03/05/2019 06:50 GMT+7

Bắt đầu làm việc từ 7h30, 8h, hay 8h30?

M.HƯƠNG - P.TUẦN - H.KHÁ ghi
M.HƯƠNG - P.TUẦN - H.KHÁ ghi

TTO - Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi đề xuất thống nhất giờ làm việc của các cơ quan hành chính trên toàn quốc bắt đầu từ 8h30, nghỉ trưa 60 phút và kết thúc lúc 17h30.

Bắt đầu làm việc từ 7h30, 8h, hay 8h30? - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND Q.4 (TP.HCM). Giờ bắt đầu làm việc tại các cơ quan hành chính ở TP.HCM là 7h30 - Ảnh: TỰ TRUNG

Theo một thành viên ban soạn thảo dự thảo Bộ luật lao động, phương án đề xuất nói trên nhằm thống nhất giờ làm việc cơ quan hành chính nhà nước từ T.Ư đến địa phương, phù hợp với các quốc gia khác. 

Trong khi đó, khi được hỏi về vấn đề này, đa số ý kiến của các cán bộ, công chức đều không mặn mà với việc bắt đầu ngày làm việc từ 8h30.

* Ông Hồ Xuân Lâm (phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM):

Nên để địa phương quyết định thời gian làm việc

Ông Hồ Xuân Lâm

Ông Hồ Xuân Lâm (phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM)

Theo Bộ luật lao động hiện hành, thời gian làm việc là 8 giờ/ngày và 5 ngày/tuần. Điều quan trọng là trong thời gian làm việc người lao động phải làm việc hết năng suất, đạt hiệu quả.

Theo tôi, cần đảm bảo số giờ làm việc theo quy định chung, còn việc bắt đầu - kết thúc ngày làm việc vào lúc nào nên giao từng địa phương quyết định, căn cứ vào đặc điểm thời tiết, khí hậu, đặc trưng ngành nghề, phong tục, tập quán của từng vùng miền.

Khác với vùng nông thôn hay miền núi, ở các đô thị lớn như TP.HCM, cha mẹ thường phải đưa đón con đến trường. Do vậy, quy định thời gian làm việc cũng nên tiệm cận với giờ vào học - giờ ra về ở các trường để tạo thuận lợi cho cán bộ, công chức. 

Nếu bắt đầu ngày làm việc lúc 8h30 và kết thúc lúc 17h30 như đề xuất nói trên thì hơi trễ. Trong khi đó, phụ huynh vẫn phải ra đường sớm để kịp giờ học của con lúc 7h, sau đó đến chiều cũng phải tranh thủ đi đón con - dù không muốn cũng phải bớt xén giờ làm việc. Do vậy, tôi cho rằng bắt đầu làm việc lúc 8h là phù hợp hơn.

* Ông Lê Tấn Đạt (chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM):

Tránh ảnh hưởng đến người dân

Nội dung sửa đổi khung giờ làm việc mới phải tùy vào điều kiện địa lý, đặc điểm của từng địa phương. Theo tôi, nên giao lãnh đạo các tỉnh, TP quyết định khung giờ bắt đầu làm việc sao cho phù hợp, đặc thù từng địa phương để thuận tiện cho người dân.

Tại TP.HCM, có nhiều người dân liên hệ UBND phường, xã lúc 7h30 chứng thực hồ sơ để tranh thủ vào công ty làm việc. Tôi cho rằng thời gian bắt đầu làm việc của cơ quan hành chính lúc 7h30 như hiện nay là phù hợp. 

Việc điều chỉnh thời gian làm việc không chỉ ảnh hưởng đến cán bộ, công chức mà còn xáo trộn lịch sinh hoạt chung của người dân khi cần liên hệ cơ quan hành chính, nên cần phải cân nhắc.

* Bà Huỳnh Thị Ngọc Bích (chánh văn phòng UBND Q.9, TP.HCM):

Bắt đầu làm việc lúc 8h là hợp lý

Tôi e rằng đề xuất trong dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi là không ổn, chưa phù hợp với thực tế công việc hiện tại.

Cụ thể thời gian bắt đầu làm việc của cơ quan hành chính lúc 8h30 là quá trễ, sẽ ảnh hưởng đến việc đưa con đi làm của cán bộ, công chức. Ngoài ra, khi thời gian bắt đầu làm quá trễ sẽ rút ngắn thời gian ăn trưa, nghỉ ngơi, ảnh hưởng đến việc hồi phục sức khỏe cũng như sự tỉnh táo để làm việc buổi chiều. 

Nếu thời gian nghỉ trưa rút ngắn còn một giờ như đề xuất, việc ăn uống, nghỉ ngơi sẽ rất cập rập.

Theo tôi, thời gian bắt đầu làm việc của cơ quan hành chính từ 8h là hợp lý. Khung giờ này giúp cán bộ, công chức có thời gian chuẩn bị cho ngày làm việc mới như: tập thể dục, ăn sáng, đưa con đi học, chuẩn bị hồ sơ tài liệu cho công việc.

* Ông Võ Ngọc Đồng (giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng):

Hết sức thận trọng khi thay đổi giờ làm

Ông Võ Ngọc Đồng

Ông Võ Ngọc Đồng (giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng)

Theo tôi, việc có thay đổi giờ làm việc, bắt đầu từ 8h30 hay giữ nguyên như hiện nay cần phải đưa ra lấy ý kiến của đối tượng bị điều chỉnh, các chuyên gia, bàn luận hết sức kỹ lưỡng trước khi áp dụng. 

Phải có một đánh giá, nghiên cứu hết sức thận trọng, chính xác vì cốt yếu của việc thay đổi giờ làm việc hay giữ nguyên như hiện nay thì mục tiêu cao nhất vẫn là hiệu quả công việc mang lại cho xã hội.

Việc thay đổi giờ làm việc nên đánh giá ở nhiều khía cạnh như thời tiết, khí hậu vùng miền, nếp sinh hoạt của người dân từng vùng để điều chỉnh cho hợp lý. Ngoài ra, vấn đề hạ tầng giao thông cũng cần được nghiên cứu kỹ, vì hiện nay hạ tầng giao thông ở các tỉnh thành của Việt Nam không giống nhau.

Việc thay đổi giờ làm trong các cơ quan hành chính sẽ kéo theo rất nhiều thứ khác phải "chạy theo" như chuyện học hành của con cái và cả các sinh hoạt thường ngày của cán bộ, công chức, người dân nên cần phải nghiên cứu kỹ trước khi thay đổi.

Đề xuất hai phương án

Theo tờ trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện tại không có sự thống nhất giữa giờ làm việc của các cơ quan trung ương và địa phương. Các cơ quan trung ương bắt đầu làm việc lúc 8h, trong khi đa số địa phương bắt đầu từ 7h vào mùa hè hoặc 7h30 với mùa đông.

Ngay trên địa bàn Hà Nội cũng có sự khác nhau. Quy định hiện hành về thời gian bắt đầu làm việc chưa bảo đảm sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương; chưa phù hợp xu thế chung của các nước phát triển.

Chính vì thế, ban soạn thảo đã tham vấn ý kiến một số chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ, nhà quản lý, công chức và người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước để đề xuất hai phương án thống nhất về thời gian làm việc.

Phương án 1: bổ sung vào Bộ luật lao động quy định: "Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước"; thời gian làm việc dự kiến từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút.

Phương án 2: giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật lao động, mà quy định tại các văn bản hành chính (đối với các bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP do chủ tịch UBND tỉnh, TP quyết định).

Đ.B.

Có nên quy định "cứng" thời gian làm việc?

Theo ông Đặng Như Lợi - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, chuyên gia về lao động, việc làm, việc quy định "cứng" thời gian làm việc là không cần thiết. Trường hợp nếu có quy định thì cũng quy định như thế nào để tạo thuận lợi cho người dân khi đến làm việc với các cơ quan công quyền.

Còn TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên viện trưởng Viện Khoa học, lao động và xã hội - cho rằng nếu tất cả từ trung ương đến địa phương, các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cùng đi làm vào giờ cố định như đề xuất thì ùn tắc đường hết.

Và quy định giờ làm việc như vậy có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân khi các doanh nghiệp vẫn làm việc từ 7h hoặc 7h30 sáng. "Nếu quy định thời gian bắt đầu làm việc như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất thì khi muốn làm việc với cơ quan hành chính, doanh nghiệp phải đợi à?" - bà Hương đặt vấn đề.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đồng tình với quan điểm của TS Hương khi cho rằng quy định giờ làm thế nào để giảm ách tắc giao thông, tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân khi đến làm việc tại các cơ quan công quyền. "Muốn quy định giờ làm việc thì phải có đánh giá các tác động, nhưng dù quy định thế nào cũng phải tạo thuận lợi cho người dân" - ông Huân nhấn mạnh.

Về thời gian nghỉ trưa như dự thảo Bộ luật lao động quy định 60 phút/ngày, cả ông Huân và TS Hương đều cho rằng quy định này không mới vì luật hiện hành cũng quy định nghỉ trưa 60 phút. Còn trong thực tế, có thể có nơi nghỉ 90 phút, có nơi nghỉ 120 phút, nhưng mọi người vẫn đảm bảo làm đủ 8 giờ/ngày.

ĐỨC BÌNH

Tăng giờ làm thêm, đừng để người lao động thiệt thòi

TTO - Đề xuất mới của Bộ Lao động - thương binh và xã hội về thời gian làm thêm tối đa 400 giờ/năm, tăng hơn 100 giờ/năm so với quy định hiện hành, chưa hẳn là tốt cho người lao động.

M.HƯƠNG - P.TUẦN - H.KHÁ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên