Sáng 14-11, tại Hà Nội, với sự chứng kiến của phó đại sứ Vương quốc Anh và lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề, Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị (UTM) cùng Tổ chức giáo dục Pearson Vương quốc Anh đã ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác về đào tạo thể thao điện tử (eSports).
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Marcus Winsley - phó đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam - đánh giá: "Việc ký kết đánh dấu một mốc mới cho quan hệ đối tác giáo dục Anh - Việt khi Trường ĐH Công nghệ và Quản lý sẽ trở thành cơ sở đầu tiên ở Việt Nam giảng dạy chương trình Pearson BTEC ngành thể thao điện tử tại Học viện Thể thao điện tử đầu tiên ở Việt Nam".
"Sự kiện nhấn mạnh tiềm năng và tầm quan trọng ngày càng tăng của thể thao điện tử cũng như tham vọng của Việt Nam trong việc đảm bảo rằng có đủ điều kiện để tham gia vào một ngành đã tạo ra doanh thu toàn cầu hơn 1 tỉ USD" - ông Marcus Winsley nhấn mạnh.
Với việc ký kết này, UTM sẽ trở thành tổ chức đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đào tạo chương trình cao đẳng BTEC ngành eSports, do Pearson cung cấp.
Theo đó, học viên khi tham gia học eSports tại UTM sẽ được đào tạo theo chương trình do BTEC cung cấp với các môn học như:
- Hệ sinh thái về thể thao điện tử;
- Phân tích kỹ năng và chiến thuật;
- Lập kế hoạch cho một dự án;
- Phân tích trò chơi;
- Triết lý thiết kế trò chơi;
- Cách thức tổ chức sự kiện, giải đấu,
- Livestream về thể thao điện tử….
Những môn học này hỗ trợ phát triển hệ sinh thái giải trí kỹ thuật số đang vươn lên mạnh mẽ tại Việt Nam hiện nay. Quá trình học tập được kiểm soát chặt chẽ bởi Pearson, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.
Khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ nhận được bằng tốt nghiệp cao đẳng hệ chính quy do UTM cung cấp và bằng cao đẳng BTEC của Vương quốc Anh. Bằng cao đẳng BTEC được công nhận tại 340 trường đại học trên thế giới, tiếp nhận đào tạo chuyển tiếp đối với 1.500 bằng cấp chính quy.
eSports hiện nay là một ngành công nghiệp rất tiềm năng và phát triển nhanh trên thế giới. Sự phát triển bùng nổ của eSports kéo theo sự tăng trưởng của hàng loạt lĩnh vực khác. Từ đó, eSports không chỉ trở thành một bộ môn thể thao hiện đại mà còn hình thành nên một ngành công nghiệp có giá trị tỉ đô trong nền kinh tế.
Năm 2022, lượng khán giả toàn cầu theo dõi eSports là 532 triệu người và có tốc độ tăng trưởng mỗi năm là 8,1% (giai đoạn 2020-2025).
Tại SEA Games 31, đoàn thể thao eSports Việt Nam giành tổng cộng 10 bộ huy chương thuộc 8 tựa game, góp phần ghi tên Việt Nam lên bản đồ eSports thế giới.
Đến với SEA Games 32, tuyển eSports Việt Nam tham dự với 44 vận động viên, thi đấu 5 bộ môn với 7 nội dung, tính tới thời điểm hiện tại đã mang về cho Việt Nam 1 huy chương vàng bộ môn Đột Kích và 1 huy chương bạc ở môn Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã đưa thể thao điện tử vào giảng dạy và đào tạo như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore...
Trong khi đó, nguồn nhân lực phục vụ trong ngành eSports tại Việt Nam hầu hết không được đào tạo bài bản và thường chuyển từ các ngành nghề khác sang.
Do đó, theo các chuyên gia, để Việt Nam theo kịp xu thế và sự phát triển eSports trên thế giới, việc xây dựng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực này là rất cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận