Thời gian gần đây, dư luận đang nóng lên bởi những búc xúc về giá cước vận tải, trong đó có giá cước taxi, không chịu giảm giá hoặc chỉ giảm nhỏ giọt dù giá xăng đã nhiều lần giảm từ đầu năm đến nay.
Xăng dầu chiếm tới 50 - 70% giá thành của cước taxi, do vậy việc giảm giá xăng dầu sẽ có tác động rất lớn đến giảm giá cước taxi, người tiêu dùng mong mỏi điều đó và các hãng taxi phải đáp ứng điều đó.
Còn nhớ thời điểm giá xăng cao nhất giữa năm 2014 lên tới sát 26.000 đồng/lít xăng, giá cước taxi khi đó cao nhất ở mức 18.500 - 19.000 đồng/km tại TP.HCM. Thế nhưng so sánh với thời điểm hiện nay, giá xăng chỉ còn hơn 17.000 - 18.000 đồng/lít (tức là đã giảm tới khoảng 30%) nhưng giá cước taxi cao nhất vẫn đang giữ ở mức 17.000 - 18.000 đồng/km tại TP.HCM (tức chỉ giảm chưa tới 5%).
Giá cước taxi tại TP.HCM hiện lại đang cao hơn tại Hà Nội. Đơn cử, hiện nay giá taxi tại Hà Nội loại xe 7 chỗ chỉ từ 15.000 - 16.000 đồng/km, trong khi cùng loại xe đó giá cước taxi tại TP.HCM dao động từ 16.500 - 18.500 đồng/km.
Đặc biệt là loại xe 4 chỗ, giá cước tại Hà Nội chỉ từ 9.000 - 13.000 đồng/km, trong khi tại TP.HCM lên tới 14.500 - 16.000 đồng/km. Người tiêu dùng đang tự hỏi không biết vì sao có sự chênh lệch này trong khi điều kiện kinh doanh vận tải, các cơ chế về chính sách thuế, đăng ký phương tiện... như nhau, thậm chí TP.HCM còn được ưu ái hơn về mức phí đăng ký phương tiện?
Giá xăng tăng thì giá cước lập tức tăng, nhưng giá xăng giảm thì giá cước không chịu giảm hoặc cố tình chây ì giảm giá với nhiều lý do khó có thể chấp nhận, nếu có giảm thì tỉ lệ rất nhỏ, không tương xứng với tỉ lệ giảm giá xăng dầu. Đây là căn bệnh cố hữu của mối quan hệ giữa giá xăng và giá cước taxi tồn tại nhiều năm nay, đã được nói rất nhiều nhưng không thay đổi bao nhiêu.
Chúng ta đã có những quy định điều chỉnh trách nhiệm của các hãng taxi phải xác định lại giá cả cho phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá (ở đây là giá xăng dầu).
Luật giá năm 2012, đặc biệt là nghị định 109/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về giá đã quy định hình thức và mức phạt đối với hành vi vi phạm, nhưng dường như chưa “thấm” đối với các doanh nghiệp vận tải, bởi những quy định này còn rất chung chung, thiếu cụ thể, chi tiết, nhất là về thời hạn phải điều chỉnh giá làm căn cứ để xử phạt.
Người tiêu dùng và xã hội đang đòi hỏi các doanh nghiệp vận tải, nhất là các hãng taxi, phải đứng trên lợi ích chung của xã hội và khách hàng, đặt lương tâm và trách nhiệm vào việc xác định giá cước vận tải một cách hợp lý hơn. Cùng với đó, việc quản lý giá của Nhà nước cũng cần điều chỉnh những điều bất cập để việc xử phạt các vi phạm có tính răn đe hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận