Mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái
Sáng 9-5, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội liên quan đến giá điện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu việc Chính phủ đã tiếp tục nghiên cứu, xác định phương án điều chỉnh giá điện phù hợp.
Việc này hạn chế tối đa tác động cộng hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến lạm phát, chi phí sản xuất, sinh hoạt của người dân, đồng thời bảo đảm nguồn lực đầu tư các dự án nguồn điện, lưới điện cho doanh nghiệp trong nước.
Cạnh đó, bảo đảm nguồn cung xăng dầu, điện, giữ vững an ninh năng lượng, an ninh lương thực trong nước.
Cũng từ 4-5, giá điện đã tăng 3% sau 4 năm kìm giữ, lên mức giá bán lẻ bình quân là 1.920,37 đồng một kWh.
Tuy nhiên, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc tăng giá này của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khiến tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm.
Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra điểm không hợp lý trong cơ cấu giá của Bộ Công Thương. Đó là giá điện sinh hoạt vẫn bù chéo cho sản xuất, trong đó chiếm số lượng lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tức là giá điện sinh hoạt của người dân chi trả cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp.
Ủy ban Kinh tế cũng nhận xét chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng.
"Đó là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái", Ủy ban Kinh tế đánh giá.
Theo số liệu giá thành sản xuất kinh doanh điện 2022 được Bộ Công Thương công bố cuối tháng 3, giá sản xuất là 2.032,26 đồng một kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
Tức là với mức giá bán lẻ bình quân ở thời điểm trước khi tăng giá là 1.864,44 đồng, EVN bán lỗ gần 168 đồng một kWh.
Chi phí đầu vào tăng vọt, chủ yếu từ khâu phát điện tăng gần 21,5% so với 2021 do giá nhiên liệu (than, khí, dầu) leo thang. Vì vậy, tập đoàn này lỗ hơn 36.294 tỉ đồng từ sản xuất kinh doanh điện. Sau khi trừ đi thu nhập tài chính khác, số lỗ của EVN năm ngoái hơn 26.200 tỉ đồng.
Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ này, sớm có giải pháp khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện.
Cũng theo cơ quan của Quốc hội, phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn, được thể chế hóa trong các chiến lược, cơ chế khuyến khích phát triển của Chính phủ.
Tuy nhiên, nguồn năng lượng này còn khó khăn khi điện tái tạo sản xuất không bán được, chưa thống nhất được về cơ chế giá. Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch điện VIII chậm ban hành.
Ngoài đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá làm rõ thêm vấn đề, Ủy ban Kinh tế lưu ý Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ các dự án về nguồn và lưới điện, chủ động phương án nguồn cung than, khí phục vụ sản xuất và vận hành hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới.
Sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu có bất cập
Về vấn đề giá xăng dầu, Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra việc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu có bất cập.
Theo đó việc trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu dẫn đến bỏ lỡ tín hiệu của thị trường, tiềm ẩn sự không minh bạch.
Chẳng hạn, trong kỳ điều hành, nếu chỉ sử dụng quỹ thì giảm bớt biên độ biến động giá. Nhưng nếu giá thế giới tiếp tục tăng trong kỳ điều hành tiếp theo mà quỹ bình ổn không còn thì giá trong nước sẽ cao hơn thế giới.
Ủy ban này cũng dẫn ý kiến của Thanh tra Chính phủ, nhận xét quản lý quỹ bình ổn giá "còn nhiều vấn đề, gần như không quản lý được.
Trong bối cảnh nghị định 95/2021 sau hơn một năm có hiệu lực bộc lộ những vướng mắc, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi để kịp thời tháo gỡ hạn chế trên thị trường xăng dầu.
Gần 200 hộ dân Cần Thơ phải sử dụng điện câu đuôi, đốt đèn dầu
Ngày 9-5, phản ánh với Tuổi Trẻ Online, nhiều hộ dân ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ cho biết cuộc sống gặp vô vàn khó khăn, tốn kém vì phải sử dụng thiết bị điện, hoặc bình ắc quy, đèn dầu. Lý do nơi đây chưa có hệ thống cấp điện từ phía công ty điện lực.
Anh Cao Văn Đúng (ngụ ấp Phước Thạnh, xã Thạnh Phú) nói: "Điện bắt qua sông quá xa nên không ổn định. Nhiều máy phát điện trong gia đình có lúc không sử dụng được. Một số thiết bị như máy lạnh đã bị hư hỏng".
Theo ghi nhận, do phải sử dụng điện câu đuôi cùng đường dây, nối vào rất nhiều hộ nên người dân ấp Phước Thạnh dù có điện nhưng cũng chỉ sử dụng được bóng đèn và quạt.
Ngoài ra, các dây điện câu đuôi được kéo tự phát qua sông, rạch nên tới mùa mưa bão sẽ nguy hiểm cho ghe tàu. Còn các hộ kinh kế khó khăn thì chịu nhiều thiệt thòi trong sinh hoạt hằng ngày.
Theo ông Từ Nguyễn Duy Tân - trưởng Phòng kinh tế hạ tầng huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, khu vực này có 530 hộ dân sinh sống, trong đó có 181 hộ phải sử dụng điện câu đuôi nhà hàng xóm.
"Trong bán kính từ 800m đến 1km phải có tối thiểu 25 hộ dân thì bên điện lực mới đầu tư lưới điện, còn ở đây có 14 hộ dân sống trải dài đến 2,8km. Năm 2017, huyện có gửi văn bản đến xin đầu tư tuyến điện từ nguồn vốn ODA. Nhưng do nguồn vốn có hạn nên ưu tiên các tuyến mang tính cấp bách như nhiều hộ dân sinh sống, chưa có lưới điện… , do đó 14 hộ dân ấp An Thạnh, xã Thạnh Phú chưa được đầu tư", ông Tân giải thích.
TỐNG KHOA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận