Hàng tết đã được bung ra nhiều tại các siêu thị, một loạt “kịch bản” giá cũng đã hoàn thành - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Vừa kiểm tra lại lịch cung cấp hàng cho các điểm phân phối, ông Phan Đình Thái, giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho hay Vĩnh Thành Đạt đã nắm trong tay khoảng 4,5 triệu quả trứng gà, vịt các loại/tháng để kinh doanh mùa cao điểm tết. Tổng lượng trứng này được công ty chia đều ra để bán trước, trong và sau tết.
"Công ty cũng đã chuẩn bị thêm nguồn dự trữ 1 triệu quả để "châm" hàng "nếu thị trường quá nóng", ông Thái nói.
Bắt đầu cao điểm
Ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica, cho biết từ giữa tháng 11-2018, Bibica đã triển khai khởi động cho mùa tết 2019 với sản lượng lên đến 3.000 tấn hàng tết, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Còn tại Công ty Vissan, trên 3.000 tấn thịt heo và thịt bò tươi sống, tăng 30% so với năm ngoái, cùng khoảng 3.500 tấn thực phẩm chế biến các loại đã được "bơm" dần ra thị trường.
Với giá trị quy đổi ước tính 800 tỉ đồng, ông Nguyễn Hoàng Hải, phó phòng thị trường Công ty Vissan, cho hay việc Vissan tăng cung 15-30% so với tết năm ngoái cũng không nằm ngoài kỳ vọng thị trường sẽ hút khách, nhất là khi nhiều điểm sáng về chỉ số kinh tế hứa hẹn người tiêu dùng sẽ rút hầu bao chi tiêu nhiều hơn.
Trong khi đó, nhà phân phối có điểm bán nhiều nhất hiện nay trên cả nước là Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) cho hay cũng đang bắt đầu tiêu thụ dần 150.000 tấn hàng hóa, trị giá hơn 3.000 tỉ đồng để bán trong mùa tết.
Trong đó, lượng hàng bình ổn tham gia ở địa bàn TP.HCM tăng 5-30% tùy nhóm các mặt hàng, tăng cao nhất tập trung ở nhóm thực phẩm tươi sống gồm rau củ quả, trái cây, các loại thịt và nước giải khát, bia.
Giám sát diễn biến giá
Theo Sở Công thương TP.HCM, đến nay nguồn hàng hóa cung ứng Tết Kỷ Hợi 2019 đã được đảm bảo cho các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu lên đến gần 18.500 tỉ đồng, tăng hơn 612 tỉ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị tết năm ngoái. Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị cho nguồn hàng bình ổn thị trường khoảng 7.532 tỉ đồng.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, một trong những nhiệm vụ quan trọng của sở khi phối - kết hợp với Cục Quản lý thị trường lẫn UBND 24 quận huyện trên địa bàn thành phố trong đợt cao điểm mua sắm tết là kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường đến doanh nghiệp, tăng cường công tác kiểm tra lượng hàng cung ứng, chủ động điều phối, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm cục bộ, tăng giá đột biến.
Riêng tại các chợ truyền thống, UBND các quận huyện có trách nhiệm yêu cầu ban quản lý chợ giám sát giá cả, chất lượng hàng hóa, không để hiện tượng nâng giá các mặt hàng thiết yếu trong những ngày cận tết.
Ông Nguyễn Anh Đức, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, nhận xét tổng doanh thu thị trường tết năm ngoái trên địa bàn TP.HCM thu về hơn 18.600 tỉ đồng cho thấy quy mô thị trường của TP.HCM thời điểm tết rất lớn.
"Thị trường tết sẽ là lăng kính phản chiếu mức chi, cũng như "sức khỏe" tài chính của người dân..." - ông Đức nói và cho biết hệ thống Saigon Co.op sẽ tiếp tục chủ động tham gia giữ giá tốt thông qua chương trình bình ổn thị trường của thành phố, thấp hơn tối thiểu 5-10% so với các mặt hàng cùng loại trên thị trường.
Bia dồi dào, giá nhích nhẹ
Dù nguồn cung dồi dào, cả nguồn sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu, giá bia vẫn có dấu hiệu nhích nhẹ vì tâm lý bán hàng ngày tết.
So với mọi năm, giá bia bán lẻ "lộn xộn" nhất hiện thuộc về Heineken khi đã tăng khoảng 15.000 đồng/thùng so với thời điểm tháng 12-2018, giữ mức 385.000-390.000 đồng/thùng.
Còn các thương hiệu bia khác như Sapporo, Tiger, Saigon Special, "333" tăng khoảng 3.000-5.000 đồng/thùng.
Tuy vậy, mãi lực vẫn chưa có dấu hiệu tăng đột biến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận