TTCT - Chuyện con của 4 cán bộ Quảng Ngãi bị buộc bồi thường gần 10 tỉ đồng vì đi du học theo đề án thu hút nhân tài nhưng không về phục vụ địa phương tuần rồi lại khiến dư luận bực tức. Vì sao cứ để tái diễn tình trạng “giựt tiền ngân sách” này? Và dường như bức tranh lớn hơn: ra đi bằng tiền nhà nước và ở lại nước ngoài nằm trong một bức tranh lớn hơn nữa: bất công xã hội, đã chưa được nhìn ra. Gọi đó là bất công bởi số tiền ngân sách chi cho con các ông bà này lần lượt là 1,9 tỉ đồng, 2,4 tỉ đồng, 3,5 tỉ đồng, 2,05 tỉ đồng.Cả bốn người nhận số tiền này để “đi học và về phục vụ quê hương, đất nước” đều không về, cũng chẳng phục vụ gì, song tất cả mới chỉ trả có 1,1 tỉ trong tổng số trên 10 tỉ đồng, và chỉ trả lại sau khi bị đòi hồi cuối năm ngoái.Phải nói là, xét riêng trong tỉnh Quảng Ngãi, con các ông bà liên quan trong vụ này (chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, nguyên trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nguyên trưởng Ban Tuyên giáo và giám đốc Sở Tài chính) khó có thể không giành được các suất đi học nước ngoài khi mà từ năm 2012, UBND tỉnh này đã có đề án “Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực trình độ cao giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh Quảng Ngãi”, định hướng đến năm 2015 đào tạo và thu hút 300 thạc sĩ và 20 tiến sĩ trong và ngoài nước, và từ năm 2016 đến 2020, cử đi đào tạo và thu hút 350 thạc sĩ, 25 tiến sĩ trong, ngoài nước.Tổng cộng, theo đề án, đào tạo đến 650 thạc sĩ và 45 tiến sĩ. Một kế hoạch đào tạo vô cùng đồ sộ so với một tỉnh có dân số là hơn 1,2 triệu người, trong đó dân sống tại thành thị - nơi các du học sinh này sống trước khi đi học - là 201.019 người.Càng khó mà rớt suất du học tại một tỉnh mà, khi tìm kiếm dữ kiện về giáo dục trên trang web của Sở GD-ĐT tỉnh này, không thấy nêu bật những trường lớp nào, trang “thống kê giáo dục” trống trơn với vỏn vẹn bốn chữ “Chưa có dữ liệu!”.ĐÀO TẠO “NHÂN TÀI”?Có lẽ, câu chuyện bắt đầu từ danh từ nghe có vẻ “linh thiêng” là “nhân tài”. Ở nhiều nước, người ta dùng một từ rất “con người” là “human resources”, tức tài nguyên nhân lực, chân thật và gần gũi, không hề sang phía ý nghĩa “nhân tài” như một thứ genius, génie (từ nguyên Latin genius chỉ định giới thần linh).Từ trong lịch sử, câu chuyện đầy tôn kính về “hiền tài là nguyên khí của quốc gia” là cần thiết ở giai đoạn dựng nước, khi người có học vấn còn như “lá mùa thu”, hầu hết các khoa bảng trí thức về nước đều vào hàng “yếu vi thiên hạ kỳ” (người thông minh khác thường) có thể giao ngay chức bộ trưởng, thứ trưởng... Nhưng cho tới năm 2020, khi mà các tấm bằng tiến sĩ, thạc sĩ là vô vàn, nội hàm của khái niệm “nhân tài” chắc chắn phải thay đổi, không thể nâng tầm những thanh niên mới chỉ đưa đi học thạc sĩ, tiến sĩ lên hàng “đào tạo nhân tài” một cách đơn giản dễ dàng được, như cách mà nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã làm. Vô hình trung, những du học sinh ấy đã được khoác sẵn một bộ “áo mão cân đai” cao kính, đóng gói sẵn trong hai chữ “nhân tài” vô song, dù ta đều biết chưa hẳn thạc sĩ hay tiến sĩ nào cũng sẽ là nhân tài.Chưa hết, bởi đã đứng sẵn trong nhóm được gọi trước là “nhân tài” thì các chính sách đãi ngộ khi đi du học phải vào hàng “trân trọng”. Nên không khó hiểu tại sao một tỉnh như Quảng Ngãi, dân số chỉ bằng 1/10 dân số TP.HCM, song lại cũng có một định hướng đào tạo những 650 thạc sĩ và 45 tiến sĩ cho đến năm 2020, chỉ thua TP.HCM có chút ít (tổng cộng 800 suất).Phải chăng đã có một sự hiểu sai, thực hành sai điều gọi là “meritocracy” (chế độ nhân tài, vốn để chỉ một hệ thống chính quyền trọng dụng những người có khả năng xứng đáng) chứ không chung quy tất cả là tài năng, nhất là khi “chưa đỗ ông nghè” đã khoác sẵn áo sống cùng chế độ ưu đãi du học bằng ngân sách với những điều khoản bồi thường cũng rất chung chung, có “níu áo” cũng không làm gì được như đã thấy?Mà vụ “đòi không xong” ở Quảng Ngãi không phải vụ đầu tiên: tháng 10-2005, TP Đà Nẵng từng kiện 15 sinh viên không chịu về phục vụ, có người với lý do phải ở lại “cày” vài năm kiếm tiền trả nợ rồi mới về. Và có lẽ cũng không phải vụ cuối cùng.Cần nói thêm là công chúng bình thường rất khó tiếp cận các niêm yết công khai về điều kiện, kết quả xét cấp học bổng đào tạo nhân tài như vậy, cũng như không rõ tìm ra các danh sách đó ở đâu ngay từ đầu. Sự thiếu công bố công khai này có góp phần vào việc che chắn các trường hợp “nhân bản vô tính” tương tự?CÓ THÊM BẤT CÔNG?Trong một bài phân tích trên World Education News & Reviews (2017), tác giả Stefan Trines từng mô tả: “Việt Nam hiện là một trong những thị trường sinh viên ra học ở nước ngoài năng động nhất trên toàn thế giới, chỉ sau các quốc gia gửi du học sinh ra nước ngoài hàng đầu như Trung Quốc và Ấn Độ”.Tác giả dẫn số liệu từ Viện thống kê UNESCO để so sánh: “Từ năm 1999 - 2016, số lượng sinh viên Việt Nam học tập ở nước ngoài đã bùng nổ đến 680%, từ 8.169 lên đến 63.703 sinh viên”.Theo tác giả, sự gia tăng ra nước ngoài học này là do tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam nên giới trung lưu ngày càng tăng, khoảng 33 - 44 triệu người vào năm 2020 (tùy nguồn dự đoán), và càng có khả năng cho con ra nước ngoài học, trong khi hệ thống đại học trong nước chỉ đáp ứng được 1/3 yêu cầu nhập học.Từ đó, nảy sinh các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam: “Chương trình có tên là 911, phát động năm 2013, dự kiến đến năm 2020 sẽ tài trợ ra nước ngoài học khoảng 10.000 ứng viên tiến sĩ với khoảng 15.000 USD/năm/sinh viên”. Đến đây, tác giả cho thấy một góc khác: “Mặc dù có các gia tăng tài trợ đó, vẫn có một đại đa số sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học, cho đến tận gần đây, bằng tự túc”.So với các số liệu ở đoạn trên, trừ đi con số lý thuyết là 10.000 ứng viên tiến sĩ, số sinh viên tự túc không phải là ít. Trong bối cảnh đó, việc các con cán bộ đi học bằng ngân sách rồi không về chính là bất công hai lần khi mà không phải ai cũng được tài trợ đi học. Mà đây mới là so sánh giữa các sinh viên du học với nhau (nhìn chung là con nhà có điều kiện).Còn một so sánh khác, cho thấy một bất bình đẳng khó hàn gắn.Hai nhà nghiên cứu Andrew Wells-Dang và Vu Thi Quynh Hoa của Viện nghiên cứu xã hội của LHQ (UNRISD) đã nhận xét rằng: “Nghèo đói, trong khi giảm theo thống kê quốc gia, lại tập trung vào các nhóm bên lề xã hội, chẳng hạn nông dân, dân tộc thiểu số, hộ gia đình mà chủ là nữ, người di dân và người khuyết tật. Nếu những xu hướng này tiếp diễn, xã hội Việt Nam có nguy cơ ngày càng bị chia rẽ giữa một tầng lớp thịnh vượng và các nhóm xã hội bị bỏ lại phía sau, trái với khát vọng thứ 10 của Mục tiêu phát triển bền vững về giảm bất bình đẳng”.Đang có một hiện trạng trong xã hội Việt Nam mà, theo tác giả, “Đối với thanh niên Việt Nam, công việc công nghiệp không nhất thiết vượt trội hoặc có địa vị cao hơn công việc nông nghiệp hoặc các công việc khác. Công nhân nhà máy phải đối mặt với điều kiện làm việc khó khăn; nông dân phải đối phó với những thách thức của nợ nần và khí hậu thay đổi. Mức lương thấp, chênh lệch về chất lượng giáo dục và các định kiến xã hội đều khiến thanh niên khó có thể xâm nhập vào nhóm thu nhập cao hơn hoặc có thể cải thiện địa vị xã hội. Những người trẻ tuổi lo lắng về sự bất bình đẳng về cơ hội ảnh hưởng đến hi vọng về một tương lai tốt hơn, đồng thời cũng có thể dẫn đến nghèo đói giữa các thế hệ. Bất trắc ở chỗ những rào cản này cứ tự củng cố. Sự phân cách chia rẽ ngày càng lớn giữa giàu và nghèo, thành phố và nông thôn, rất khó để hòa hợp...”.Vấn đề còn cho thấy câu hỏi nữa: khi đại học mới chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu số chỗ theo học, lực lượng lao động sắp tới, nhất là từ các gia đình khó khăn nêu trên, sẽ chủ yếu là từ cấp học nào?Trong một báo cáo của Vụ Lãnh sự (Bộ Ngoại giao Việt Nam) công bố năm 2012 mang tên Nhìn lại sự di dân ra nước ngoài có đoạn ghi nhận rằng bên cạnh các thế hệ người Việt di dân trước mà nay đã là thế hệ thứ tư, đã có “Một thế hệ trí thức mới người Việt hình thành và được phát triển chủ yếu ở Bắc Mỹ, Tây Âu và Úc trong các lĩnh vực khoa học và kinh tế quan trọng, như công nghệ thông tin và truyền thông, điện tử, vật liệu mới, sản xuất máy móc, điều khiển học, sinh học, quản lý kinh tế và chứng khoán...” (tr.31).Và trong một chương khác, báo cáo này gọi đó là sự “chảy máu chất xám”. Báo cáo thừa nhận: “Đa số sinh viên Việt Nam học tập ở nước ngoài không trở về nhà sau khi tốt nghiệp. Phần lớn sinh viên, khi được hỏi, nói rằng họ dự định ở nước ngoài để làm việc và có thêm kinh nghiệm trong các công việc được trả lương cao hơn. Một số sinh viên học tập ở nước ngoài từ những gia đình giàu có và có địa vị cao cũng không muốn trở về nhà sau khi hoàn thành nghiên cứu của họ, bởi vì họ có thể tìm thấy cơ hội việc làm tốt hơn và có thêm kinh nghiệm ở nước chủ nhà của họ hơn là ở Việt Nam” (tr.47).Như thế, căn bệnh “ở lại không về” đã được chẩn đoán từ năm 2012, song vẫn chưa có phương thuốc chữa, thậm chí, còn có điều kiện thuận lợi để bệnh phát triển.■Trong một khảo sát mang tên Cảm nhận về bất bình đẳng tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới thực hiện với 1.700 hộ gia đình tại các tỉnh Long An, Hà Tây, Quảng Nam (vùng nông thôn) và TP.HCM (công bố năm 2014), các tác giả đã trích một cảm nhận: “Người giàu và người nghèo đang ngày càng xa cách nhau. Tôi có cảm giác rằng người nghèo đã bị thiệt thòi. Có tiền, người giàu có thể đầu tư vào việc học tốt nhất có thể cho con cái họ, trong khi con em chúng ta cứ bị tụt lại mãi như câu nói 'Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa cứ quét lá đa'” (sđd tr.15/31).Cảm nhận bất bình đẳng trở nên phổ quát sâu sắc đến nỗi khiến các tác giả nhận xét: “Bất bình đẳng trong các cơ hội được xem là đáng lo nhất, đặc biệt ở những người trả lời khảo sát lớn tuổi và trong các khu vực nông thôn” (sđd, tr.19/31). Càng khảo sát sâu thì kết quả càng hiện rõ: “Các bất bình đẳng ở địa phương được tập chú đến nhiều hơn là các bất bình đẳng ở tầm quốc gia” và rằng “tùy từng tham chiếu về từng mối bất bình đẳng cụ thể mà những cái nhìn khác nhau”. Bất bình đẳng trong cơ hội giáo dục chính là một mối quan ngại cần có đối với các nhà chính sách. Tags: Tiến sĩDu họcTài năngChảy máu chất xámBất bình đẳngThạc sĩĐào tạo nhân tàiBồi thường tiền đào tạo
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM phải 'đá tiền đạo' khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình THẢO LÊ 23/12/2024 Ví như một đội bóng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xác định TP.HCM phải nằm trong đội hình chính và có vai trò đá tiền đạo.
Quyền lực của tỉ phú Elon Musk lớn cỡ nào? DUY LINH 23/12/2024 Sự kết hợp giữa tỉ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những cơn sóng làm chao đảo chính trường Mỹ.
Sáng nay 20 độ C, người dân TP.HCM khoác áo ấm ra đường LÊ PHAN 23/12/2024 Sáng nay 23-12, thời tiết TP.HCM lạnh, nhiệt độ giảm mạnh, người dân cảm nhận được cái lạnh rõ rệt dù trời có nắng.
Xe buýt lao qua đường tông xe máy và xe đạp, hai người nhập viện MINH HÒA 23/12/2024 Sáng 23-12, xe buýt chạy trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ lao qua làn đường ngược lại tông xe máy và xe đạp.