Sáng 20-7, tại TP.HCM đã diễn ra sự kiện Khuôn mẫu giới: Sinh học - Tự nhiên và Kiến tạo xã hội, khám phá nhiều vấn đề về giới tính và thực trạng nhận thức của xã hội hiện nay.
Diễn giả sự kiện là TS Phạm Quốc Lộc (hiệu trưởng Trường đại học Thái Bình Dương) và ThS Phù Khải Hùng (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ - Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Bất bình đẳng giới vẫn len lỏi trong cách chúng ta nhìn thế giới
Theo anh Phạm Quốc Lộc, khi nói giới là kiến tạo xã hội, ta đang đề cập đến quan điểm cho rằng giới và giới tính không phải là những đặc điểm cố định và tự nhiên do sinh học quyết định, mà là những sản phẩm được hình thành và thay đổi bởi xã hội.
Các vai trò, hành vi, mong đợi và biểu hiện liên quan đến giới không phải là do bản chất sinh học của nam hay nữ quy định, mà là do các hệ thống xã hội, văn hóa và lịch sử tạo ra và duy trì.
Điển hình là công việc chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái thường được xem là trách nhiệm chủ yếu của phụ nữ.
Ví dụ, phụ nữ thường được kỳ vọng sẽ là người nội trợ chính và chăm sóc trẻ em, trong khi nam giới thường được giao trách nhiệm kiếm tiền.
Nhưng theo Phạm Quốc Lộc, việc chăm sóc và nuôi dạy con cái không chỉ phụ thuộc vào chức năng sinh học mà còn liên quan đến vai trò xã hội.
Mặc dù phụ nữ có thể có vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy con cái, nhưng việc này không phải là trách nhiệm duy nhất của họ.
“Có thể thấy chúng ta không còn nói phụ nữ phải như thế này hay như thế kia, nhưng mà cách chúng ta làm hằng ngày vẫn đi theo tư duy cũ” - Phạm Quốc Lộc chia sẻ.
Sự phân biệt và kỳ thị bây giờ không còn bộc lộ rõ ràng bằng ngôn từ như ngày xưa, nhưng điều đó vẫn còn len lỏi trong tư duy, cách con người nhìn thế giới và cách tổ chức xã hội.
“Điều này được thể hiện rõ ràng khi đến dự một sự kiện, những người biểu diễn trên sân khấu khai mạc đa số là phụ nữ, nhưng các đại biểu quyền lực tham dự phía dưới khán đài thì đa số là nam giới” - anh Phạm Quốc Lộc nói.
Phụ nữ hoàn toàn có quyền thể hiện tình yêu
Theo thạc sĩ Phù Khải Hùng, các bạn trẻ ngày nay bắt đầu nhận ra rằng mình đang đối mặt với sự bất bình đẳng giới. Việc chủ động tìm kiếm tình yêu, thể hiện yêu thương và xây dựng các mối quan hệ là điều bình thường và không bị giới hạn bởi các chuẩn mực xã hội hoặc định kiến giới tính.
“Những biểu hiện đó không vi phạm bất kỳ tiêu chuẩn đạo đức nào.
Ví dụ, việc một cô gái yêu bạn trai của mình nhiều đến mức có quyền thể hiện những điều mà người khác nghĩ chỉ là đặc quyền của nam giới không nhất thiết phải bị phán xét” - anh Phù Khải Hùng chia sẻ.
Anh Phù Khải Hùng nhận định: Phụ nữ thường bị gắn với hình ảnh bị động và chờ đợi.
Xã hội có quan niệm rằng “trâu đi tìm cọc”, tức là chỉ có nam giới mới chủ động tìm kiếm tình yêu.
Tuy nhiên người ta quên rằng cọc không có chân, còn phụ nữ thì có khả năng di chuyển và suy nghĩ. Họ hoàn toàn có quyền chủ động tìm kiếm tình yêu phù hợp với mình”.
Ngoài ra tại sự kiện, chị Lê Lan Hương (25 tuổi, quận Tân Bình) chia sẻ: Việt Nam đang có những thay đổi rõ rệt, với tình trạng kỳ thị giảm dần.
Dù pháp luật hiện chưa công nhận hôn nhân đồng giới, nhưng các đám cưới đồng tính vẫn được tổ chức theo truyền thống văn hóa Việt Nam mà không bị cấm đoán.
Có thể thấy, xã hội Việt Nam đang dần chấp nhận những sự thay đổi này, thể hiện qua việc đề xuất xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính trong Quốc hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận