xe nhưng trong kỹ thuật lại gọi là đèn kích thước hay đèn vị trí).
Đèn kích thước có độ sáng nhỏ không gây lóa mắt, bật đèn kích thước nhằm thông báo cho các xe khác biết vị trí cũng như kích thước chiếc xe của bạn.
Việc bật đèn chiếu sáng chỉ thực hiện khi trời đã sập tối và lái xe cảm thấy tầm nhìn hạn chế.
Bật đèn chiếu sáng đúng thời điểm không chỉ giúp lái xe có tầm quan sát tốt mà không gây khó chịu cho người và các xe cộ ở chiều ngược lại.
Cách sử dụng đèn pha (chiếu xa) và đèn cốt (chiếu gần) hiệu quả
Qua nhiều năm làm giáo viên dạy lái xe tôi biết rất nhiều lái xe mới không biết công tắc mở đèn chiếu sáng, cũng như cách sử dụng công tắc đổi đèn chiếu xa sang chiếu gần và ngược lại.
Ai cũng biết trong khu vực đông dân cư, nội thành phố, thị xã, thị trấn có đèn chiếu sáng, qua hầm chui lái xe chỉ được sử dụng đèn chiếu gần. Đèn chiếu xa chỉ sử dụng ở ngoài khu vực đông dân cư, nơi không có đèn đường.
Lái xe phải chuyển từ đèn chiếu xa sang chiếu gần khi gặp xe ngược chiều, hoặc những nơi có người đi bộ qua đường.
Khoảng cách tốt nhất để không gây lóa mắt và gây nguy hiểm cho xe cộ đi ngược chiều là khoảng 100m.
Khi hai xe cách nhau ở khoảng cách trên, các lái xe chuyển đèn chiếu xa về chiếu gần. Và thời điểm tốt nhất để chuyển đèn chiếu gần sang chiếu xa nhằm tăng khả năng quan sát cho các lái xe là khi hai xe ngang mặt nhau.
Việc các lái xe sử dụng đèn chiếu sáng đúng kỹ thuật, đúng thời điểm giúp hạn chế rất nhiều vụ tai nạn giao thông do đèn chiếu sáng gây lóa mắt, khiến lái xe ngược chiều không thấy đường.
Bên cạnh tác dụng soi sáng vào ban đêm, đèn chiếu sáng trên các phương tiện còn giúp ích rất nhiều trong việc xin đường chuyển hướng, quay đầu xe.
Các lái xe giàu kinh nghiệm khi chuyển hướng ban ngày cũng như ban đêm ngoài việc xi nhan báo hướng rẽ, họ có thể dùng đèn chiếu sáng để cảnh báo hoặc gây sự chú ý với các xe ngược chiều.
Tùy từng tình huống giao thông mà các lái xe có thể nháy đèn pha, cũng có khi là tắt hẳn đèn chiếu sáng.
Mục đích của việc nháy đèn hay tắt đèn chiếu sáng để gây sự chú ý, buộc lái xe ngược chiều tập trung, giảm tốc độ, nhường đường cho xe chuyển hướng, quay đầu an toàn.
Trăm hay không bằng quen tay
Tất cả các lái xe mới trước mỗi chuyến đi, đặc biệt là các chuyến chạy đêm nên nhờ người hiểu biết, có kinh nghiệm hướng dẫn cho vị trí cũng như cách sử dụng các loại đèn.
Mỗi xe mỗi khác, do đó không phải ai cũng biết và sử dụng công năng các loại đèn. Chịu khó tập luyện mất khoảng vài ba phút sẽ sử dụng thành thạo, sẽ không gây mất an toàn cho mình và các phương tiện khác và tránh được những tai nạn đáng tiếc.
Để biết vị trí công tắc bật đèn kích thước; đèn sương mù (đèn vàng); đèn cảnh báo nguy hiểm; đèn chiếu sáng, cách tắt, mở; cách đổi đèn pha, cốt; cách nháy pha… không còn cách nào khác là chịu khó để ý và cần phải có thời gian làm quen với xe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận