20/01/2015 09:44 GMT+7

Bắt đầu bằng tính tự giác

NGUYỄN THIỆN
NGUYỄN THIỆN

TT - Sau ý kiến “Ðừng để hoa độc sinh sôi”, chúng tôi giới thiệu thêm một đề xuất biện pháp hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi, tạo tính tự giác tuân thủ các quy tắc văn minh đô thị.

Cầu Thủ Thiêm từ
Cầu Thủ Thiêm từ "phố đi bộ" trước phút giao thừa thành "phố rác" sau phút giao thừa - Ảnh tư liệu

Nhiều lần, cứ đi bằng xe máy một vòng trên các đường phố Sài Gòn, tôi thường nhận thấy tại các ngã ba, ngã tư nào mà cả hai phía đều ít xe cộ lưu thông và không có cảnh sát giao thông đứng gác thì có nhiều người đi xe máy vượt đèn đỏ, cứ thế người này nối tiếp người kia. Tuy nhiên, nếu có vài xe đi trước dừng trước vạch thì kéo theo nhiều xe chạy sau dừng theo, cho dù một số người khác vẫn lách qua các xe dừng để vượt đèn đỏ.

Ðiều đó cho thấy tính tự giác của một số người có tác dụng tích cực đến nhiều người khác trong cộng đồng. Và nếu số người tự giác càng nhiều thì càng có khả năng dẫn dắt hành vi của nhiều người.

Và kết luận này có thể cho chúng ta nhiều phương cách để xây dựng một số thói quen tự giác trong cộng đồng, nhất là với các cộng đồng nhỏ có tổ chức, mọi người biết nhau như trong gia đình, như tại trường lớp học, ở công ty, các cơ quan và ngay khu phố trong hẻm.

Trước hết, chúng ta biết rằng một trong các mục tiêu quan trọng của giáo dục là xây dựng tính tự giác của con người.

Cụ thể: làm sao mà từ nhỏ, ở trong gia đình, khi ngủ dậy trẻ tự mình xếp chăn gối gọn gàng, lớn lên chút thấy nhà dơ thì tự động cầm chổi quét, đến giờ lấy bài vở ra học, ở trường lỡ làm sai điều gì như làm hỏng đồ đạc của lớp hay đá banh làm vỡ cửa kính của trường thì chủ động nhận lỗi dù không ai nhìn thấy... Khi ở gia đình và trường học mà tự giác đã trở thành thói quen thì lớn lên ra đường sẽ dừng xe khi gặp đèn đỏ cho dù không có cảnh sát giao thông và không có camera.

Tính tự giác trong hành động của một số người có tác dụng tích cực đến nhiều người khác, vì vậy cần vận dụng điều này để xây dựng một số thói quen tốt trong cộng đồng của mình.

Chẳng hạn, trong một doanh nghiệp hay trường học, nếu ban lãnh đạo và ban giám hiệu có thói quen cứ thấy rác trong khuôn viên nhà máy, nhà trường, dù đang mặc vest cũng cúi xuống lượm thì chắc chắn công nhân viên của đơn vị, học sinh sinh viên của trường cũng làm theo và dần dần mọi người sẽ hình thành thói quen tự giác lượm khi thấy rác.

Tương tự, chúng ta cũng có thể làm điều này trong con hẻm của mình với vai trò đầu tàu là các thành viên cấp ủy cơ sở, các bác cựu chiến binh, ban quản lý tổ dân phố..., chắc chắn hành động này sẽ nhanh chóng lan tỏa để thành phố luôn có được nhiều ngàn khu phố xanh sạch đẹp bằng ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh của cư dân.

Ðiều quan trọng hơn trong cộng đồng nhỏ của mình, khi ý thức của mọi người đã trở thành thói quen tự giác lượm rác thì họ sẽ lên tiếng phê phán khi có người xả rác, thành quả lúc ấy mới thật vững chắc và ảnh hưởng tốt đến trẻ em nhờ các tấm gương trước mắt hằng ngày.

Khi ra cộng đồng lớn, như ngoài đường phố, công viên... những người đã có thói quen tự giác lượm rác trong cộng đồng nhỏ của mình dễ trở thành người tự giác tuân thủ các quy tắc văn minh đô thị, chấp hành luật lệ giao thông.

Khi triển khai xây dựng tính tự giác trong cộng đồng nhỏ, không nên đặt ra nhiều việc, chỉ cần mọi người trong cộng đồng hình thành tốt một thói quen tự giác thấy rác thì lượm, tự khắc sẽ chuyển biến phần nào nhận thức cùng hành vi con người và rất dễ dàng rèn luyện tính tự giác khác.

Ðiều cần thiết là ở những nơi ấy cần được trang bị nhiều thùng rác để tiện cho việc thực hiện hành vi thấy rác thì lượm.

TP.HCM hiện có cả ngàn con đường, nghĩa là có đến hàng vạn con hẻm và hàng ngàn trường học, nhà máy, công ty. Việc triển khai xây dựng tính tự giác tại các cộng đồng nhỏ này là chuyện hoàn toàn trong tầm tay.

NGUYỄN THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên